Dân Ladakh lo sợ giữa căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc

Người dân Ladakh, khu vực nằm ở biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, luôn nơm nớp lo sợ không biết khi nào giao tranh sẽ xảy ra.

Trong vài tuần gần đây, Singay Angechuk - 19 tuổi, cư dân huyện Leh thuộc vùng Ladakh do Ấn Độ kiểm soát - thường xuyên thức giấc vì tiếng gầm đinh tai của máy bay chiến đấu.

Những âm thanh ồn ào vào buổi sáng này bắt đầu sau khi Trung Quốc và Ấn Độ nổ súng ở phía nam Ladakh vào ngày 30/8 và 7/9. Đây là vụ nổ súng đầu tiên kể từ năm 1975 dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), ranh giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong khu vực tranh chấp.

 Máy bay chiến đấu của Ấn Độ bay trên một dãy núi ở Leh, vùng Ladakh, ngày 15/9. Ảnh: Reuters.

Máy bay chiến đấu của Ấn Độ bay trên một dãy núi ở Leh, vùng Ladakh, ngày 15/9. Ảnh: Reuters.

Tình hình trong khu vực này đã căng thẳng từ lâu. Trung Quốc và Ấn Độ có chung đường biên giới không rõ ràng dài nhất thế giới.

Đường biên giới này nằm gần Ladakh, khu vực được tách ra từ bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ vào năm ngoái.

Lo sợ mỗi khi thấy máy bay

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là cường quốc hạt nhân. Năm 1962, hai bên đã chiến tranh trong một tháng. Từ đó, những cuộc giao tranh nhỏ liên tục xảy ra.

Trong cuộc giao tranh nghiêm trọng gần nhất vào ngày 15/6, cả hai bên đều có thương vong. Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Tuy nhiên, Trung Quốc không công bố thiệt hại.

Vì đường biên giới không được phân định rõ ràng, cả Bắc Kinh và New Delhi đều suy nghĩ khác nhau về nơi lãnh thổ của họ kết thúc. Vụ đụng độ gần đây nhất đã làm tăng mức độ lo lắng và buộc một số người dân địa phương phải di tản.

Người dân cầm bánh xe cầu nguyện ở ngoại ô Leh. Ảnh: Bhat Burhan.

Angechuk đang theo học trung học và nam sinh này nhận thấy mối nguy chiến tranh khiến việc học của mình bị xao nhãng.

“Mỗi khi máy bay phản lực xuất hiện trên đầu hoặc một đoàn xe quân sự di chuyển, tôi lại sợ hãi”, Angechuk nói với Nikkei Asian Review. “Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra bên ngoài Leh vì người dân không được phép đi lại. Những diễn biến này làm chúng tôi thêm lo lắng”.

Một chủ quán cà phê giấu tên ở Leh cho biết gần đây ông không nghe tin tức gì từ một người bạn sống gần biên giới vì chính quyền Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm liên lạc.

“Tôi lo lắng cho sự an toàn của ông ấy”, người này nói. "Không có tin tức nào vào thời điểm nguy hiểm này".

Không có nguồn thông tin nào, người Ladakh, đặc biệt là cư dân ở Leh, chỉ có thể nhìn lên trời và đếm những chiếc máy bay chiến đấu.

Ngồi bên ngoài cửa hàng đã đóng cửa, Nazir Laroo, 65 tuổi, lo lắng cho gia đình 7 người của ông. Vì những đứa cháu còn nhỏ, ông bị giằng xé giữa việc ở yên và tìm nơi khác trú ẩn.

Hút một điếu thuốc, ông Laroo trầm ngâm về mùa đông đặc biệt khắc nghiệt khiến mọi người chỉ có thể ở trong nhà sắp tới. Nhiệt độ thường giảm xuống dưới mức đóng băng.

"Chúng tôi sẽ làm gì nếu giao tranh xảy ra?", ông Laroo hỏi. "Chúng tôi sẽ chết trong nhà cùng những đứa trẻ, phải không?".

Ông Laroo cũng nói vũ khí và đạn dược không giải quyết được gì. “Cả hai nước nên ngồi lại và giải quyết các vấn đề một cách hòa bình”, ông Laroo nói với Nikkei Asian Review. "Mọi người nên kêu gọi đối thoại, chứ không phải chiến tranh".

Cả hai nước đã triển khai hàng nghìn binh sĩ và khí tài dọc theo biên giới. Đầu tháng này, khi Không quân Ấn Độ giới thiệu lô máy bay chiến đấu hai động cơ Dassault Rafale của Pháp đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh nói rằng Ấn Độ cần phải gửi thông điệp mạnh mẽ tới toàn thế giới, "đặc biệt là những kẻ đe dọa chủ quyền của Ấn Độ”.

Căng thẳng kéo dài

Tình hình dường như hạ nhiệt khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar gặp nhau vào ngày 10/9 tại Moscow sau 4 tháng bế tắc.

Họ đã nhất trí về lộ trình gồm 5 giai đoạn, bao gồm việc nhanh chóng giảm số quân đồn trú và tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng.

Tuy nhiên, người dân địa phương chỉ thấy số lượng máy bay phản lực và các đợt chuyển quân tăng lên.

Một nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí International Journal of Indian Psychology của Ấn Độ kết luận những căng thẳng về an ninh như vậy ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của mọi người. Nuzhat Firdous, tác giả của nghiên cứu từ Đại học Jamia Millia Islamia ở New Delhi, viết “ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột lâu năm, nhiều người có khả năng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn”.

Nhà hoạt động xã hội Sajad Ahmad kể lại cuộc giao tranh giữa Ấn Độ và Pakistan ở Kargil năm 1999, cách Leh khoảng 200 km. Đó cũng là một khu vực biên giới với những xung đột phức tạp khác.

Binh sĩ chuẩn bị dỡ hàng lên máy bay Chinook của Không quân Ấn Độ tại một căn cứ không quân ở Leh. Ảnh: Reuters.

“Chúng tôi từng là nạn nhân của các cuộc pháo kích xuyên biên giới, phải chứng kiến nhà mình trở thành đống đổ nát”, ông Ahmad nói. “Rất nhiều người mất nhà cửa và phải sống lang bạt. Vì vậy, chúng tôi rất sợ bất kỳ leo thang căng thẳng nào”.

Cuộc giao tranh năm 1999 đã khiến người dân ở cả Kargil và Leh - gần 28.000 người - phải chuyển chỗ ở, theo một số ghi chép.

Trong khi đó, người dân địa phương cho biết họ đã nhìn thấy quân đội Ấn Độ được triển khai dọc theo LAC cùng với tên lửa vác vai. Tuy nhiên, không có tin tức nào cho đến nay về việc di tản người dân, chỉ có sự lo lắng của họ ngày càng tăng.

Như Trần
Theo Nikkei Asian Review

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-ladakh-lo-so-giua-cang-thang-an-do-trung-quoc-post1132672.html