Dân chưa được trực tiếp bầu Chủ tịch Đà Nẵng

Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng, song đề nghị để dân bầu trực tiếp Chủ tịch thành phố chưa được đưa vào vì cần thận trọng.

Chiều 19/6, 445/451 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,13% tổng số đại biểu Quốc hội) thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Nghị quyết quy định chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND TP và UBND TP. Còn chính quyền ở các quận và ở các phường thuộc quận tại thành phố Đà Nẵng là UBND (không có HĐND).

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

 Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng, song đề nghị để dân bầu trực tiếp Chủ tịch thành phố chưa được đưa vào. Ảnh: quochoi.vn.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng, song đề nghị để dân bầu trực tiếp Chủ tịch thành phố chưa được đưa vào. Ảnh: quochoi.vn.

Đáng lưu ý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khi giải trình, tiếp thu nội dung này cho biết một số ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với chủ tịch UBND.

Nhưng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó nhân dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương.

Để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng. Do đó, xin phép Quốc hội chưa quy định nội dung này trong dự thảo nghị quyết.

Để giám sát, kiểm soát quyền lực đối với chủ tịch UBND quận, phường, dự thảo Nghị quyết đã quy định cơ chế chịu trách nhiệm của chủ tịch UBND quận, phường; bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc lấy phiếu tín nhiệm và xem xét việc trả lời chất vấn đối với chủ tịch UBND quận; đồng thời tiếp tục duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay.

Về mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, nghị quyết được Quốc hội thông qua cũng quy định mỗi ban của HĐND thành phố có không quá 2 phó trưởng ban hoạt động chuyên trách; trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Quy định này nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho thành phố trong trường hợp cần bố trí tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại mỗi ban.

Cụ thể, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND đề nghị chủ tịch UBND TP Đà Nẵng xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Ngoài việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua cũng nêu rõ nhiều cơ chế, chính sách đặc thù Đà Nẵng được hưởng, như tự quyết sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách; quyết định và điều chỉnh một số loại phí, lệ phí…

Đà Nẵng cũng được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu trên để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội…

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-chua-duoc-truc-tiep-bau-chu-tich-da-nang-post1097575.html