Dân khóc dở mếu dở vì bị chọn nhầm đối tượng dự án giảm nghèo

Dự án giảm nghèo hỗ trợ giống, vật tư nuôi lươn thịt trong bể xi măng đáy không bùn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chọn tỉnh Bắc Kạn là một trong 15 tỉnh thực hiện dự án.

Đi tắt đón đầu, triển khai thực hiện trước khi có công văn chỉ đạo, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn khiến nhiều hội viên nông dân tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đang từ hy vọng chuyển thành thất vọng khi biết mình không phải là đối tượng thực hiện dự án.
Dự án giảm nghèo hỗ trợ giống, vật tư nuôi lươn thịt trong bể xi măng đáy không bùn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chọn tỉnh Bắc Kạn là một trong 15 tỉnh thực hiện dự án. Nhiều hộ nông dân tại xã Yến Dương tưởng mình nằm trong đối tượng của dự án, nên đã chuẩn bị điều kiện cơ bản để nuôi lươn không bùn trong bể xi măng như xây bể, chuẩn bị nguồn nước, đường thoát nước thải, dựng mái che, nhưng hiện nay đành bỏ không vì tới phút cuối bất ngờ bị loại khỏi danh sách đối tượng của dự án.
Bà Hoàng Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yến Dương cho biết: Ngày 27/5, khi triển khai cuộc họp đầu tiên để tuyên truyền vận động các hộ tham gia dự án, cán bộ Hội Nông dân tỉnh không nói là dự án chỉ dành cho đối tượng là hộ nghèo mà khẳng định chỉ cần hộ nào đủ quyết tâm, đam mê là được.

Sau đó, Hội Nông dân xã đã chọn 12 hộ tham gia vào dự án, các hộ đã được đi tham quan mô hình ở Hưng Yên và về xây dựng chuồng trại theo mô hình. Tuy nhiên, tới cuộc họp thứ hai vào đầu tháng 7, bà Ngọc mới biết thông tin là chỉ có hộ nghèo mới được tham gia vào dự án.

Vì thế 12 hộ này không phải là hộ nghèo nên không được tham gia dự án, thay vào đó Hội Nông dân xã Yến Dương đã phải lựa chọn 15 hộ nghèo khác tham gia đúng theo yêu cầu của dự án.
Ông Hà Văn Nho, thôn Nà Viến, xã Yến Dương, cho biết gia đình ông đã bỏ gần 14 triệu đồng để xây bể, tuy không phải vay mượn nhưng đó cũng là món tiền lớn đối với gia đình. Nếu biết trước mình không thuộc đối tượng được thực hiện dự án thì ông sẽ không bỏ ra ngần ấy tiền để xây bể. Hai bể chuẩn bị cho việc thực hiện dự án của gia đình ông Nho giờ đành bỏ, không biết sử dụng cho việc gì.
Cùng chung hoàn cảnh với ông Nho và nhiều hộ gia đình khác, anh Nguyễn Văn Khuyến, thôn Nà Viến, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, cũng đã chuẩn bị hai bể nuôi lươn với diện tích 12 m2, số tiền bỏ ra ngót nghét 15 triệu đồng. Hiện bể nhà anh Khuyến cũng đã chuyển đổi tạm sang nuôi cá.
Anh Khuyến chia sẻ, đã lỡ xây bể rồi thì gia đình anh sẽ cố gắng tiếp tục nuôi lươn. Tuy nhiên để mua được đủ số lươn giống thả bể, gia đình anh cũng phải tính toán thêm vì chưa tìm được nguồn vốn.

Qua tìm hiểu trên mạng, anh Khuyến đã tìm được một số đầu mối để mua lươn giống, tuy nhiên mỗi con lươn giống có giá 7.000 đồng, với diện tích 12 m2 của gia đình anh Khuyến có thể thả được khoảng 6.000 con giống. Nếu tính cả việc bị hao hụt do vận chuyển, gia đình anh cũng phải mất gần 50 triệu đồng để mua con giống.
Anh Khuyến cho biết, theo Hội Nông dân tỉnh, những hộ đã "trót" chuẩn bị cho dự án nuôi lươn trong bể không bùn, bị sai đối tượng sẽ được cho vay Quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân với số tiền 50 triệu đồng, thời hạn 18 tháng. Với thời hạn ngắn như vậy, mặc dù không có vốn nhưng gia đình anh cũng sợ không dám vay.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Văn Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: “Khi triển khai tuyên truyền chúng tôi đã biết đối tượng thực hiện dự án là hộ nghèo, có thể do cán bộ tuyên truyền không rõ nên có sự nhầm lẫn”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi cán bộ của Hội bắt đầu triển khai tìm kiếm các hộ hội viên để theo mô hình là vào cuối tháng 5/2020. Tuy nhiên, cho tới ngày 19/6, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mới có Công văn số 1688-CV/HNDTW về việc triển khai dự án này.
Lý giải cho việc triển khai trước khi có công văn chỉ đạo, ông Quảng cho biết từ tháng 3, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có Kế hoạch số 169–KH/HNDTW về vấn đề này. Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, các cán bộ của Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đã chủ động triển khai các bước từ tháng 5. Tuy nhiên, trong bản Kế hoạch số 169 này không hề đề cập cụ thể về đối tượng tham gia dự án.
Dù giải thích bằng lý do nào thì việc lựa chọn hội viên không đúng đối tượng, không giải thích rõ cho hội viên đã khiến 12 hộ gia đình lâm vào cảnh dở khóc, dở mếu vì không được hỗ trợ con giống, bể nuôi.

Dù không được hỗ trợ nhưng nguyện vọng của các hộ này đều muốn được tạo điều kiện để theo tiếp mô hình. Vì thế, rất cần sự trợ giúp của Hội Nông dân tỉnh về vốn vay với thời hạn phù hợp, hỗ trợ nguồn cung con giống, kỹ thuật để 12 hộ gia đình này có đủ nguồn lực tiếp tục theo đuổi mô hình./.

Vũ Hoàng Giang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dan-khoc-do-meu-do-vi-bi-chon-nham-doi-tuong-du-an-giam-ngheo/166332.html