Dân khóc ròng vì chanh dây không quả: Gia Lai hành động

Tỉnh Gia Lai đã có công văn yêu cầu CA điều tra làm rõ hành vi lừa đảo liên quan tới hàng nghìn tấn bí thối ngoài đồng, chanh không ra quả.

Đó là chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, trước thông tin công ty TNHH Tuấn Đại An kinh doanh gian dối, thông tin sai sự thật, lừa nông dân ở huyện Chư Sê và hàng ngàn tấn bí xanh bị bỏ thối, gây hậu quả ở huyện Chư Pưh.

Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cần chủ động nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động ký kết hợp tác trồng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gây thiệt hại về kinh tế cho người dân.

UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các Sở NN-PTNT, Khoa học công nghệ, KH-ĐT cùng UBND các huyện Chư Sê, Chư Pưh cần cung cấp thông tin và phối hợp với Công an trong quá trình xác minh, điều tra về nguồn gốc, chất lượng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng do công ty Tuấn Đại An cung cấp cho các hộ dân.

Hàng nghìn tấn bí xanh thối ngoài ruộng

Hàng nghìn tấn bí xanh thối ngoài ruộng

Trong khi đó, địa phương phải khuyến cáo người dân khi ký bất kỳ hợp đồng hợp tác đầu tư nào cũng phải cân nhấc, tìm hiểu thật kỹ và thông báo cho chính quvền địa phương biết để kiểm tra, tránh bị thiệt hại về kinh tế.

Trước đó, ngày 15/7, đại diện 33 hộ nông dân bị thiệt hại trong vụ trồng chanh dây không có quả tại xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh đã được công ty Công ty TNHH Tuấn Đại An hứa, xóa toàn bộ số nợ của nông dân còn nợ doanh nghiệp.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng hoàn trả lại số tiền nông dân mua giống, thuốc trừ sâu, phân bón trước đó. Tổng số tiền doanh nghiệp trả lại cho nông dân là hơn 279 triệu đồng, trong thời hạn từ 45-60 ngày (kể từ ngày 1/7).

Thực tế, công ty trên đã đưa ra lời quảng cáo giống chanh dây này ươm từ hạt, không phải giống ghép truyền thống, chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất cao, hỗ trợ cho người dân nợ 50% tiền giống, phân bón và sẽ trừ khi chanh dây thu hoạch.

Đồng thời, công ty TNHH Tuấn Đại An cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho tất cả hộ dân trồng cho công ty. Hợp đồng này nêu rõ, công ty có trách nhiệm thu mua sản phẩm cho dân. Khi cây xuống giống, trong vòng 4 tháng không thấy đậu bông thì công ty có trách nhiệm thay thế cây khác cho dân.

Tuy nhiên, sau hơn 8 tháng trồng, cây chanh dây trồng mà không có quả, trong khi đó công ty lại chặn mọi liên lạc với người dân.

Chanh dây trồng nửa năm không có quả

Còn về phía công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên đã kí hợp đồng về dự án trồng bí xanh Đài Loan và sẽ thu mua toàn bộ nông sản làm ra với giá trị 5.000 đồng/kg với người dân xã Ia Glai, huyện Chư Sê.

Khi công ty phát giống, đem vào ươm thì tỉ lệ nảy mầm chỉ đạt khoảng 20 - 30%. Vì vậy nên công ty đã hỗ trợ thêm giống bí đỏ Nhật Bản để bù lại số lượng không nảy mầm.

Hơn 6 tháng, khi đến kỳ thu hoạch, trái bí đã lớn khoảng từ 10-15 kg/quả thì nhân viên và lãnh đạo công ty bỗng dưng đều mất liên lạc với nông dân. Bí đã đến ngày thu quả mà không ai đến mua nên các hộ dân chua xót nhìn vườn bí mình nằm ngổng ngang ngoài ruộng.

Trên con đường Quốc lộ 14 hiện nay (đoạn đi qua huyện Chư Sê) nhiều bà con đã chất đống bí xanh dọc đường để bán. Giữa cái nắng, mưa thì bí càng nhanh thối hơn. Cách bán nhỏ lẻ này cũng chỉ giải quyết được 1 phần tồn đọng còn đến 90% bí là bị thối rữa tại ruộng vì không bán được.

Điều đáng nói, là khi sự việc được báo chí phản ánh, cũng như người dân lên tiếng thì bên phòng NNPT-NT huyện Chư Sê, huyện Chư Pưh, cũng như lãnh đạo các xã Ia Blứ mới nắm được thông tin và vào cuộc.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/dan-khoc-rong-vi-chanh-day-khong-qua-gia-lai-hanh-dong-3341439/