Dân làng cổ Đường Lâm sống chật vật từ du lịch

Năm 2006, Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) nhận danh hiệu làng cổ cấp quốc gia, người dân hy vọng du lịch nơi đây sẽ khởi sắc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các hộ dân sống nhờ du lịch ở làng cổ khá… chật vật.

Khá nhiều ngôi nhà cổ ở Đường Lâm cửa đóng then cài trong ngày hè nắng nóng

Khá nhiều ngôi nhà cổ ở Đường Lâm cửa đóng then cài trong ngày hè nắng nóng

Cửa đóng then cài

Chúng tôi có mặt ở làng cổ Đường Lâm vào một ngày nắng chói chang. Các con đường quanh làng phơi đầy rơm rạ, người dân hối hả gặt lúa dưới đồng, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng khách tham quan. Khung cảnh yên bình như bao làng quê Bắc bộ đang trong mùa gặt. Điều này sẽ chẳng có gì lạ, nếu đây không phải là điểm du lịch “có tiếng”, nằm cách Hà Nội gần 50km.

Trong một hội nghị báo cáo công tác bảo tồn phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm của thị xã Sơn Tây diễn ra mới đây, ông Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây thông tin: Trung bình mỗi năm Đường Lâm đón hơn 17.000 khách tham quan, nhưng đến nay mới có 10% số hộ có thu nhập từ du lịch. Với gần 15.000 người sinh sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ 800 ha, còn khoảng 13.500 người dân còn lại chưa được hưởng lợi từ du lịch làng cổ. Trong 12 năm qua, làng cổ Đường Lâm nhận được 369 tỷ đồng kinh phí đầu tư từ nhà nước.

Những hộ dân sở hữu nhà cổ thì đang phải sống cảnh muốn sửa nhà, trổ cổng… đều phải xin cấp phép xây dựng, thậm chí mưa là lội bì bõm trong nhà, xoong chậu hứng mưa “thường trực” quanh năm suốt tháng…

Gắn bó với làng cổ Đường Lâm trong rất nhiều năm, một người dân bùi ngùi chia sẻ, ngày hè nắng nóng hầu như không có khách tới làng, khách nước ngoài càng không. Thế nên nhiều ngôi nhà cổ cửa đóng then cài, có nhà neo người cũng đóng cửa, người quen gọi họ mới mở, còn khách lạ thì… “xin kiếu” vì mở cửa là phải bố trí người ngồi tiếp chuyện, phục vụ khách chu đáo. Thậm chí, có những nhà trong diện được hỗ trợ 250 - 300 nghìn đồng/tháng cũng “đóng cửa” vì số tiền này nếu làm việc khác họ có thể kiếm được ngay trong ngày.

“Đầu tư số tiền quá lớn trong 12 năm qua cho làng cổ mà không nhìn thấy hiệu quả đâu là sự thất bại thảm hại về mặt quản lý. Con số 10% số hộ có thu nhập từ du lịch cũng là… hoang đường vì thực tế ở Đường Lâm chỉ số ít hộ có thể sống được nhờ du lịch”, người dân này bức xúc nói.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, thành viên Hội đồng Di sản cấp quốc gia cũng cho rằng, cách đầu tư bảo tồn làng cổ Đường Lâm đang rất lãng phí, manh mún và chưa đủ tầm bởi di sản không chỉ mang giá trị tinh thần mà còn là cỗ máy kiếm tiền cho chính quyền và người dân.

Có cách làm đúng, dân sẽ sống được

Chị Nguyễn Hoàng Xuân (Hà Nội) đã vài lần đến làng cổ Đường Lâm, khi thì cùng nhóm bạn, lúc cùng gia đình chia sẻ: Tôi thích cảnh làng quê yên bình ở đây nhưng thực sự lần nào đến cũng chỉ “lượn” khoảng 2 tiếng là đã hết làng. Trẻ con đến làng thì luôn miệng đòi về vì không có gì hay. Sau khi thăm thú nhà cổ, đền thờ Ngô Quyền và Phùng Hưng, chụp vài bức hình, ghé quán ăn kẹo chè lam, uống nước chè xanh thì không còn gì níu chân khách nữa.

Ở gần Hà Nội, nhưng tour du lịch đến làng cổ Đường Lâm cũng chỉ có số ít công ty du lịch thiết kế đi về trong ngày, phần lớn đều kết hợp tham quan thêm cả chùa Mía, chùa Tây Phương, làng lụa Vạn Phúc, với mức giá dao động từ 850.000 đến 1.050.000 đồng/người/ngày.

Ông Hà Nguyên Huyến, Trưởng ban Văn xuôi, tuần báo Văn nghệ là đời thứ 13 sống trong ngôi nhà cổ loại I ở thôn Mông Phụ, Đường Lâm này

Là người gắn bó lâu năm ở làng cổ Đường Lâm, ông Hà Nguyên Huyến, Trưởng ban Văn xuôi, tuần báo Văn nghệ từng “sống khỏe” nhờ nghề làm tương gia truyền. “Cách đây vài năm, có tháng cao điểm nhà tôi bán 7-8.000 lít tương thương hiệu Nguyên Hà. Nghề này giúp tôi chúng tôi duy trì cuộc sống, cho con cái ăn học, mua được nhà ở Hà Đông”, ông Huyến chia sẻ.

Nhưng, nay có ý kiến định hướng để khách tham quan làng cổ Đường Lâm có thể tham gia vào quá trình sản xuất tương, kẹo, tết rơm… ông Huyến thấy không đồng tình bởi “nhà nào cũng làm theo hướng này thì sản phẩm bán cho ai?”. Là đời thứ 13 sống trong ngôi nhà cổ loại I, một trong những di sản văn hóa ở Đường Lâm, ông Huyến trăn trở rất nhiều với suy nghĩ phải làm gì để người dân nơi đây có thể sống được nhờ du lịch.

“Nơi đây là cộng đồng cư dân nông nghiệp lúa nước, người nông dân bao đời gắn với đất đai, đồng ruộng. Tại sao không nghĩ đến một hướng đi để người nông dân có thể hưởng lợi từ nông nghiệp? Nếu đồng ruộng được đánh thức, cả cộng đồng sẽ sống được nhờ các sản phẩm nông nghiệp sạch. Khách tham gia các tour du lịch đến Đường Lâm 1 ngày, khi về có sản phẩm sạch mang về làm quà cũng ý nghĩa lắm chứ!”, ông Huyến nói.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/dan-lang-co-duong-lam-song-chat-vat-tu-du-lich-post43203.html