Dân làng Thị Cấm háo hức xem kéo lửa, thổi cơm thi ngay tại sân đình

Hàng năm, cứ mùng 8 tháng Giêng Âm lịch, người dân làng Thị Cấm, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội lại đổ về sân đình thi kéo lửa thổi cơm.

Như thường lệ, vào ngày 8 Tết hàng năm, ở làng Thị Cấm, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội thường diễn ra lễ hội thổi cơm thi. Đây là một phong tục độc đáo của làng mỗi dịp xuân về, để cầu chúc cho dân làng một năm mới no đủ, hạnh phúc, mọi nhà bình an.

Từ sáng sớm, dân làng và ban tổ chức đã tất bật chuẩn bị các lễ vật cũng như các dụng cụ cần thiết cho lễ hội.

Theo các bô lão trong làng, lễ hội thổi cơm thi bắt nguồn từ việc tưởng nhớ công của tướng quân Phan Tây Nhạc trẩy quân qua làng đi dẹp giặc ở thời Hùng Vương thứ 18. Dân làng xin đi theo, tướng quân bèn mở cuộc thi thổi cơm để chọn người giỏi việc nuôi quân.

Hội thổi cơm thi có 3 phần chính là thi kéo lửa, thi chạy lấy nước và thi thổi cơm, giã thóc thành gạo.

Trước 11 giờ trưa, 4 đội thi phải hoàn tất những công việc chuẩn bị để bước vào cuộc tranh tài .

Công việc này bao gồm cuốn bùi nhùi và tách thanh tre để làm củi nấu cơm.

Tham gia cuộc thi gồm 4 đội đại diện cho các tổ, mỗi đội có khoảng 10 nam và 10 nữ. Bắt đầu cuộc thi, mỗi đội có 4 người nam tham gia kéo lửa.

Đội kéo lửa cháy sớm nhất là đội chiến thắng trong phần thi này.

Sau đó, các thanh niên nhanh chóng mang lửa về khu vực thổi cơm của đội mình để châm lửa vào bếp đã chờ sẵn.

Song song với phần thi kéo lửa là chạy lấy nước, 3 thiếu niên khỏe mạnh sẽ chạy ra khu vực lấy nước để mang về cho đội nấu cơm.

Phần thi giã gạo sẽ được diễn ra song song với hai phần thi trên.

Các đội sẽ cử những người đàn ông khỏe mạnh giã thóc mà ban tổ chức đã cung cấp bằng cối đá và chày gỗ, những người phụ nữ khéo tay nhất sẽ đảm nhiệm công việc sàng, sẩy.

Gạo càng được giã trắng, nhặt sạch thì khi nấu cơm mới trắng và mềm.

Gạo sau khi được đãi sạch, các thành viên trong đội nhanh chóng cho vào một chiếc niêu nhỏ để nấu.

Để cơm được dẻo, thơm, các đội phải đảm bảo lửa cháy liên tục và chắt nước đúng thời điểm.

Sân đình bốc khói nghi ngút bởi rơm rạ được đốt của các đội thi.

Sau đó họ dùng tro rơm vùi kín nồi để cơm chín.

Mỗi đội cũng phải tạo nhiều đống rơm khác để đánh lừa các quan đi dò nồi, mất công tìm kiếm, tạo điều kiện có thời gian để cho cơm chín thêm.

Thời gian dành cho quá trình thi thổi cơm kéo dài khoảng gần một giờ đồng hồ.

Sau đó các cụ trong Ban tổ chức sẽ gõ trống và đi tìm các nồi cơm trong các đống tro than rơm trên sân đình.

Phải mất khá nhiều thời gian tìm kiếm trong các đống tro, các cụ cao niên mới tìm thấy những nồi cơm của 4 đội.

Sau khi đã tìm thấy toàn bộ 4 nồi cơm của 4 đội, các cụ trong ban Khánh tiết sẽ chấm điểm nồi cơm đạt giải nhất và dâng mâm cơm của 4 giáp vào cửa Thánh.

Sau đó, các cụ cao niên trong làng tiến hành chấm điểm, nếu nồi nào cơm chín dẻo và trắng, không có hạt sống sẽ được trao giải

Kết thúc hội thi, các đội chia cơm cho dân làng để cầu mong một năm no đủ, an lành.

Hội thi kéo lửa thổi cơm của dân làng Thị Cấm trải qua bao nhiêu năm, đến nay vẫn giữ được nét văn hóa cổ truyền độc đáo.

Đông đảo người dân và du khách thập phương tấp nập đến xem hội tạo nên không khí sôi động, hào hứng trong những ngày đầu xuân năm mới.

Hình ảnh đội giành giải nhất trong phần thi kéo lửa./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/media/anh/dan-lang-thi-cam-hao-huc-xem-keo-lua-thoi-com-thi-ngay-tai-san-dinh-732551.vov