Dân Israel lại hoảng vì Iron Dome cướp cò

Tờ The Times of Israel ngày 11/10 dẫn tuyên bố của Quân đội Israel (IDF) thừa nhận, việc hệ thống Iron Dome phóng tên lửa đánh chặn là do bị cướp cò.

Tuyên bố của IDF cho biết: "Hệ thống Iron Dome đã phóng một số tên lửa đánh chặn do xác định nhầm nguy cơ đe dọa. Không có bất cứ vụ phóng rocket nào phóng từ phía Dải Gaza vào lãnh thổ Israel hôm 11/10". Ngay trước khi có thừa nhận bất ngờ này, còi báo động về một cuộc tấn công rocket hú vang vào khoảng 10h sáng tại các khu vực Sha'ar Hanegev và Sdot Negev, phía nam Israel, khiến hàng nghìn người dân phải vội vã sơ tán đến nơi trú ẩn.

Được biết, đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm 2018, hệ thống Iron Dome đã khiến người dân Israel hoảng loạn vì tình trạng cướp cò. Vụ việc trước dó xảy ra vào ngày 25/3. Cũng giống như vụ phóng hôm 11/10, IDF cũng lập tức thừa nhận, không có bất cứ cuộc tấn công bằng tên lửa nào diễn ra tại Dải Gaza tối 25/3 sau khi còi báo động tên lửa tấn công đã vang lên khắp nơi.

Một quan chức cấp cao thuộc IDF đã xác nhận về vụ việc này và cho biết: "Không có bất cứ cuộc tấn công nào bằng tên lửa nhằm vào Dải Gaza tối 25/3 mà đó chỉ là một cuộc tấn công bằng súng máy. Tuy nhiên, đã có cả chục quả đạn của hệ thống Iron Dome đã được phóng".

Được biết, trước khi xảy ra 2 vụ cướp cò đầy tai tiếng này, hệ thống Iron Dome từng nhiều lần khiến người dân Israel thấp thỏm lo lắng. Theo lý giải của IDF, để xảy ra những vụ cướp cò này hoàn toàn không phải là lỗi của con người hay vũ khí mà là do chúng đã hoạt động quá tốt khi có thể phát hiện được cả những vụ nổ súng trên mặt đất.

Lời giải thích chính thức đã được IDF đưa ra nhưng đâu là nguyên nhân thực sự thì cần phải có thêm thời gian để điều tra và cũng có thể nó sẽ không bao giờ được công bố. Tuy nhiên, nếu khả năng Iron Dome bị lỗi xảy ra thì điều này cũng không quá bất ngờ bởi chưa bao giờ hệ thống phòng không này được đánh giá cao.

Theo phân tích của The Times of Israel, tồn tại lớn nhất của Iron Dome là không thế phản ứng với các cuộc tấn công trong phạm vi cực ngắn. Phạm vi hoạt động tối thiểu chưa được nhà sản xuất công bố nhưng theo các chuyên gia Iron Dome không thể bắn hạ các quả đạn rocket trong phạm vi nhỏ hơn 5 km.

Đó là lý do tại sao, những khu vực dân cư sát với Dải Gaza, vốn là đối tượng bảo vệ hàng đầu của hệ thống vẫn phải sử dụng rất nhiều các biện pháp phòng ngự bị động như xây dựng các hầm chứa bom và hầm trú ẩn. Điều này là hoàn toàn có thể giải thích, Iron Dome được thiết kế để chống lại các mục tiêu có vận tốc không quá lớn nên nếu như mục tiêu xuất phát từ cự ly gần thì bộ xử lý của hệ thống không đủ thời gian để phản ứng.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng, nếu rocket được phóng theo kiểu phóng thẳng ở khoảng cách từ 16-18km thì hệ thống cũng không thể phản ứng, vì khi đó tốc độ của quả đạn cao gấp 4 lần tốc độ đi theo đường bay xiên, tức thời gian để phản ứng cũng là rất nhỏ.

Vấn đề tiếp theo hệ thống Iron Dome gặp phải đó là điểm bão hòa. Tức ngưỡng phản ứng trước số lượng các mối đe dọa của hệ thống phòng không là có giới hạn. Nếu phải đối mặt với quá nhiều cuộc tấn công rocket và đạn cối cùng một lúc từ đối phương, các hệ thống Iron Dome sẽ sụp đổ. Đó là một trong các lý do tại sao Israel lên kế hoạch thiết lập thêm nhiều hệ thống này.

Yiftah Shapir - nhà phân tích cao cấp của viện nghiên cứu chiến lược INSS cho rằng, với số lượng các đại đội Iron Dome hiện tại là không thể đủ để bảo vệ toàn bộ Israel. Thực sự các đối tượng được lựa chọn ưu tiên là các cơ sở quan trọng của nhà nước, và trong một số trường hợp bắt buộc phải lựa chọn thì một bộ phận người dân sẽ không ở trong ô bảo vệ của Iron Dome. (Đan Nguyên)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/dan-israel-lai-hoang-vi-iron-dome-cuop-co-3367129/