Dân kêu cứu Thủ tướng vì bị doanh nghiệp chèn ép đền bù rẻ mạt

Nhà và đất ở của dân giữa trung tâm quận 1, TP.HCM có giá trị hơn 300 triệu đồng/m2, 'bỗng nhiên' bị doanh nghiệp thu hồi, chỉ đền bù bằng 50% giá trị gây bức xúc. Người dân cho rằng, đây là hành động 'cướp' đất làm dự án, không phải thương lượng, đền bù như chủ trương Nhà nước đề ra.

Hàng chục hộ dân khu tập thể 33 Nguyễn Du và 34-36 Chu Mạnh Trinh (P. Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) gửi đơn khiếu nại đến Báo Người Tiêu Dùng vì cho rằng “Công ty Việt Hân Sài Gòn cố tình chèn ép hòng cưỡng chiếm đất trái quy định để trục lợi”.

Nhà dân tại mặt bằng 34 Chu Mạnh Trinh.

“Ép buộc” dân chịu mức đền bù rẻ mạt?

Khu tập thể này tiền thân là khu nhà ở của CB-CNV Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Sau đó, được phê duyệt chủ trương giải tỏa để làm dự án khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê. Vinafood 2 và Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập liên doanh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Xây dựng Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án từ năm 2009 (trong đó, Vinafood 2 góp 20% vốn bằng một phần quyền sử dụng đất, còn Công ty Việt Hân 80% vốn bằng tiền mặt).

Các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đã nhanh chóng được triển khai. Mức giá đền bù được chủ đầu tư đưa ra thương lượng thời điểm này là 105 triệu đồng/m2 đất, tuy nhiên người dân không đồng tình vì cho rằng quá thấp so với thực tế thị trường.

Đến giữa năm 2018, các vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án bắt đầu tái khởi động nhưng không đạt được thỏa thuận. Đến ngày 13/11, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã ngang nhiên cho người xông vào khu nhà dân, rào chắn, giăng kẽm gai một số khu vực, làm náo loạn cuộc sống của các hộ dân ở đây.

Theo người dân nơi đây thuật lại, đích thân ông Nguyễn Phước Bảo Anh, xưng là Giám đốc Công ty Việt Hân Sài Gòn đã dùng những lời lẽ khiếm nhã, thậm chí còn xua quân chèn ép người dân hòng cưỡng chiếm trái phép khu đất. Chỉ đến khi người dân phản kháng quyết liệt và chính quyền địa phương có mặt, vụ việc mới ngưng, đoàn người rút đi.

“Họ (Công ty Việt Hân Sài Gòn) hành xử thiếu văn hóa lắm, không chấp nhận được. Thậm chí, còn thách thức theo kiểu đất của họ, họ muốn làm gì thì làm. Lẽ nào đất chúng tôi sinh sống mấy chục năm, có giấy tờ pháp lý rõ ràng, bỗng thành đất người khác mà chúng tôi không hay biết?” - ông Võ Văn Kháng (người dân khu tập thể) bất bình.

Cùng bức xúc với ông Kháng, ông Hà Chư (người dân khu tập thể) nói trong nước mắt: “Nói thật, chúng tôi sẵn sàng bán nhà, chuyển nhượng nơi ở đã gắn bó hơn nửa cuộc đời mình, miễn sao đền bù hợp lý một chút. Ai đời đất mặt tiền quận 1, đo đạc, thẩm định hẳn hoi mấy năm trời mà đền bù có hơn 100 triệu đồng đồng/m2, trong khi giá trị thực tế hiện tại theo tôi biết là hơn 300 triệu/m2. Doanh nghiệp các anh làm kiếm lợi nhuận ngàn tỷ thì cũng phải nghĩ phương án đền bù, hỗ trợ cho chúng tôi có thể mua nhà, đất chỗ khác để ổn định cuộc sống chứ. Không lẽ bán nhà với giá rẻ mạt vậy xong trở thành vô gia cư!”.

Khu đất vị thế đắc địa tại trung tâm thành phố nhưng dân bị đền bù giá rẻ mạt.

Chính quyền địa phương “bó tay”, phải kêu cứu Thủ tướng!

