Đàn 'Gà so sám' Mỹ nguy hiểm hơn nhiều 'Tia chớp' Nga

Mỹ sẽ chế tạo xong ' bầy' máy bay không người lái chiến đấu trước Nga

Xin giới thiệu tiếp bài viết về vũ khí- khí tài với tiêu đề và phụ đề trên của chuyên gia quân sự, kỹ sư thiết kế tên lửa Nga Vladimir Tuchkov. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 3/3//2021

Trên ảnh: Tập đoàn Dynetics Mỹ ứng dụng một số thành tựu công nghệ để nhanh chóng phát hiện, định dạng , bám và vô hiệu hóa mục tiêu, đồng thời làm giảm “tổn thất phụ”. (Ảnh: dynetics.com)

Trên ảnh: Tập đoàn Dynetics Mỹ ứng dụng một số thành tựu công nghệ để nhanh chóng phát hiện, định dạng , bám và vô hiệu hóa mục tiêu, đồng thời làm giảm “tổn thất phụ”. (Ảnh: dynetics.com)

Ngày 3/3, Hãng RIA Novosti dẫn lời nguồn tin của mình từ tổ hợp công nghiệp-quốc phòng Nga cho biết: Ngay trong thời gian ngắn sắp tới, Nga sẽ triển khai công tác thiết kế - thử nghiệm để chế tạo các máy bay không người lái (UAV) hoạt động theo chiến thuật bầy .

Những công việc thiết kế sơ bộ đã được tiến hành theo sáng kiến tự thân, có nghĩa là không được cấp ngân sách, của công ty Kronshtadt ở thành phố St.Petersburg- một công ty rất nổi tiếng sau khi chế tạo thành công chiếc UAV lái tấn công “Orion” đầu tiên của nước Nga với trọng lượng cất cánh lên tới một tấn.

Tổ hợp bầy UAV đang được Kronshtadt nghiên cứu chế tạo nói trên được đặt tên là “Molnhia” ("Tia chớp").

Nguồn tin của RIA Novosti cũng cho biết thêm chi tiết: “Các UAV của hệ thống này sẽ được phóng một loạt thành bầy từ một máy bay- phương tiện mang để (1) chọc thủng hệ thống phòng không của đối phương hoặc (2) tiến hành các chiến dịch tác chiến điện tử theo nhóm trong đội hình cùng máy bay có người lái.

(3) Chúng cũng có thể được sử dụng làm một kiểu đạn có điều khiển chính xác cao hoạt động riêng rẽ hoặc (4) làm các phương tiện trinh sát- chỉ mục tiêu”.

Nhiều khả năng là máy bay- phương tiện mang những UAV này sẽ là máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 5 Su-57, máy bay không người lái tấn công hạng nặng “Okhotnik”, máy bay vận tải quân sự và các máy bay của Không quân chiến trường (chiến thuật).

Mỗi tổ hợp “Molniya” sẽ có 8 chiếc UAV hình dạng như tên lửa hành trình cánh gấp và được trang bị động cơ phản lực.

Các thông số về tính năng kỹ thuật bay do nguồn nói trên của RIA Novosti cung cấp mới chủ yếu chỉ mang tính chất ước tính. Chiều dài của UAV- 150 cm, sải cánh- 120 cm. Tải trọng hữu ích hoặc đầu tác chiến trong trường hợp sử dụng máy bay không người lái làm một “kamikaze” (UAV cảm tử, UAV tự sát) là 5-7 kg.

Động cơ turbin phản lực sẽ đảm bảo cho UAV này bay với tốc độ khoảng 600-700 km / h. Cự ly bay hoạt động tối đa có thể tới vài trăm km.

Hình dạng của máy bay không người lái được thiết kế sao cho giảm thiểu tối đa diện tích phản xạ radar hiệu dụng và mức độ bộc lộ nhiệt- sẽ có một vòi phụt phẳng và một cửa hút gió với ống dẫn khí hình chữ S. Phần thân của thiết bị, dĩ nhiên, sẽ được phủ một lớp phủ đặc biệt hấp thụ sóng vô tuyến.

Có nghĩa là, UAV này rất khó có thể được sản xuất với giá thành rẻ. Trong khi giá rẻ lại luôn là một trong những yêu cầu quan trọng nhất đối với các máy bay không người lái hoạt động theo chiến thuật bầy đàn- bởi vì chúng sẽ “chết” hàng loạt khi đột phá qua hàng rào hệ thống phòng không đối phương.

Trước hết, chúng sẽ phải hứng chịu những cuộc tấn công “ác liệt” từ các hệ thống tác chiến điện tử. Thứ hai, "bầy" UAV cũng sẽ bị tổn thất nặng trong khi bổ nhào đồng loạt xuống radar của các tổ hợp phòng không đối phương.

Hiện đang tồn tại hai quan điểm sử dụng bầy máy bay không người lái. Phổ biến nhất (về lý thuyết thôi, bởi vì chưa ai áp dụng trên thực tế)- đó là việc sẽ mất cả bầy sau khi sử dụng .

