Dân chủ theo quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: 'Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn'. Bởi thế, nếu người cán bộ không có tác phong dân chủ hoặc miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối 'quan chủ' là họ tự tước đi của mình vũ khí hữu hiệu nhất để hoàn thành nhiệm vụ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ” là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Người chỉ rõ: “Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các cơ quan nhà nước trong chế độ ta” và “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”.

Vì thế, không khí dân chủ thực sự trong nội bộ phải được tạo ra bằng cách lắng nghe và khơi gợi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, cấp dưới nói hết quan điểm, ý kiến của mình. Được như vậy thì cấp dưới và quần chúng mới hăng hái đề ra sáng kiến, “học hỏi sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng”. Những sáng kiến đó được coi trọng, khen ngợi thì những người có sáng kiến càng thêm hăng hái làm việc. Phong cách dân chủ của người cán bộ không chỉ khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần làm việc, cống hiến của cấp dưới và quần chúng nhân dân, mà còn làm cho tổ chức, cơ quan, đoàn thể thêm gắn bó.

Bác Hồ với quần chúng nhân dân (ảnh tư liệu)

Bác Hồ với quần chúng nhân dân (ảnh tư liệu)

Người có phong cách dân chủ là thực hành tốt nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, đó cũng là cách “để phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của nhiều người”.

Cán bộ không bao giờ được “độc tôn chân lý”, phải thành thực lắng nghe ý kiến phê bình của cấp dưới và nghiêm túc sửa mình với tinh thần cầu thị, làm như vậy chắc chắn người cán bộ sẽ được nhân dân yêu mến, cấp dưới nể trọng, sẵn sàng đóng góp sáng kiến.

Phong cách dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là dân chủ có định hướng, có lãnh đạo, dân chủ phải đi đến sự tập trung chứ không phải dân chủ quá trớn, dân chủ vô tổ chức.

Phong cách dân chủ yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải tin yêu và tôn trọng con người,chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình.

Gắn bó mật thiết với phong cách dân chủ là phong cách quần chúng. Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải có phong cách làm việc quần chúng,xuất phát từ vấn đề có tính nguyên tắc về vai trò của quần chúng nhân dân: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Phong cách quần chúng yêu cầu người cán bộ phải gần gũi quần chúng, lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của quần chúng. Người cán bộ phài thường xuyên đi xuống cơ sở mà mình phụ trách, tìm hiểu thực trạng đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Người khẳng định: “cách xa dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.

Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh là phải biết cách tổ chức phong trào phù hợp với trình độ, năng lực thực tế của quần chúng, không chủ quan duy ý chí, áp đặt thực tiễn theo ý mình. Theo Người “nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào dân chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”… ai cũng đóng giầy theo chân, không ai đóng chân theo giầy”.

Bảo Thoa

(Bài viết có sử dụng tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dan-chu-theo-quan-diem-tu-tuong-ho-chi-minh-107420.html