Trước những bức xúc của người dân, ngày 30/11, UBND P. Bến Nghé, quận 1 (đại diện là ông Võ Quốc Hưng - Phó Chủ tịch phường) đã tổ chức buổi đối thoại giữa chính quyền, đại diện Công ty Việt Hân Sài Gòn và người dân khu tập thể. Khi được hỏi về những vấn đề pháp lý của dự án, cũng như cách hành xử “thiếu văn hóa” của công ty mình, ông Bảo Anh trả lời lòng vòng, không đúng trọng tâm, không trình được giấy chứng nhận mình là chủ đầu tư hợp pháp của dự án.

Kết luận tại buổi đối thoại, ông Hưng cho rằng Công ty Việt Hân Sài Gòn không nên rào chắn lấn chiếm hẻm. Đồng thời đề nghị người dân và Công ty Việt Hân Sài Gòn ngồi lại thương lượng, thỏa thuận theo tinh thần hợp tác, thiện chí. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài ngày, Công ty Việt Hân Sài Gòn ra thông báo số 32/VHSG về việc thông báo lắp dựng tường rào tole và khoan khảo sát địa chất tại số 34-36 Chu Mạnh Trinh và số 33 Nguyễn Du trong khi việc thương lượng người dân vẫn còn bỏ ngỏ. Theo người dân, đây là hành động ngang ngược, bất chấp và coi thường ý kiến chính quyền địa phương.

“Chúng tôi ở đây đều từng là cán bộ Nhà nước, thế nhưng giờ đây lại chuẩn bị ra đường, vô gia cư chỉ vì những điều vô lý xuất phát từ một doanh nghiệp tư nhân. Làm ơn, đừng để câu chuyện Thủ Thiêm lập lại ngay giữa trung tâm thành phố, chúng tôi không mong muốn. Đau thương bao nhiêu đó là đủ rồi!” - Ông Hà Chư phản ứng.

Trước đó, 8/2018, UBND quận 1 cũng đã tổ chức buổi gặp mặt người dân tại khu tập thể kể trên để đối thoại về việc đền bù, giải tỏa và di dời các hộ dân để phục vụ dự án. Chủ trì buổi đối thoại là ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1. Tuy nhiên, kết quả cũng chỉ là con số “0” tròn trĩnh.

Trước sự “bất lực” của chính quyền địa phương, mới đây người dân khu tập thể đã có đơn kêu cứu gửi đến Thủ tướng Chính phủ để khẩn cầu xem xét, hỗ trợ kịp thời ngăn chặn hành vi chèn ép, bất chấp của doanh nghiệp, trả lại sự công bằng cho người dân. Người dân mong rằng, những chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng ít nhất sẽ bảo đảm trước mắt là một cái Tết vui vẻ, đoàn viên cho các hộ dân khu tập thể và tương lai là mức giá thương lượng, đền bù hợp lý nhất để sớm an cư, lạc nghiệp.

Lịch sử sai phạm của dự án

Liên quan đến dự án nói trên, ngày 27/6/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã ban hành Kết luận Thanh tra số 5278/KL-BNN-TTr “về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao tại Tổng công ty Lương thực miền Nam”.

Kết luận thanh tra nêu rõ, việc tự ý thỏa thuận, thống nhất của Ban lãnh đạo Công ty Việt Hân Sài Gòn về đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân tại khu vực này là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1647/TTg-KTN ngày 15/9/2015 “về việc thực hiện phương án sắp xếp lại cơ sở nhà, đất tại số 33 Nguyễn Du, 34, 36 và 42 Chu Mạnh Trinh, P. Bến Nghé, quận 1, TP.HCM”.

Ngoài ra, việc tự ý thỏa thuận chuyển nghĩa vụ đền bù cho 34 hộ dân khu tập thể từ Công ty Việt Hân Sài Gòn (đền bù theo tỷ lệ góp vốn: Vinafood 2 chịu 20%, Công ty Việt Hân chịu 80%) sang một mình Vinafood 2 (đền bù 100%) là sai chủ trương. Nếu thực hiện, sẽ gây thất thoát ngân sách số tiền lên đến 54 tỷ đồng.

Kim Ngọc - Ảnh: Đăng Kiệt

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/dan-keu-cuu-thu-tuong-vi-bi-doanh-nghiep-chen-ep-den-bu-re-mat-d73379.html