Đan đó Thủ Sỹ vẫn còn đó

Trên đường làng, cánh đồng, mái nhà, đến góc sân phơi hay trong nhà, gác bếp chúng ta vẫn bắt gặp những bó đó, rọ của làng nghề đan đó xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Trải bao thăng trầm, nghề đan đó, rọ truyền thống Thủ Sỹ vẫn còn đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Đan đó, rọ là nghề truyền thống của người dân làng Thủ Sỹ

Đan đó, rọ là nghề truyền thống của người dân làng Thủ Sỹ

Đó, rọ là loại ngư cụ truyền thống để bắt cá của người nông dân được sử dụng chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Từ đôi bàn tay khéo léo của những người dân xã Thủ Sỹ, những chiếc đó, rọ được đem đi hầu khắp các tỉnh, thành của miền Bắc và xuất khẩu tới một số nước khác.

Ngoài kinh nghiệm, thợ đan đó phải có đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ

Những bà, mẹ và em nhỏ ngồi đan lát mang đến cho du khách thứ tình quê ấm áp

Đan đó, rọ tưởng chừng như rất đơn giản nhưng khi đến đây được tận mắt chứng kiến chúng tôi mới hiểu thêm sự vất vả, kỳ công cũng như sự tỉ mỉ, khéo léo của người dân nơi đây. Để tạo thành những chiếc đó, rọ người đan cần có sự chăm chỉ, kiên nhẫn và tình yêu nghề mới tạo ra những sản phẩm tinh tế, bền chặt được. Ở Thủ Sỹ hiện nay vẫn còn khoảng vài trăm người làm nghề đan đó, rọ trong đó hai thôn có nghề phát triển nhất là Nội Lăng và Tất Viên. Người dân Thủ Sỹ gắn bó với nghề đan đó, rọ từ rất lâu. Các bậc cao niên trong làng cho biết, người Thủ Sỹ biết đến nghề đan đó, rọ từ cách đây khoảng hơn 2 thế kỷ.

Nan đan đó, rọ phải vót đều và mỏng

Theo ông Lương Văn Chín, người có thâm niên trên 50 năm làm nghề đan đó: Nguyên liệu để làm ra những chiếc đó, rọ là tre hoặc nứa già được chuyển từ các tỉnh và trên rừng về. Đầu tiên, người thợ phải rất khéo léo, chẻ những loại nan khác nhau phục vụ cho việc đan đó, rọ. Mỗi loại nan có kích cỡ khác nhau, phải được vót thật đều và mỏng. Nan sau khi được chẻ gọn gẽ và chia ra từng loại, có độ dài vừa phải và kích cỡ tiêu chuẩn cho từng loại sản phẩm.

Đan đó, rọ còn cần sự chăm chỉ kiên nhẫn

Ông Chín cho rằng: Kỹ thuật đan không chỉ cần sự khéo léo, tỉ mỉ để tạo ra những sản phẩm tinh tế, bền chặt mà còn cần sự kiên nhẫn, chăm chỉ và tình yêu nghề của người đan. Một sản phẩm đẹp phải được đan một cách cân đối, đường đan và các lớp đan phải đều nhau. Khi đan xong, sản phẩm được đặt lên gác bếp hun khô để tăng độ bền. Hàng năm, Thủ Sỹ cung cấp hàng trăm nghìn sản phẩm cho các tỉnh như: Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương... nơi có những cánh đồng chiêm trũng và nhiều kênh mương, sông ngòi.

Hình ảnh thật dung dị nơi làng quê thanh bình

Sản phẩm phơi nắng và treo lên gác bếp hun khô

Đó, rọ ở Thủ Sỹ có nhiều loại nên giá cả cũng khác nhau. Có những loại vừa phải được hun màu nâu cánh gián có giá 30-40 nghìn đồng/chiếc, còn đó trắng 20 nghìn đồng/chiếc. Đan đó, rọ tuy chỉ là nghề phụ ở Thủ Sỹ mỗi khi nông nhàn, nhưng mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trong xã.

Nụ cười rạng rỡ của người thợ đan rọ

Bà Tạ Thị Xíu, người đã có 50 năm trong nghề chia sẻ: Ngoài công việc đồng áng, thời gian rỗi tôi tranh thủ đan đó, rọ. Sau khi làm sẵn nguyên liệu nan tre, nứa thì tiến hành đan. Với kinh nghiệm và sự khéo léo, mỗi giờ tôi cũng đan được khoảng 3-4 chiếc rọ bắt tôm, cua. Mỗi chiếc được trả công 7 nghìn đồng. Nếu làm tích cực mỗi ngày bà cũng làm được 30-40 chiếc. Số tiền kiếm được nhờ đan đó, rọ cũng giúp bà Xíu đủ trang trải cuộc sống và nuôi con, cháu ăn học.

Nghề đan đó rất vất vả và kỳ công

Ngư cụ trở thành sản phẩm trang trí mỹ thuật

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, ngư dân cũng dần thay đổi cách đánh bắt cá hiện đại nên các ngư cụ như đó không còn được sử dụng nhiều như xưa. Ông Chín tâm sự, trước đây mỗi lần đi chợ phiên các tỉnh như Bắc Ninh hay Hải Dương, tôi bán hết khoảng 500-600 sản phẩm, nhưng nay chỉ bán được khoảng 100-200 sản phẩm. Tuy vậy, nghề đan đó, rọ ở Thủ Sỹ không vì thế mà bị mai một. Ngoài làm ngư cụ bình dân, giờ đây, những chiếc đó, chiếc rọ hay lờ… trở thành sản phẩm được ưa chuộng trong lĩnh vực mỹ thuật, nội thất, tạo nên một không gian độc đáo đậm chất thôn quê. Nhiều sản phẩm để trang trí đã được xuất khẩu ra nước ngoài như Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ…

Ngư cụ khoe sắc trên cánh đồng

Tuy không phát triển mạnh như xưa, nhưng nghề đan đó, rọ truyền thống vẫn mang lại niềm vui và là nguồn thu nhập chính cho những lao động nữ và người lớn tuổi trong làng. Với người dân Thủ Sỹ, đan đó, rọ đã trở thành nếp sống của nhiều gia đình nơi đây. Hiện nay số người làm nghề đan đó, rọ đã giảm, nhưng vẫn còn đó những người dân nhiệt huyết và tình yêu, bảo tồn giữ nghề truyền thống.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dan-do-thu-sy-van-con-do-118405.html