Dân kêu trời vì trang trại chăn nuôi trong khu dân cư

Hàng ngàn con gà tại một trang trại gia cầm trên địa bàn xã Cư Eebur.

(Cadn.com.vn) - Hiện nay, tại thôn 2 và thôn 3 (xã Cư Eebur, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc) “bùng nổ” các trang trại chăn nuôi. Mỗi trang trại nuôi hàng chục con heo đến hàng ngàn con gà công nghiệp khiến môi trường ô nhiễm vì chất thải chăn nuôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều hộ dân xung quanh.

Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nói trên nằm giữa khu vực đông dân của thôn 2 và thôn 3. Xung quanh những trang trại này là hàng trăm hộ dân sinh sống ổn định từ nhiều năm nay. Do đó, sự xuất hiện và mọc lên như “nấm sau mưa” của các trang trại đã ảnh hưởng không ít đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Anh Nguyễn Trọng Kiên (ngụ thôn 3, xã Cư Eebur) cho hay: “Xung quanh khu vực nhà tôi có tới 7 trang trại nuôi heo, gà. Gia đình chúng tôi sống dở, chết dở suốt thời gian qua vì tình trạng hôi thối từ chất thải, nguy cơ bệnh tật cao. Vào những ngày mưa, mùi hôi này càng khủng khiếp hơn. Cả ngày đêm nhà phải đóng cửa kín mít nhưng vẫn không thở nổi vì mùi hôi thối”.

Ghi nhận thực tế tại một số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại thôn 3 cho thấy, nước thải từ trang trại heo gần nhà anh Kiên dẫn trực tiếp xuống một hồ rộng khoảng 100m2 mà không hề được xử lí. Đáng nói, lượng nước thải đen ngòm và chỉ cần một cơn mưa nhỏ sẽ chảy lan ra rãnh nước kế bên. Người dân nơi đây cho biết, rãnh nước này chảy ra suối qua thôn 8, nước đập 312 trước khi đổ ra sông Srêpốk. Anh Trần Văn Nhật (ngụ thôn 3) bức xúc: “Vào những ngày mưa, không chỉ mùi hôi bốc lên mà lượng nước thải theo mưa chảy vô tội vạ ra ngoài môi trường. Lượng nước thải không được xử lí từ các trang trại là điều kiện vô cùng thuận lợi cho ruồi, muỗi và vi khuẩn gây bệnh. Đồng ý là người dân phải tìm kế sinh nhai nhưng họ phải nghĩ đến sức khỏe của những người xung quanh. Đằng này, họ cứ nghiễm nhiên và không có một chút động thái xử lí nguồn nước thải khủng khiếp này”. Người dân thôn 3 nhiều lần đề nghị các chủ trang trại tiến hành các biện pháp xử lí chất thải nhằm giữ gìn môi trường và bảo vệ người dân xung quanh. Tuy nhiên, lượng nước thải không những không được xử lí mà ngày càng tăng lên. Theo anh Trần Thế Hợp (thôn 3), nhiều chủ trang trại có xu hướng mở rộng chuồng trại để tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm. Đứng trước “vòng vây” của chất thải chăn nuôi, các hộ dân đã làm đơn kiến nghị gửi chính quyền địa phương nhiều lần.

Nước thải đen ngòm từ một trang trại heo.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã Cư Êbur cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của người dân, cuối tháng 4-2016, UBND xã Cư Êbur đã ký quyết định thành lập tổ vận động tuyên truyền về việc thực hiện tiêu chí môi trường trên địa bàn xã. Tổ đã tiến hành rà soát, vận động các chủ trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, vận động người dân di dời các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, hợp đồng với các đơn vị chuyên môn thu gom rác thải, đảm bảo môi trường xanh, sạch đẹp. Mới đây, vào ngày 22-9, UBND xã tiếp tục ra quyết định củng cố tổ tuyên truyền để hoạt động có hiệu quả hơn”. Ông Hà thông tin thêm, trong quá trình vận động, đại đa số các chủ trang trại đều nhận thức được việc tình trạng ô nhiễm từ việc chăn nuôi của mình và cam kết sẽ có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Một số trang trại gây ô nhiễm cũng bị Đội Cảnh sát Môi trường CATP Buôn Ma Thuột kiểm tra, xử lý hành chính và yêu cầu có các biện pháp khắc phục, đề nghị di dời. Hiện cũng đã có một vài hộ di dời trang trại, số còn lại vẫn tập trung quanh khu dân cư. Các hộ còn lại cũng đã làm cam kết sẽ di dời dần ra khỏi khu dân cư từ cuối năm nay đến cuối năm 2018. Tuy nhiên, việc di dời khó thực hiện bởi hiện nay, TP Buôn Ma Thuột mới chỉ quy hoạch chứ chưa có khu chăn nuôi tập trung”.

Nguyên Trịnh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_155635_dan-keu-tro-i-vi-trang-tra-i-chan-nuoi-trong-khu-d.aspx