Dân hiểu rõ mới hăng hái làm

Phát huy dân chủ ở cơ sở càng tạo thêm cơ hội để nhân dân tham gia giải quyết những vấn đề tại khu dân cư, bảo đảm hài hòa các lợi ích

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm công tác dân vận là vận động lực lượng của mỗi người dân, không để sót người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm và những việc mà đoàn thể, Chính phủ giao.

Điểm nhấn sáng tạo

Bác cũng nói rõ dân vận không chỉ dùng sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị là đủ, mà phải tìm mọi cách giải thích cho người dân hiểu rõ việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Tiếp đó là bất cứ việc gì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành.

Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác vận động người dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, năm 2007, Thành ủy TP HCM đã chỉ đạo phát động phong trào thi đua "Dân vận khéo" và được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp tích cực hưởng ứng. Từ đó, phong trào dần trở thành phương thức quan trọng trong công tác dân vận, được xem là một trong những điểm nhấn sáng tạo của TP, góp phần tạo sự lan tỏa cùng các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân.

TP đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về phong trào này. Nhiều quận ủy, huyện ủy, Đảng ủy cấp trên cơ sở và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy chú trọng tổ chức hội nghị tuyên dương các gương điển hình "Dân vận khéo" ở địa phương, đơn vị; tổ chức hội thi "Người cán bộ dân vận khéo"; động viên, thăm hỏi cán bộ dân vận cơ sở có hoàn cảnh khó khăn nhưng tâm huyết với phong trào...

Nhiều mô hình như mô hình người đứng đầu cấp ủy các cấp thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe trao đổi với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến, kiến nghị của nhân dân về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng; lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân.

Với mô hình "Dân vận chính quyền", nổi bật là Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền TP tập trung vào quá trình thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch những thủ tục hành chính; kết nối doanh nghiệp với các tỉnh, thành và một số nước; kết nối doanh nghiệp với ngân hàng nhằm giải quyết khó khăn về vốn. TP HCM là nơi đi đầu trong thực hiện tiếp xúc trực tiếp, gặp gỡ, đối thoại để giải quyết những tồn đọng, bức xúc của nhân dân.

Các chương trình "Nói và làm", "Lắng nghe và trao đổi" của HĐND TP; chương trình "Ngày thứ sáu nghe dân nói" của cấp ủy, chính quyền các cấp; chính quyền các cấp tiếp xúc, đối thoại với nhân dân định kỳ hằng quý trên khắp 322 phường, xã, thị trấn trên địa bàn, thể hiện sự trọng dân, quan tâm dân, lắng nghe dân. Ở cấp cơ sở thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như "Cấp giấy khai sinh - hộ khẩu - thẻ BHYT tại nhà cho trẻ em dưới 6 tuổi" (huyện Củ Chi); "Giải quyết cấp đổi căn cước công dân tại nhà dành cho người già, khuyết tật, neo đơn" (quận 12); "Cổng thông tin dịch vụ trực tuyến" (quận Bình Thạnh); "Tổ tình nguyện tư vấn về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4" (quận 4)...

Ngoài ra, mặt trận và các đoàn thể còn có các mô hình như: Ủy ban MTTQ TP vận động chăm lo học bổng Nguyễn Hữu Thọ, vận động các tôn giáo tham gia thực hiện chương trình "Giảm nghèo bền vững" của TP. LĐLĐ TP xây dựng chương trình "Tấm vé nghĩa tình" hỗ trợ vé xe cho công nhân về quê; chương trình "Tết sum vầy" họp mặt công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết...

Nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết trao huy hiệu cho các cá nhân điển hình Dân vận khéo giai đoạn 2011-2015. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết trao huy hiệu cho các cá nhân điển hình Dân vận khéo giai đoạn 2011-2015. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bảo đảm hài hòa lợi ích

Những hoạt động nêu trên cho thấy công tác dân vận hiện nay được toàn hệ thống chính trị quan tâm, tích cực đẩy mạnh và ngày càng hiệu quả.

Đông đảo nhân dân hiểu đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước nên nhiệt tình thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Họ tích cực tham gia các đoàn thể chính trị, các hội, các phong trào... Phát huy dân chủ ở cơ sở càng tạo thêm cơ hội để nhân dân tham gia giải quyết những vấn đề tại khu dân cư, vừa đóng góp cho xã hội vừa bảo đảm hài hòa lợi ích cá nhân, địa phương, quốc gia.

Tuy nhiên, trong thực tiễn không ít tập thể, cá nhân làm công tác dân vận một cách hình thức, máy móc, áp đặt; lợi dụng chức quyền được giao để sách nhiễu nhân dân; đã không vận động nhân dân tham gia mà còn làm khó, cản trở vai trò thực thi giám sát của nhân dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực nhưng lại đi tuyên truyền, vận động nhân dân. Tình trạng phản cảm này dẫn tới sự suy giảm lòng tin của nhân dân vào công tác dân vận.

Phải thực tâm lắng nghe

Sự nghiệp dân vận là của cả hệ thống chính trị, của mỗi người, của toàn dân. Đó là công tác quan trọng có tính quyết định đối với sự thành bại của cách mạng Việt Nam nói chung và sự phát triển của mỗi địa phương, đơn vị, cơ quan nói riêng. Vì thế, cần xác định đó là công tác phức tạp, lâu dài, nối tiếp suốt tiến trình cách mạng nên đòi hỏi tổ chức Đảng, đảng viên, cán bộ công chức, viên chức phải thực tâm lắng nghe, thực lòng giải quyết.

Nguyễn Hữu Hiệp (Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dan-hieu-ro-moi-hang-hai-lam-20190922220552695.htm