Đàn gà 1.500 con dương tính với H5N1 ở Cần Thơ

Tại Cần Thơ vừa xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N1, số gia cầm phải tiêu hủy 1.500 con. Mọi công tác phòng chống dịch đang được Thành phố triển khai quyết liệt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 27/7, ngành chức năng ghi nhận sự xuất hiện của ổ dịch cúm gia cầm trên đàn gà 1.500 con tại một hộ chăn nuôi ở quận Bình Thủy và đã lấy mẫu đi xét nghiệm, kết quả dương tính với virus cúm A/H5N1.

Sau khi có kết quả, Chi cục Chăn nuôi và thú y đã tiêu hủy đàn gia cầm nói trên, tổ chức tiêu độc, sát trùng khu vực lân cận và tiêm phòng để ngừa dịch bệnh lây lan. Các quận, huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn.

Sở NN&PTNT Thành phố khuyến cáo người dân khi phát hiện đàn gia cầm có biểu hiện bất thường, cần báo ngay cho ngành chức năng để kịp thời xử lý. Trường hợp giấu, không báo, dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng… sẽ xử lý theo quy định.

UBND TP. Cần Thơ cũng đã có công văn chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các quận, huyện, ngành chức năng tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tổ chức vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc trước các thời điểm có nguy cơ cao phát sinh dịch cúm gia cầm, nhất là những khu vực từng xảy ra dịch bệnh, khu vực có nguy cơ cao nhằm xử lý dứt điểm dịch bệnh.

Cúm A/H5N1 nguy hiểm thế nào?

H5N1 là một loại virus cúm gia cầm. Có rất nhiều loại virus cúm gia cầm, trong đó phổ biến nhất và đáng lo ngại nhất là virus cúm H5N1 và H7N9.

Các virus cúm gia cầm được tìm thấy ở một số loài chim hoang dã. Thông thường, chim hoang dã không bị bệnh do nhiễm virus, nhưng chúng có thể truyền virus cho các loài chim được nuôi để lấy thịt như gà, vịt và gà tây và một số động vật có vú. Khi bị nhiễm H5N1, hầu hết gia cầm sẽ bị chết.

Khi con người tiếp xúc với gia cầm, phân gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng, môi trường bị nhiễm virus cúm A/H5N1; ăn thịt, sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh chưa được nấu chín… thì nguy cơ mắc cũng rất cao.

Khi mắc virus cúm A/H5N1, người bệnh sẽ sốt trên 38 độ C, có thể rét run; ho, thường ho khan, đau ngực, ít gặp triệu chứng viêm long đường hô hấp trên, khó thở, thở nhanh, tím tái; nghe phổi thấy có ran nổ, ran ẩm; nhịp tim nhanh, đôi khi có sốc. Bệnh nhân còn bị đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức, suy đa tạng. Đặc biệt, phổi của người nhiễm cúm A/H5N1 bị tổn thương thâm nhiễm lan tỏa một bên hoặc hai bên, tiến triển nhanh.

Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao.

Để phòng chống bệnh cúm A/H5N1 cũng như cúm A/H7N9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau: Không ăn tiết canh, không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc. Đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y, trạm y tế xã, phường.

Khi có biểu hiện như sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Chi Mai (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/dan-ga-1500-con-duong-tinh-voi-h5n1-o-can-tho/372881.vgp