Dân La Ngà mỏi mòn chờ hỗ trợ sau vụ 1.900 tấn cá chết

Sau thảm họa cá chết hàng loạt, hàng chục hộ ngư dân lâm cảnh trắng tay. Gần 2 tháng sau vụ việc, họ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ để tái sản xuất, chi trả nợ nần.

Làng bè La Ngà nằm dưới chân cầu La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai). Trước đây, khu vực bến cảng dưới cầu sầm uất, kẻ đi, người lại, thương lái đánh ôtô về mua cá tấp nập.

Sau vụ 1.900 tấn cá của trên 130 hộ dân bị chết vào ngày 20/5, nơi đây trở nên hoang vắng khi chỉ có ít ngư dân lên bờ để thương lượng nợ nần với các chủ đại lý thức ăn chăn nuôi.

Người dân vớt xác cá bán với giá 2.000 đồng/kg cho các nhà vườn ủ phân. Ảnh: Ngọc An.

Một ngư dân nói rằng sau vụ cá chết hàng loạt, Sở NN-PTNT Đồng Nai và các cơ quan chức năng xác định cá chết do thiên tai và thông báo mức hỗ trợ một phần để dân tái sản xuất. Tuy nhiên, gần 2 tháng trôi qua, tiền hỗ trợ vẫn chưa về với ngư dân khiến họ trở nên lao đao.

Chị Ngô Thị Tiến (ngụ ấp 5, xã La Ngà, huyện Định Quán) cho biết 30 tấn cá của gia đình chị bị chết, thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Sau sự vụ, gia đình chị ôm khoản nợ “khổng lồ”.

Chị nói: “Cá chết nên thua lỗ nặng. Chồng tôi vì thế mà suy sụp tinh thần, phải nhập viện cấp cứu. Giờ tôi cố gắng làm để kiếm tiền sống qua ngày. Bè cá bỏ hoang từ hồi cá chết vì chưa nhận được tiền hỗ trợ để thả cá giống”.

Nợ nần chồng chất trong khi phải nuôi gia đình 4 miệng ăn, ngư dân tên Thành buộc bỏ bè lên bờ kiếm việc mưu sinh. Anh nói rằng ngày còn cá, gia đình còn có tiền chi tiêu, mua gạo và các thứ khác.

“Nay bè bỏ hoang, ngồi ở nhà thì chết đói. Lên bờ xin bốc vác, phụ hồ… mỗi ngày cũng có được chút ít để lo cho mấy đứa nhỏ”, anh Thành buồn rầu.

Bè nuôi của một hộ dân bị bỏ hoang sau thảm họa cá chết. Ảnh: Ngọc An.

Ở làng bè La Ngà, nhiều gia đình có được sự giúp đỡ của người thân hoặc được đại lý thức ăn chăn nuôi “giãn nợ”, họ bắt tay vào nuôi lứa cá mới. Gia đình anh Đinh Văn Hiệp từng thiệt hại trên 20 tấn cá và nợ tiền cám chăn nuôi hàng trăm triệu đồng.

Ngư dân này được chủ đại lý lùi thời hạn trả nợ và cho vay thêm tiền để tạo điều kiện sản xuất. “Tôi hy vọng đợt tái đàn này sẽ thuận lợi để có tiền trả nợ cũ và lo cho con ăn học”, ngư dân Hiệp thổ lộ.

Ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán (Đồng Nai), cho biết UBND huyện này đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, thống kê lại các hộ bị ảnh hưởng để có phương án hỗ trợ.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai nói rằng đang rà soát các hộ bị ảnh hưởng để triển khai hỗ trợ theo quy định.

Theo vị này, cá bè trên sông La Ngà được xác định chết do thiên tai nên mức hỗ trợ sẽ theo nghị định 02 của Chính phủ (Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh).

Những hộ dân bị thiệt hại phải đảm bảo nằm trong danh sách cấp phép chăn nuôi, trong vùng quy hoạch sẽ được hỗ trợ. Lãnh đạo Sở NN-PTNT nói: “Nếu thiệt hại từ 30-70% trong khối lượng 100 m3 ao nuôi thì được hỗ trợ từ 3-7 triệu đồng, thiệt hại từ 70-100% thì hỗ trợ từ 7-10 triệu đồng”.

Sở NN-PTNT Đồng Nai ghi nhận trên 1.900 tấn cá của ngư dân nuôi ở các lồng bè trên sông La Ngà bị chết, thiệt hại ước tính nhiều tỷ đồng.

Đầu tháng 6, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết cá chết trên sông La Ngà do thiên tai.

Theo đó, tối 20/5, địa bàn có mưa lớn khiến nhiều tạp chất, rác thải trên cạn bị nước cuốn xuống sông rồi đổ về khu vực nuôi cá. Thời điểm này, mực nước sông đã xuống mức thấp nên lượng ôxy hòa tan thiếu làm cá chết.

Ngộp thở vì hàng trăm tấn cá chết dồn về bến La Ngà Cá làng bè ồ ạt chết và phân hủy, người dân tranh thủ vớt rồi đưa về bến La Ngà (Định Quán, Đồng Nai) bán cho người dân và thương lái khiến khu vực chìm trong mùi hôi thối.

Ngọc An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dan-la-nga-moi-mon-cho-ho-tro-sau-vu-1900-tan-ca-chet-post858159.html