Dân Đà Nẵng khổ sở vì thiếu nước: Do thủy điện?

Gần một nửa lưu lượng nước của sông Vu Gia về sông Thu Bồn bị chuyển về cho Thủy điện Đắk Mi 4, Đà Nẵng bị thiếu nước trầm trọng.

Đà Nẵng thiếu nước do thủy điện?

Đà Nẵng đang bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng mà một trong số những nguyên nhân là do nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn quá nặng, không thể cung cấp nước thô cho các nhà máy.

Vì lẽ này, UBND Đà Nẵng phải có văn bản gửi tỉnh Quảng Nam đề nghị cho đắp đập tạm bằng bao cát trên đỉnh đập Quảng Huế để ngăn mặn tại sông Cầu Đỏ, giải quyết tình trạng thiếu nước cho người dân.

Vào mùa khô, dòng chảy kiệt ít ỏi của sông Vu Gia cũng dồn đổ sang sông Thu Bồn làm cho hạ du sông Vu Gia và thành phố Đà Nẵng bị thiếu nước nghiêm trọng. Còn mùa lũ thì tình trạng ngập lụt lại nghiêm trọng hơn. Ảnh: Baotainguyenmoitruong

Bình luận về tình trạng trên, ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu nước tại Đà Nẵng là do bị thủy điện "chẹn" dòng, khiến nước ngọt hóa nước mặn, không có nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Giải thích rõ hơn, ông Thắng cho biết, có hiện tượng trên là do sông Quảng Huế đã bị biến động mạnh, nhất là do tác động của Thủy điện Đắk Mi 4 đi vào hoạt động đã chuyển gần một nửa lưu lượng nước trong mùa khô của sông Vu Gia về sông Thu Bồn để phát điện.

Theo kết quả đo đạc và tính toán thì Thủy điện Đắk Mi 4 đã lấy đi trung bình hàng năm trong mùa cạn đến 1,2 tỷ m3 (trung bình 50,6 m3/s) nước của sông Vu Gia (theo tính toán của Sở NN&PTNT Đà Nẵng từ tài liệu thủy văn trên lưu vực sông Cái).

Trong khi đó, các thủy điện khác bổ sung nước cho sông Vu Gia chỉ 500 triệu m3 (A Vương: 266 triệu m3, Sông Bung 4: 234 triệu m3) có nghĩa là sông Vu Gia trong mùa khô bị thiếu trung bình 700 triệu m3 so với điều kiện tự nhiên trước đây khi chưa có Thủy điện Đắk Mi 4.

Một nguyên nhân nữa là sông Vu Gia trong những năm gần đây lại xuất hiện sự thay đổi tỷ lệ phân lưu tại ngã 3 chia nước về sông Ái Nghĩa và sông Quảng Huế theo hướng bất lợi cho hạ du, tăng thêm nước về sông Thu Bồn và tiếp tục giảm nước sông Vu Gia - Ái Nghĩa.

"Hiện tượng cắt dòng, làm cho dòng chảy lũ sông Vu Gia đổ dồn vào sông Thu Bồn gây sức ép lớn cho dòng sông này làm tăng lũ lụt vào mùa mưa và làm cạn kiệt dòng chảy vào mùa khô khiến Đà Nẵng bị thiếu nước nghiêm trọng", ông Thắng nói.

Vì lẽ đó, Đà Nẵng đã phải đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam trước mắt trong năm 2018 cho đắp đập tạm bằng bao cát trên đỉnh đập Quảng Huế.

Theo ông Thắng, nếu đắp đập tạm sẽ giảm lượng nước về sông Quảng Huế, tăng lượng nước về sông Vu Gia cấp nước cho các huyện Đại Lộc, Điện Bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, giải quyết phần nào tình trạng thiếu nước hiện nay.

Không phải giải pháp căn cơ

Với giải pháp trên, ông Thắng cho rằng chi phí mỗi năm có thể hết không đáng kể, bởi việc đắp đập được thực hiện bằng cách làm thủ công là chất cao những bao cát lớn. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ phải thực hiện mỗi năm một lần, cứ vào mùa khô sẽ phải đắp đập.

Về lâu dài, ông Thắng đánh giá đây không phải là giải pháp căn cơ, nhưng nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Đà Nẵng cũng thừa nhận hiện tại cũng chưa tìm ra được giải pháp tốt hơn.

Đà Nẵng thiếu nước sạch, Chủ tịch Thơ chỉ đạo nóng

Ông Thắng cảnh báo, nếu tỷ lệ phân lưu trên sông Quảng Huế vẫn chưa được thực hiện thì quá trình xâm nhập mặn vùng hạ lưu sông Đà Nẵng sẽ càng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Mặt khác, có thêm sự tác động dòng chảy thượng nguồn khi các công trình thủy điện vào vận hành cũng ảnh hưởng đến dòng chảy về sông Vu Gia làm gia tăng quá trình xâm nhập mặn phía hạ lưu TP. Đà Nẵng.

"Đây là hệ quả của việc xây dựng quá nhiều thủy điện, đặc biệt là thủy điện Đăk Mi 4 trên dòng sông chính. Đáng tiếc, khi xây dựng thủy điện này các cơ quan hữu quan đã không lấy ý kiến tham vấn của Đà Nẵng, chỉ đến khi thủy điện đã được xây dựng, Đà Nẵng mới phát hiện, ngăn chặn thì không được", ông Thắng nói và cho biết, thời điểm đó Bộ Công thương bảo vệ quyết liệt dự án với lý do dự án đã được phê duyệt.

Vì thế, ông Thắng cho rằng, giải pháp trước mắt là phải đắp đập ngăn mặn cho Đà Nẵng nhưng về lâu dài cần phải nghiên cứu đánh giá toàn diện tại khu vực sông Quảng Huế và sự tác động của các công trình chỉnh trị đã xây dựng để có giải pháp căn cơ không để người dân phải sống trong tình cảnh thiếu thốn, khổ sở vì nước nữa.

Lam Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dan-da-nang-kho-so-vi-thieu-nuoc-do-thuy-dien-3369584/