Nhưng lại cũng có quan điểm lý thuyết khác, theo đó thì những máy bay không người lái còn “sống sót” trên không sau khi đã thực hiện nhiệm vụ sẽ trở về căn cứ hoặc về phương tiện mang chúng. Nguồn tin của RIA Novosti nói trên không cho biết bất cứ điều gì về mức độ “tiêu hao vật liệu” của bầy UAV “Molnhia”.

Tuy nhiên, nếu xét đến một thực tế là “bầy” này gồm toàn những UAV giá không hề rẻ chút nào, nhiều khả năng nhất là chúng sẽ là UAV sử dụng nhiều lần.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc chế tạo chính các máy bay không người lái hoạt động theo quy luật bầy đàn, - đó không phải là vấn đề quan trọng nhất và càng không phải là vấn đề phức tạp nhất mà các công trình sư phải giải quyết.

Nói cho thật đúng, thì chính các các nhà toán học, các chuyên gia thuật toán và các lập trình viên mới là những người phải giải quyết phần hóc búa nhất. Và đó chính là – “bộ não" của những UAV hoạt động theo bầy. Xét tổng thể, chúng phải có trí tuệ nhân tạo tập thể, như trong trường hợp với các đàn ong và bầy kiến.

Trong bầy phải có một “thủ lĩnh”, tức là “người tổ chức” mọi hành động chung của các bầy để đạt được những mục tiêu rất cụ thể. Trong trường hợp "thủ lĩnh chết”, chức năng dẫn dắt của nó sẽ được một "cá nhân" khác tiếp quản ngay lập tức.

Trong bầy phải có một số nhóm máy bay không người lái khác nhau, mỗi nhóm thực hiện một nhiệm vụ chuyên môn hóa sâu. Nói một cách đơn giản hơn cho dễ hiểu, thì đấy sẽ là các nhóm UAV trinh sát, UAV chiến binh, UAV “kamikaze”, và một số UAV khác nữa.

Đồng thời, chúng cần có khả năng trao đổi được thông tin với nhau, cùng nhau hành động. Và cùng với đó, cần phải hành động theo những chiến thuật nhất định và chiến thuật này có thể thay đổi trong quá trình hoạt động.

Cần phải nói rằng “Kronstadt” không phải là công ty duy nhất ở Nga tham gia giải quyết nhiệm vụ này.

Đã có những sản phẩm có cấp độ hoàn thiện cao hơn. Cụ thể, tại diễn đàn "Army-2019" vừa qua, Học viện Kỹ thuật Không quân Zhukovsky đã giới thiệu một bầy UAV mang tên "Staia-93" với 100 chiếc UAV bốn cánh quạt cất hạ cánh thẳng đứng.

Dù có kích thước khá nhỏ, những mỗi “em bé” trong bầy có thể mang tải trọng hữu ích lên đến 2,5 kg.

Ảnh: Tổng Công trình sư “Tập đoàn Kronshtadt” Nikolai Dolzhenkov, Tổng tham mưu trưởng Các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga - Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Valery Gerasimov và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Xergey Shoigu (giữa từ trái qua sang phải) tại buổi trình diễn quy trình sản xuất các chi tiết vật liệu composite cho máy bay không người lái, công đoạn lắp ráp thành phẩm, cũng như các trạm điều khiển UAV trên mặt đất tại xí nghiệp Kronstadt. (Ảnh: Vadim Savitsky / Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Nga / TASS)

Trong quá trình thiết kế "Staia-93", những nhiệm vụ khó khăn nhất được đặt lên vai các nhà toán học và các lập trình viên.

Trí tuệ nhân tạo (AI) tập thể mới của “bầy” này có thể được sử dụng khá tốt không chỉ cho các máy bay không người lái bốn cánh quạt được trưng bày tại triển lãm mà còn cho cả những máy bay không người lái kiểu khác nhưng có "kích thước bộ não" đủ lớn.

Hiện không hề có thông tin gì về trí tuệ nhân tạo sử dụng cho tổ hợp “Molnhia”. Chính vì vậy, cần phải nhắc lại một lần nữa:

trong một bầy máy bay không người lái, "phần cứng", tức chính các máy bay không người lái không phải là thành tố quan trọng nhất. Vấn đề quan trọng hơn nhiều là dạy cho chúng biết cách "suy nghĩ" ở mức độ cần thiết.

Chủ đề UAV hoạt động theo bầy trên không đã trở thành một cái mốt cực kỳ thời thượng vào đầu thập kỷ trước.

Vâng, và một khi đã là mốt thì không thể không có đầu cơ. Ở Nga, đã một số cái gọi là công ty “Start-up” (khởi nghiệp) ở ổ chim “Skolkovo” (như thung lũng Silicon ở Mỹ-ND) ngay lập tức vớ lấy chủ đề này.

