'Đan lưới lửa' diệt máy bay địch ở Chiến dịch Điện Biên Phủ

66 năm đã trôi qua, nhưng tiếng 'hò dô ta' kéo pháo vào trận địa, để 'đan lưới lửa' diệt máy bay địch ở Chiến dịch Điên Biên Phủ là kỷ niệm không phai mờ trong lòng cựu chiến binh (CCB) Lê Gia Tuất...

Đến căn nhà nhỏ ở ngõ 376, đường Khương Đình (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), chúng tôi được chiêm ngưỡng các “báu vật” mà ông Tuất trưng bày gọn gàng nơi phòng khách. Đó là những huân, huy chương chiến công, kỷ niệm chương, các bức ảnh kỷ niệm một thời quân ngũ và giữa vòng tay đồng đội trong đời thường.

 CCB Lê Gia Tuất.

CCB Lê Gia Tuất.

CCB Lê Gia Tuất sinh năm 1934, tại huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai), Hà Nội. Ngày ấy, dù còn nhỏ, cậu bé Gia Tuất đã cùng anh trai, chị gái và bạn bè tham gia vận chuyển súng, đạn cho bộ đội giữ thành Hà Nội theo lời hiệu triệu “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, ông được đưa lên Chiến khu Việt Bắc và học thiếu sinh quân.

Cuối năm 1952, ông Gia Tuất và các đồng chí trong đoàn học viên được cử đi học, huấn luyện súng pháo phòng không 37mm, một trang bị khí tài mới để phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ giỏi toán mà Gia Tuất được huấn luyện làm trắc thủ cao xạ có nhiệm vụ quan sát, nắm bắt cự ly, khoảng cách, độ cao, tốc độ và nhận dạng các loại mục tiêu phục vụ chỉ huy bắn. Việc học tập lúc đó rất khó khăn vì thiếu thốn về giáo án và phải nắm bắt các lý thuyết chuyên ngành cao cấp, quyết tâm không phụ lòng tin tưởng của Đảng và Bác Hồ, toàn thể học viên nêu cao tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, “học ngày không đủ, tranh thủ học đêm” nắm chắc những khung lý thuyết kỹ, chiến thuật cao xạ.

Tháng 7 năm 1953, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong dịp sang làm việc ở Trung Quốc đã đến thăm và kiểm tra việc học tập của đoàn học viên. Đồng chí đã chuyển lời hỏi thăm ân cần của Bác Hồ đến cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn: “Không quân là chỗ mạnh của giặc. Muốn thắng giặc, ta phải có bộ đội pháo cao xạ mạnh để trị máy bay của chúng… Muốn bắn rơi máy bay địch phải học tập tốt, giữ gìn súng đạn cho tốt”. Lời động viên của Bác càng làm cháy bùng ngọn lửa quyết tâm. Chỉ sau vài tháng huấn luyện, đơn vị đã làm chủ được vũ khí trang bị kỹ thuật chuyên ngành cao xạ và đạt kết quả tốt trong đợt diễn tập bắn đạn thật kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập. Cuối năm 1953, ông Tuất được biên chế vào Tiểu đoàn 396, Trung đoàn Cao xạ 367 (nay là Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân). Toàn đơn vị nhận lệnh, tiếp nhận trang bị vũ khí, khí tài, hành quân lên Điện Biên Phủ tham gia chiến dịch.

Bộ đội Cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh Tư liệu).

Những địa danh Lũng Lô, đèo Pha Đin, suối Nà Nham, đỉnh Pha Sông, vực Nậm Khô Hu, cánh đồng Nà Hi, Bản Tấu... đã trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất của bộ đội Trung đoàn cao xạ 367 ngày ấy khi vào Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đường nhỏ thì mở cho to, đường chưa có thì vỡ đá làm đường. Tối kéo pháo, ngày tránh bom, đôi bàn tay, bàn chân của ông cùng đồng đội tứa máu thấm ướt sợi dây tời, nhuộm hồng bùn đất. Thế nhưng, sức mạnh của ý chí, lòng căm thù giặc và độ bền của quyết tâm đã đưa những nòng pháo cao xạ vươn cao ngạo nghễ trong bầu trời Điện Biên trong xanh, sẵn sàng đan lưới lửa diệt thù.

Với nhiệm vụ trắc thủ, ông Tuất sử dụng các phương tiện trinh sát bầu trời, căng mắt đón bắt mục tiêu phục vụ cho chỉ huy bắn. Đùng đùng, đùng đùng... những khẩu pháo cao xạ 37mm đồng loạt nhả đạn từ các trận địa đan vào nhau đón bắt máy bay địch. Ông Tuất nhớ lại: “Những ngày đấy càng đánh càng hăng. Có khi mình còn vươn ra khỏi công sự để quan sát và nắm chỉ số thông tin độ cao, độ xa, tầm hướng của máy bay cho tốt hơn. Mỗi lần thấy máy bay địch bốc khói làm một lần rạo rực khí thế trong lòng”.

CCB Lê Gia Tuất thời trẻ

Những ngày sau, địch sử dụng bom nổ trên không gây sát thương nhiều cho các trận địa pháo cao xạ. Người sau thay thế người trước, có nhiều đồng đội, ông chưa kịp nhìn mặt đã bị thương đưa về tuyến sau. Rồi có lần, một khẩu đội bị trúng bom, khẩu pháo nặng vài tấn bị lật tung lên trời... những tổn thất càng thôi thúc ông quyết tâm phải tính toán chính xác để diệt địch ngay từ loạt đạn đầu, không cho chúng hoành hành, trút bom vào đồng đội.

Ông Tuất tâm sự: "Ngày cũng như đêm, chúng tôi lúc nào cũng căng như dây đàn đón đợi địch và yểm trợ bộ binh tiến công. Theo thống kê sau chiến dịch, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 đã bắn rơi 52 máy bay (trong tổng số 62 máy bay địch bị bắn rơi và phá hủy), bắn bị thương 153 chiếc khác, trong đó có máy bay ném bom B.24; tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Tướng Na-va đã phải thừa nhận trong cuốn hồi ký “Đông Dương hấp hối”, rằng: “Ở Điện Biên Phủ, các máy bay Pháp đã phải vượt qua một lưới lửa dày đặc, tương tự như lưới lửa cao xạ bảo vệ những điểm quan trọng của chiến trường châu Âu cuối Đại chiến Thế giới thứ hai”.

Bài, ảnh: VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/dan-luoi-lua-diet-may-bay-dich-o-chien-dich-dien-bien-phu-616833