Dân lo vì biển 'nuốt' mất rừng phòng hộ

Người dân vùng ven biển H.Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang sống trong nỗi lo vì biển từng ngày 'ngoạm' nốt những dải rừng chắn sóng.

Rừng phòng hộ ven biển tại thôn Song Yên (TT.Thiên Cầm, H.Cẩm Xuyên) bị sóng biển đánh tan hoang - Ảnh: PHẠM ĐỨC

Lo mất rừng

Rừng phòng hộ ven biển bị sóng đánh tan hoang

H.Cẩm Xuyên có khoảng 1.000 ha rừng phòng hộ ven biển, chủ yếu trồng cây phi lao trải dài 18 km qua 9 xã, gồm: Cẩm Hòa, Cẩm Dương, Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh, TT.Thiên Cầm... Lâu nay, với người dân sinh sống ở vùng ven biển, rừng phòng hộ là lá chắn xanh bảo vệ đất đai làng mạc, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, triều cường dâng cao cộng với sức tàn phá của mưa lũ khiến biển xâm thực mạnh vào đất liền, kéo theo rừng phòng hộ bị xói lở nghiêm trọng, cây cối ngã đổ chết dần chết mòn.

Dẫn chúng tôi đi dọc bờ biển thuộc thôn Song Yên (TT.Thiên Cầm), ông Trần Hữu Công (70 tuổi), người nuôi sò ở vùng biển này nhiều năm qua, cho biết khoảng hơn 10 năm trước, rừng phi lao cách chân sóng hiện nay khoảng 25 m, nhưng bây giờ đã bị biển “nuốt chửng”. Đặc biệt, sau cơn bão số 10 năm 2017, rừng phòng hộ bị sóng biển đánh tan hoang như vừa trải qua một trận bom, ngoài một lượng lớn đất đai và cây cối bị cuốn trôi thì hàng ngàn cây phi lao nhiều năm tuổi cũng bị gãy đổ, xiêu vẹo, bật gốc.

“Khu vực bờ biển đi qua thôn Song Yên dài hơn 1 km nhưng chưa có kè chắn sóng, trong khi rừng phòng hộ ngày càng mỏng dần nên chúng tôi không thể yên tâm sinh sống. Hy vọng chính quyền địa phương sớm có biện pháp khắc phục, để ngăn chặn tình trạng biển đang ngày càng lấn sâu vào bên trong”, ông Công nói.

Nghiêm trọng hơn, cả cánh rừng phòng hộ trồng cây phi lao chắn sóng, chắn cát rộng gần 12 ha, dài gần 4 km đi qua 3 thôn Bắc Hòa, Phú Hòa và Mỹ Hòa thuộc xã Cẩm Hòa đã bị sóng biển cuốn trôi khoảng 50% diện tích trong suốt 2 năm trở lại đây. Ông Nguyễn Đình Hương (42 tuổi, ngụ thôn Bắc Hòa, xã Cẩm Hòa) lo lắng: “Rừng giờ quá mỏng, không đủ sức ngăn sóng và gió khi thiên tai ập đến. Hậu quả là trong năm 2017, mưa bão đã đánh sập nhiều hồ nuôi tôm trên cát của người dân, gây thiệt hại rất lớn về tài sản”.

Tái trồng rừng

Ông Trần Đình Cúc, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hòa, cho hay trong năm 2017, chính quyền đã bỏ kinh phí mua hơn 2 vạn cây phi lao con về trồng dọc bờ biển để thay thế các cây bị sóng biển cuốn trôi. Tuy nhiên, do đất nhiễm mặn nên cây chết hết. “Xã Cẩm Hòa có 700 hộ với gần 2.500 nhân khẩu đang sinh sống ở vùng ven biển, trong đó có khoảng 20 hộ dân nuôi tôm trên cát ở vùng cửa biển. Nếu rừng không được khôi phục thì rất nguy. Chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện để xin kinh phí hỗ trợ làm kè biển ở vùng bị sạt nghiêm trọng và xin cơ chế chính sách để người dân tái trồng lại rừng”, ông Cúc nói.

Còn ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng NN-PTNT H.Cẩm Xuyên, cho hay trước thực trạng trên, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban liên quan đánh giá, rà soát để đưa ra biện pháp xử lý. Hiện nay, huyện đã đề nghị UBND tỉnh cung cấp cây giống để trồng bổ sung tại một số điểm sạt lở, đồng thời xem xét lập các dự án xây dựng kè biển chắn sóng ở những khu xung yếu. “Trước mắt, chúng tôi đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện phối hợp với chính quyền các xã tăng cường quản lý số diện tích rừng còn lại”, ông Hà nói.

Phạm Đức

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/dan-lo-vi-bien-nuot-mat-rung-phong-ho-1043112.html