Dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, Hà Nội có ngập rác thải?

Đến 17 giờ chiều 2.7, nhiều người dân ở gần bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội, vẫn chặn không cho xe chở rác thải sinh hoạt vào bãi khiến nhiều người lo lắng nội thành Hà Nội sẽ ngập ngụa rác.

Đông đảo người dân đến nhận tiền đền bù di dời tại nhà văn hóa thôn Xuân Bản, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn - Ảnh Lê Quân

Theo ghi nhận chiều tối nay, 2.7, hàng chục người dân vẫn dựng lều bạt tập trung chặn xe chở rác thải sinh hoạt từ khu vực nội thành vào bãi rác Nam Sơn tại đường tỉnh lộ 35.

Nhiều người dân ở đây cho hay khi nào nhận được đủ tiền đền bù mới giải tán cho xe vào bãi rác.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết TP đã bố trí tiền đền bù cho người dân ở huyện Sóc Sơn và đã giao cho địa phương xử lý việc này. Vấn đề còn tồn đọng có thể là do thủ tục để triển khai đền bù cho người dân. Ông Chung cho biết sẽ chỉ đạo rà soát lại việc này.

Chúng tôi cũng đã trao đổi với ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, được biết trong sáng nay, huyện đã bắt đầu chi trả tiền đền bù cho người dân và sẽ sớm giải quyết việc này.

Nhà văn hóa thôn Xuân Bản, xã Nam Sơn là điểm phát tiền đền bù di dời cho những hộ dân bị ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn phạm vi 500 m - Ảnh Lê Quân

Ghi nhận của chúng tôi chiều nay tại xã Nam Sơn, nhiều người dân thuộc diện di dời trong bán kính cách bãi rác Nam Sơn 500 m đã nhận được tiền đền bù. Số tiền người dân nhận được từ vài trăm đến vài tỉ đồng, tuy theo diện tích đất.

“Đây mới chỉ là tiền đền bù diện tích đất nông nghiệp với mức giá khoảng 230 triệu đồng/sào bắc bộ. Còn mức giá đền bù đất thổ cư, đất liền kề, cây cối hoa màu, tài sản trên đất thì người dân chưa đồng ý, vì đền bù quá rẻ. Lần này, đến khi nào chúng tôi nhận được đủ tiền đền bù để di dời thì mới cho xe chở rác tiếp tục vào bãi”, ông Nguyễn Văn Trung (45 tuổi, người dân thôn Xuân Bản, xã Nam Sơn) cho biết.

Rất đông người đến nhận, nhưng đây mới chỉ là đợt đền bù cho những hộ có đất nông nghiệp thuộc diện phải di dời, giá đền bù là 230 triệu đồng/sào bắc bộ - Ảnh Lê Quân

Theo ông Trung, mức giá đền đất thổ cư là hơn 800 nghìn đồng/m2 là quá rẻ mạt, người dân chịu khổ cực vì bãi rác bao năm qua, nay chấp nhận di dời để bãi rác Nam Sơn tiếp tục hoạt động lại bị thiệt nhiều.

Giá đền bù mỗi mét vuông đất liền kề thổ cư "chỉ bằng 2 bát phở bình dân bán ở chợ"

“Mỗi hộ được 400 m2 đất thổ cư. Số diện tích đất còn lại trong vườn nhà gọi là đất liền kề thì giá đền bù quá rẻ, chỉ 78.000 đồng/m2. Giá một mét vuông đất liền kề chỉ bằng 2 bát phở bình dân bán ở chợ, bắt chẹt chúng tôi quá”, bà Nguyễn Thị Mùi (56 tuổi, ở thôn Xuân Bản) than thở.

Người dân thay nhau túc trực, chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn chiều tối 2.7 cho biết, ban tối sẽ đông hơn vì buổi chiều, nhiều hộ bận đi nhận tiền đền bù di dời đất nông nghiệp - Ảnh Lê Quân

Bên cạnh đó, một số người dân ở xã Nam Sơn còn cho biết, mức giá đền bù tài sản, giá trị cây cối trên đất liền kề, nhà cửa xây trên đất cũng bị nhiều người phản đối. Do vậy, trong ngày 2.7, người dân ở xã Nam Sơn mới chỉ nhận được tiền đền bù đất nông nghiệp.

Chưa kể, người dân ở các xã Bắc Sơn, Hồng Kỳ cũng chưa được nhận tiền đền bù để di dời trong phạm vi bán kính 500 m vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn. Chính vì vậy, nhiều người cho biết tình trạng chặn xe chở rác vào bãi sẽ kéo dài.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó giám đốc Ban Duy tu thuộc Sở Xây dựng TP.Hà Nội, cho biết đã có văn bản phân luồng và lưu giữ rác tạm thời của các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Theo đó, việc vận chuyển, phân luồng rác thải sinh hoạt tại các quận, huyện nêu trên sẽ thực hiện từ ngày 2.7 đến khi nào có thông báo mới, tức là chưa có thời hạn.

Dù có kế hoạch phân luồng rác thải sinh hoạt như vậy, nhưng theo nhiều chuyên gia trong ngành, nếu không sớm thông được xe chở rác thải sinh hoạt vào bãi rác Nam Sơn, sẽ dẫn tới nguy cơ một số quận, huyện ngập ngụa rác do lượng phát sinh quá lớn.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, rác thải sinh hoạt tại 4 quận nội thành là Ba Đình (300 tấn/ngày đêm), Hoàn Kiếm (215 tấn/ngày đêm), Hai Bà Trưng (350 tấn/ngày đêm), Đống Đa (430 tấn/ngày đêm) sẽ căn cứ vào tình hình, tập kết tại các điểm trung chuyển ở Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Lâm Du (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).

Rác thải sinh hoạt phát sinh ở quận Long Biên (313 tấn/ngày đêm) sẽ tập kết tạm thời ở Khu xử lý rác Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm).

Rác thải sinh hoạt phát sinh ở quận Thanh Xuân (455 tấn/ngày đêm), huyện Hoài Đức (165 tấn/ngày đêm) sẽ xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội của HTX Thành Công.

Rác thải sinh hoạt tại các quận Hà Đông (455 tấn/ngày đêm), Nam Từ Liêm (265 tấn/ngày đêm), Bắc Từ Liêm (250 tấn/ngày đêm), Tây Hồ (197 tấn/ngày đêm), Hoàng Mai (453 tấn/ngày đêm), Cầu Giấy (320 tấn/ngày đêm) sẽ chở đến xử lý chôn lấp tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Rác thải sinh hoạt của huyện Thanh Trì (210 tấn/ngày đêm), Gia Lâm (186 tấn/ngày đêm), Đông Anh (178 tấn/ngày đêm), Sóc Sơn (159 tấn/ngày đêm), Mê Linh (115 tấn/ngày đêm) sẽ lưu giữ tại các điểm tập kết rác của mỗi địa phương.

Vũ Hân - Lê Quân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/dan-chan-xe-vao-bai-rac-nam-son-ha-noi-co-ngap-rac-thai-1099191.html