Đã xuất hiện nhiều bài báo gần như công bố chiến thắng trong cuộc đua chế tạo UAV bầy đàn. Tuy nhiên, những “người đi tiên phong” như vậy đã bị lãng quên từ lâu. Giờ chỉ còn lại một số công ty có uy tín nghiên cứu chủ đề UAV hoạt động theo chiến thuật bầy đàn.

Người Mỹ đã làm được rất nhiều việc trong lĩnh vực này. Và, cần phải thừa nhận một thực tế rằng, họ đang có những triển vọng rất không tồi sắp sở hữu được một sản phẩm cụ thể,- và sản phẩm đó sau một thời gian nhất định nữa có thể được đưa vào trang bị cho Quân đội Mỹ.

Dự án tham vọng nhất của người Mỹ- đó là dự án Gremlins do Cơ quan các Nghiên cứu Quốc phòng Triển vọng của Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) triển khai từ năm 2014 . Tuy nhiên, hiện dự án này hiện vẫn càn nằm trên mạng máy tính mạnh của DARPA.

Trên ảnh: Dynetics đang thực hiện giai đoạn giới thiệu của chương trình DARPA Gremlins (Ảnh: dynetics.com)

UAV chế tạo trong khuôn khổ Dự án Gremlins là UAV mang mã số X-61A do Công ty Dynetics trực tiếp thiết kế. Bốn nguyên mẫu UAV X-61A đầu tiên đã được thử nghiệm bay.

Máy bay không người lái X-16A được chế tạo theo cấu hình khí động học thông thường với cánh gấp nằm phía dưới thân, đuôi hình chữ thập và được trang bị động cơ turbin phản lực. Tải trọng hữu ích - lên đến 70 kg. Tốc độ bay - 0,8 M, thời gian bay liên tục- 3 giờ.

Trên ảnh: X-61A Gremlins (Ảnh: defpost.com)

Các UAV X-61A này được thả từ một phòng thí nghiệm bay cải hoán từ máy bay vận tải quân sự “Hercules”, mỗi “Hercules” có thể mang tới 20 chiếc “Gremlin”.

Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ, những UAV này sẽ quay trở lại máy bay- phương tiện mang. Rất nhiều khả năng là các công trình sư của “Kronstadt” Nga cũng đã “học hỏi” ý tưởng này từ Công ty Dynetics Mỹ.

Nếu như với các bầy “Gremlin” có số lượng không nhiều và kích thước khá lớn, chỉ cần một hoặc hai tổ hợp tổ hợp tên lửa- pháo phòng không “Pantsir” cũng đủ khả năng xử lý, thì với bầy “Perdix” (“Gà so sám”) do Viện Công nghệ Massachusetts nghiên cứu chế tạo- mọi việc sẽ phức tạp hơn rất nhiều- chúng gần như bất khả xâm phạm đối với các tổ hợp tên lửa và pháo mặt đất. Bởi vì có thể cho “ra lò” rất nhiều "Perdix” trên các máy in 3D.

Những chiếc UAV mini này chỉ nặng 290 gram và dài 25 cm- chúng được trang bị một động cơ điện và một cánh quạt đẩy.

Và có giá rất rẻ. Có thể ném chúng ra khỏi phương tiện mang từng bao tải một theo đúng nghĩa đen.Tốc độ và cự ly hoạt động không lớn- chỉ 112 km / h và 20 km.

Tuy nhiên, để tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào các tổ hợp phòng không (nói chính xác hơn- làm mù mắt chúng bằng một số lượng UAV tổng thể khổng lồ), thì thường không cần (tốc độ và cự ly hoạt động) nhiều hơn thế. Nhưng, về nguyên tắc, cự ly bay có thể được tăng lên bằng cách sử dụng pin có dung lượng lớn hơn.

Dự án “Perdix” này của người Mỹ đã ở mức gần hoàn tất. Vào năm 2016, các cuộc thử nghiệm đã được thực hiện tại Trường bắn China Lake ở California và có tới 103 con “Gà so sám” được sử dụng để thử nghiệm chiến thuật hoạt động theo bầy.

Các bước tiến hành thử nghiệm gồm: (1) thả các máy bay không người lái trên một khu vực nhất định từ ba chiếc máy bay tiêm kích F / A-18, (2) tập hợp chúng thành một bầy và sau đó (3) lệnh cho chúng bổ nhào xuống những mục tiêu định trước.

Các con “Gà so sám” Mỹ nói trên khi thử nghiệm đã cho thấy: (1) chúng có khả năng giữ khoảng cách ổn định với nhau trong suốt chuyến bay, (2) bay bám theo con “thủ lĩnh” và (3) tự sắp xếp lại đội hình trong trường hợp một số máy bay không người lái riêng lẻ nào đấy trong bầy bị tiêu diệt trong khi bay.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/dan-ga-so-sam-my-nguy-hiem-hon-nhieu-tia-chop-nga-3428611/