Dân du mục nuôi ong mâu thuẫn vì tranh chấp vùng hoa

Đó là một trong những tồn tại, hạn chế của ngành nuôi ong hiện nay dẫn đến việc khó quản lý chất lượng mật ong.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017, cả nước có 1,2 triệu đàn ong gồm các giống ong Ý và ong nội. Trong đó, số đàn ong nội khoảng 200.000 đàn, ong ngoại khoảng 1 triệu đàn. Cả nước có khoảng 30.000 người, trong đó, có 6.000 người nuôi chuyên nghiệp.

Do đặc thù của ngành ong phải di chuyển thường xuyên nên rất khó khăn cho công tác quản lý, đồng thời chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chăn nuôi ong, vì vậy, liên tục xảy ra những mâu thuẫn giữa người nuôi ong với nhau hoặc giữa người nuôi ong với những người xung quanh.

Tại Hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng và thúc đẩy xuất khẩu mật ong Việt Nam do Viện Chăn nuôi, Hội Nuôi ong Việt Nam tổ chức ngày 17.8, TS. Phạm Đức Hạnh - Giám đốc Trung tâm ong- Viện Chăn nuôi - nhận định, mặc dù ngành ong mật Việt Nam đã có những thành công nhất định nhưng vẫn còn một số hạn chế. Theo đó, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, tính cạnh tranh chưa cao.

Sự liên kết giữa các hộ nuôi ong còn lỏng lẻo, thậm chí còn tranh chấp cả vùng nuôi. Ảnh: I.T.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các hộ nuôi ong và khai thác mật còn lỏng lẻo; mật độ nuôi ong tại một số địa phương chưa hợp lý; khoảng cách các trại nuôi đặt quá dày dẫn đến tình trạng khai thác thiếu bền vững, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế nghề nuôi ong.

Công tác nghiên cứu khoa học về giống ong còn hạn chế, có nơi, người nuôi ong thường tự tạo ong chúa để thay thế cho những ong chúa già. Nhiều đơn vị còn mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, gây pha tạp, tỷ lệ cận huyết cao. Quy trình kiểm soát chất lượng, quy trình khai thác, chế biến, bảo quản chưa chặt chẽ đã làm giảm chất lượng sản phẩm mật ong....

TS. Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi – cho hay: Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới và thứ 2 châu Á về xuất khẩu mật ong, hàng năm Việt Nam sản xuất ra trên 55.000 tấn mật ong và hơn 1.000 tấn sáp ong, trong đó khoảng 85- 90% sản lượng mật của Việt Nam được xuất khẩu. Khác với sản phẩm nông nghiệp khác trong nước, thị trường tiêu thụ sản phẩm ong chủ yếu là Hoa Kỳ và các nước châu Âu, Nhật Bản. Đây là những thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng mật ong.

Năm 2014 Việt Nam đã xuất khẩu gần 50.000 tấn mật ong thu về 150 triệu USD. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan xuất khẩu mật ong của Việt Nam đã giảm đáng kể cả về sản lượng và kim ngạch, gây khó khăn không nhỏ tới đời sống người nuôi ong và các doanh nghiệp xuất khẩu. Năm 2017 Việt Nam chỉ xuất khẩu được 39.000 tấn thu về gần 70 triệu USD.

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, nguyên nhân chính là do số liệu thống kê thấp hơn nhiều so với số liệu mật ong xuất khẩu. Do vậy một số người và tổ chức cho rằng mật ong xuất khẩu từ Việt Nam chủ yếu của Trung Quốc. Mặt khác, một số hộ dân nuôi ong còn chạy theo lợi nhuận nên thời gian khai thác còn tùy tiện làm giảm chát lượng của mật ong.

Theo bà Trần Ngọc Lan- chuyên viên Cục Chăn nuôi - Bộ NNPTNT, để ngành chăn nuôi ong mật phát triển bền vững, phát huy hết tiềm năng ngành ong sẽ tuyển chọn, lai tạo sản xuất giống ong chất lượng cao, mặt khác sẽ đầu tư kinh phí nhập giống ong mới để nâng cao chất lượng giống ong ngoại.

Bên cạnh đó, ngành sẽ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm ong tiến tới tương dương với bộ tiêu chuẩn của EU, giám sát chặt chẽ hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm. Những vùng có thương hiệu mật ong cần xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn địa phương để quản lý nuôi ong.

Khánh Nguyên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/dan-du-muc-nuoi-ong-mau-thuan-vi-tranh-chap-vung-hoa-905001.html