Dân chủ và kỷ cương

Ngày 27-5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đây là dự án luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân, vì nó luật hóa việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Theo chương trình, dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án luật này tại phiên họp tổ chiều 3-6 và thảo luận ở hội trường tại phiên họp sáng 14-6.

Trước đây, khi bàn về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã rất lưu ý tới việc cần xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hiện dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương; góp phần thể chế hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu dự Hội nghị phản biện xã hội về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 13-4-2022.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: quochoi.vn

Thực tế thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 120-KL/TW ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 và hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở cho thấy, về cơ bản, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được thúc đẩy, thực hiện hiệu quả.

Nhờ vậy, nhân dân đồng thuận rất cao về việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm quốc phòng-an ninh; xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân...

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, vẫn có hiện tượng thực hiện dân chủ ở cơ sở mang tính hình thức, chưa phát huy được trí tuệ và quyền làm chủ của nhân dân, dẫn tới chưa nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân, tác động không tốt tới việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Việc thiếu quan tâm thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng dễ làm nảy sinh những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong đội ngũ cán bộ, bởi quyền lực không được giám sát hiệu quả.

Bên cạnh đó cũng có những đối tượng lợi dụng, lạm dụng dân chủ để lôi kéo, kích động gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thậm chí kích động bạo loạn gây thiệt hại lớn trên nhiều phương diện...

Do vậy, phát huy dân chủ, đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở là việc làm rất cần thiết; nhưng song song với đó, cũng không kém phần cần thiết là phải siết chặt kỷ cương, phòng, chống vi phạm pháp luật trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Qua nội dung của dự án luật được trình bày tại nghị trường, phạm vi, nội dung của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ở các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được làm rõ.

Tuy nhiên, do đây là một vấn đề tương đối phức tạp, nhạy cảm nên mong rằng, khi thảo luận về dự án luật, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung thảo luận kỹ, hoàn thiện dự án luật để nếu luật được thông qua sẽ mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn, góp phần xây dựng một xã hội ngày càng dân chủ, kiểm soát tốt quyền lực, đồng thời gắn liền với kỷ cương, phép nước.

THÙY LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dan-chu-va-ky-cuong-695762