Dân làng Attapeu về nhà tay trắng sau những ngày trốn chạy lũ dữ

'Lũ dữ cướp đi cha mẹ, ông ngoại và ba đứa cháu; nhà cửa của tôi cũng bị nước xiết cuốn phăng cả rồi', một người dân ở tỉnh Attapeu, Lào mếu máo nói.

Bốn ngày sau vụ vỡ đập phụ thuộc thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở tỉnh Attapeu (Lào), chiều 27/7, những trận mưa lớn vẫn dội xuống huyện Sanamxay khiến bùn nhão tiếp tục tràn ra nhiều bản làng nơi đây.

Những chiếc máy cày cũ kỹ nối đuôi chở từng nhóm người lấm lem bùn đất, phờ phạc trở về sau những ngày chạy trốn "đại hồng thủy". Người già, trẻ nhỏ choàng áo mưa nằm co ro trên máy cày. Họ vừa trải qua trận lũ kinh hoàng nhất từng xảy ra ở địa phương này.

Gào khóc tìm người thân

Sau khi lũ vừa rút, bà Chanh Sa Máy (ngụ bản Thà Sẻng Chăn) cùng hai con trở về. Họ tìm người thân trong vô vọng.

"Lũ cuốn trôi cha, mẹ, ông ngoại và ba người cháu đến nay vẫn chưa tìm thấy. Lũ quét sạch nhà cửa, tài sản. Nền nhà giờ chỉ còn là bãi bùn nhão thôi", ôm chặt cháu trai vào lòng bà Máy mếu máo khóc.

Bà Chanh Sa Máy (ngụ Thà Sẻng Chăn, huyện Sanamxay) ôm cháu trai mếu máo khóc sau bốn ngày trốn tránh lũ trở về làng. Ảnh: Minh Hoàng.

Bà Chanh Sa Máy (ngụ Thà Sẻng Chăn, huyện Sanamxay) ôm cháu trai mếu máo khóc sau bốn ngày trốn tránh lũ trở về làng. Ảnh: Minh Hoàng.

Tối 23/7, lũ lớn từ trên núi lao như "tên bắn" bất ngờ ập về. Bà Chanh Sa Máy khi đó đang lau dọn sau bữa ăn. "Chưa kịp tìm thuyền độc mộc chạy trốn thì nước dâng cao giật sập ngôi nhà, hất văng vợ chồng tôi và hai con xuống giữa biển nước", bà kể.

Sau một hồi vật lộn, bà bám được vào một cành cây cổ thụ, gào khóc gọi tên chồng, con giữa đêm tối.

"Đu bám cành cây chống chọi với lũ suốt một ngày đêm thì dân làng mới phát hiện và chèo thuyền đến ứng cứu. Còn chồng và hai con (một gái, một trai) của tôi sau đó cũng may mắn được đội cứu hộ cứu sống. Tuy nhiên cha mẹ, ông ngoại và ba người cháu của tôi có thể đã bị lũ vùi sâu trong lớp bùn nhão rồi", bà nói.

Vợ chồng ông La và chị Aun đang tìm kiếm 2 đứa con mất tích. Người cha rùng mình nhớ lại khoảnh khắc mình tất bật kéo thuyền để đưa cả nhà đi tránh lũ thì đứa con trai (1 tuổi) không may rơi xuống dòng nước cuồn cuộn.

"Hoảng hốt, hai vợ chồng gào thét tìm kiếm con trai thì con gái lớn 4 tuổi cũng bị dòng nước cuốn trôi. Cơn lũ tàn ác đã cướp đi hai con, giờ hai vợ chồng tôi không còn thiết ăn uống gì nữa", ông La nói.

Con gái Lạ La Năn (14 tuổi) và cậu con trai Sắc Đa Văn (16 tuổi) của chị Chanh Sa Máy may mắn sống sót trong lũ. Ảnh: Minh Hoàng.

'Phép nhiệm màu' trong lũ dữ

Chiều 27/7, hàng chục dân làng chạy trốn lũ trên những đồi cao, nương rẫy đã trở về. Với họ, chỉ sống sót đã là phép nhiệm màu.

15 Việt kiều sống ở bản Mày và Xờ Mó, huyện Sanamxay cũng may mắn thoát chết. Bà Vy Thị Thoa (37 tuổi, Việt kiều ngụ bản Mày), thuật lại khoảng 20h tối 23/7, hai vợ chồng nhận điện thoại từ người bạn thông báo vỡ đê. Chưa kịp thu dọn hàng tạp hóa thì nước lũ tràn vào nhà, dâng cao nhanh chóng.

"Tích tắc, nước đã dâng cao khoảng 10 m. 7 người gia đình chúng tôi và anh Biền chạy qua nhà cao tầng của người hàng xóm trú tạm. Nước càng ngày càng cao, mọi người phải bám trụ trên mái nhà suốt một ngày đêm mới được ứng cứu", bà Thoa thuật lại.

Ông Trần Văn Biền, một Việt kiều ở bản Mày, cho biết riêng bản Mày có gần 100 người mất tích, vẫn chưa được tìm thấy.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai khám bệnh, cấp phát thuốc cho người dân vùng lũ ở huyện Sanamxay. Ảnh: Minh Hoàng.

Ngày 27/7, nhiều trực thăng Việt Nam, Lào và lực lượng cứu hộ từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã về huyện Sanamxay tham gia tìm kiếm người mất tích.

Hội người Việt tại tỉnh Attapeu cùng Tổng lãnh sự Việt Nam tại Pakse Đoàn Văn Hiếu đã đến tiệm tạp hóa ở bản May, huyện Sanamxay, thăm 4 gia đình thoát nạn. Hiện 15 gia đình người Việt trong phạm vi ảnh hưởng đã được đưa đến nơi an toàn. Nhà chức trách chưa phát hiện thêm người Việt nào bị ảnh hưởng.

Ông Đoàn nói thêm giới chức Lào đang tích cực triển khai các biện pháp cứu hộ người dân vùng gặp nạn. Cơ quan chức năng cũng đang tập trung ổn định cuộc sống cho những người mất nhà cửa, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân ủng hộ...

Vì sao nhiều nước ưa chuộng thủy điện, bất chấp nguy cơ vỡ đập? Thủy điện đã đóng vai trò quan trọng từ thế kỷ 19 khi được dùng để tạo năng lượng phục vụ công nghiệp. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quan ngại về các hệ quả mà thủy điện gây ra.

Minh Hoàng (Từ Attapeu)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dan-lang-attapeu-ve-nha-tay-trang-sau-nhung-ngay-tron-chay-lu-du-post863971.html