Đàn chim cảnh trị giá hơn 10 tỉ sẽ xuất hiện tại phiên chợ nông sản đi bộ

Với trên 100 gian hàng, phiên chợ là dịp để người dân trong nước và du khách nước ngoài biết, thưởng thức, kết nối giao thương giữa các tổ chức, cá nhân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, UBND quận Tây Hồ cùng Hiệp hội Trang trại & Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam sẽ đồng tổ chức phiên chợ quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đặc sản vùng miền toàn quốc tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn quận Tây Hồ từ tối ngày 10 đến 13/10/2019.

Chú chim cảnh đột biến màu như thế này giá có thể lên đến vài trăm triệu.

Ông Nguyễn Duy Lượng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho biết đây là lần đầu tiên hình thức chợ độc đáo này được thực hiện, về cơ bản kinh phí sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp, cá nhân.

Với trên 100 gian hàng, phiên chợ là dịp để người dân trong nước và du khách nước ngoài biết, thưởng thức, kết nối giao thương giữa các tổ chức, cá nhân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm tham gia tiêu biểu có thể kể đến như bánh cuốn Thanh Trì, giò chả Ước Lễ, xôi Phú Thượng, cua Cà Mau, chả cá thác lác, bánh phồng tôm Sa Đéc, sầu riêng miền Tây; cà phê Buôn Mê Thuột, tinh dầu thiên nhiên huyền thoại Quảng Trị…

Tất cả những đặc sản vùng miền này đều được chọn lựa rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và Ban tổ chức sẽ bố trí 1 xe chuyên dụng để kiểm tra nhanh chất lượng ngay tại chỗ.

Một khu vực đặc biệt trong phố đi bộ được dành để bố trí trình diễn “Sắc màu chim cảnh” với đàn chim đột biến màu độc đáo trị giá hàng chục tỉ đồng, trưng bày trên 300 cây cảnh trong đó khoảng 200 cây hồng quý hiếm của Hội Sinh vật cảnh thành phố; “Nét đẹp lồng tre” tôn vinh tay nghề chế tác lồng chim của các nghệ nhân miền Bắc; Không gian văn hóa ẩm thực với các món ăn truyền thống từ các vùng miền.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện sẽ có hội thảo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp, hội thảo triển khai Nghị định số 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vào sáng 12/10.

Tiếp đó sẽ diễn ra lễ tôn vinh 30 tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam do Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam bình chọn. Sáng ngày 13/10/2019 sẽ tổ chức đoàn lễ dâng hương tại đền thờ Thần Nông của tỉnh Bắc Giang.

Trong 100 gian hàng tại phiên chợ, Hà Nội sẽ có 50 gian để trưng bày các sản phẩm OCOP của mình. Dù mới nhập cuộc nhưng Thủ đô tỏ rõ sự quyết tâm trong việc áp dụng OCOP đồng bộ từ cấp thành phố đến quận huyện, xã phường với kế hoạch triển khai trong 2 năm 2019 – 2020 có tổng kinh phí lên tới 265 tỷ đồng.

Theo đó, phấn đấu 100% cán bộ quản lý chương trình được đào tạo, tập huấn, 100% các nhà quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký sản xuất kinh doanh tham gia được bồi dưỡng về chuyên môn, nhiều địa phương có sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu mạnh.

Hà Nội là đất trăm nghề với khoảng 7.200 sản phẩm nông sản, làng nghề tương thích với 6 nhóm ngành hàng theo chương trình OCOP gồm 2.881 sản phẩm thực phẩm (39,9%); 2.417 sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí (33,5%); 1.396 sản phẩm vải và may mặc (19,3%).

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, có nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội được gắn sao với ba mức là “3 sao”, “4 sao” và “5 sao” (sản phẩm từ 1 đến 3 sao: Phục vụ thị trường trong nước; sản phẩm từ 4 đến 5 sao: Có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu). Bên cạnh đó, có 5.000 sản phẩm của Hà Nội được gắn mã vạch QR code để có thể tra cứu ngay trên điện thoại thông minh để biết ngay nguồn gốc, xuất xứ.

Vân Đình

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dan-chim-canh-tri-gia-hon-10-ti-se-xuat-hien-tai-phien-cho-nong-san-di-bo-post250766.html