Dân chủ trong chọn sách giáo khoa sẽ vô hiệu hóa nhóm lợi ích

Càng dân chủ trong chọn sách thì việc nhà xuất bản giáo dục chi tiền cho cán bộ Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh là vô nghĩa.

Vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam có chi thù lao cho một số lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Chí Minh (là thành viên Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam).

Câu hỏi đặt ra việc này có ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn sách giáo khoa hay không? Và làm sao để chọn sách giáo khoa khách quan, công tâm.

Trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 32 tên sách giáo khoa lớp 1 được thẩm định phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 để các trường lựa chọn để đưa vào giảng dạy trong các trường kể từ năm học 2020-2021 nên vấn đề này càng khiến dư luận quan tâm.

Người quyết định chọn sách giáo khoa chính là các thầy cô giáo hàng ngày giảng dạy chứ không phải là quan chức (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).

Người quyết định chọn sách giáo khoa chính là các thầy cô giáo hàng ngày giảng dạy chứ không phải là quan chức (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).

Tuy nhiên, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư về việc lựa chọn Sách giáo khoa trong đó quy định nhiều vấn đề liên quan đến việc chọn sách giáo khoa cho thấy các nội dung thể hiện đã đảm bảo tính dân chủ, khách quan.

Có thể thấy, tại Điều 4 dự thảo Thông tư quy định: “Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông (sau đây gọi là Hội đồng) do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập, giúp cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Mỗi trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông thành lập 01 (một) Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 01 (một) Hội đồng.

Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) có sách giáo khoa lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 (mười một) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

Người đã tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa của các nhà xuất bản không được tham gia Hội đồng”.

Với những quy định tại Điều 4 nêu trên, rõ ràng những cán bộ đã nhận tiền của nhà xuất bản giáo dục sẽ không được tham gia vào hội đồng chọn sách giáo khoa.

Số lượng áp đảo trong hội đồng chọn sách giáo khoa chính là các giáo viên hàng ngày giảng dạy. Nên quyết định chọn sách giáo khoa nào là quyền của các thầy cô giáo.

Bên cạnh đó, tại Điều 8 dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa cũng quy định: “Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, đề xuất với Hội đồng bằng văn bản danh mục lựa chọn sách giáo khoa;

Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá đề xuất danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn theo các nguyên tắc quy định tại Điều 2 Thông tư này và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do sở giáo dục và đào tạo địa phương quy định để bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa bằng hình thức bỏ phiếu kín;

Sách giáo khoa được lựa chọn phải được trên 50% (năm mươi phần trăm) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Hội đồng tổng hợp kết quả thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên tham dự.

Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông ban hành quyết định danh mục sách giáo khoa được lựa chọn sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông”.

Những quy định này đảm bảo việc chọn sách được thảo luận một cách dân chủ và theo quy trình chặt chẽ.

Khi thực hiện nếu ai đó muốn can thiệp theo mệnh lệnh hành chính đều không thể thực hiện.

Trách nhiệm giờ đây đa phần thuộc về các thầy cô giáo. Họ phải đánh giá đúng về chất lượng sách giáo khoa để xem sách nào phù hợp nhất với điều kiện ở trường mình.

Cái mà dư luận quan tâm là nội dung các bộ sách có thực sự phù hợp đối với điều kiện quy định tại Điều 3 dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa hay không.

Cụ thể, với quy định về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phải: "Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông".

Lẽ thường khi soạn sách giáo khoa thì các nhà xuất bản thường tìm mọi cách lôi kéo được nhiều nhà chuyên môn và các tổ chức có uy tín vào để có điều kiện soạn một bộ sách có chất lượng.

Trong khi công việc chọn lựa sách lại hoàn toàn độc lập. Nếu việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện dân chủ, công khai, đúng quy trình thì không sợ gì nhóm lợi ích.

Kết quả chắc chắc sẽ có những bộ sách phù hợp với từng cơ sở giáo dục của từng địa phương.

Nếu như vậy thì chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa sẽ tạo ra những giá trị đích thực, thể hiện một hướng đi hoàn toàn đúng đắn.

Những lình xình xung quanh việc chi trả thù lao và câu hỏi liệu có sự khách quan trong việc tuyển chọn sách giáo khoa sẽ không đáng ngại nếu khi thầy cô chúng ta thực hiện tốt theo dự thảo của Thông tư lựa chọn sách giáo khoa đã nêu ra.

Bạch Đằng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dan-chu-trong-chon-sach-giao-khoa-se-vo-hieu-hoa-nhom-loi-ich-post206241.gd