Dân Campuchia đắng lòng vì thủy điện TQ xây: Mối nguy ĐBSCL

Thủy điện Mekong cũng sẽ tác động rất lớn đối với Campuchia, khi nhận ra tác động to lớn, hi vọng họ sẽ lên tiếng mạnh mẽ.

Thủy điện Mekong sẽ tác động lớn đến Campuchia

Ngày 26/9, báo Phnom Penh Post, dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi tại London (Anh) về dự án đập Kamchay ở tỉnh Kampot (Campuchia) do Công ty Trung Quốc Sinohydro xây dựng.

Trong đó, báo cáo nghiên cứu ghi nhận các ngành du lịch, khai thác tre nứa bị thiệt hại nặng nề, nên người dân đã lên tiếng phản đối kịch liệt.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 14/10, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng nhóm tư vấn quốc gia về đánh giá môi trường chiến lược 12 đập thủy điện dòng chính sông Mê Kông cho biết: "Tác động của thủy điện rất nhiều và vươn xa. Đối với cộng đồng địa phương tại chỗ, tác động lớn nhất là phải tái định cư, mất sinh kế do mất nguồn tài nguyên thiên nhiên mà trước nay họ phụ thuộc.

Thông thường, cộng đồng địa phương được hứa hẹn sẽ được tái định cư tới nơi có điều kiện tốt hơn và được chuyển đổi sinh kế tốt hơn. Nhưng thực tế điều này rất ít khi đúng.

Trước đây người dân có được nguồn nước và thực phẩm gần như miễn phí từ thiên nhiên, chỉ tốn công chứ không tốn tiền. Nay ở nơi mới thì mọi thứ đều phải chi tiêu như mua cá, mua gạo, trả tiền điện, nước, nên thu nhập khó đáp ứng nhu cầu gia đình.

Đập Kamchay ở tỉnh Kampot - Ảnh: Cambodia Daily

Việc chuyển sang sinh kế mới ở nơi mới cũng không hề dễ dàng, đặc biệt là đối với nông dân quen canh tác, đánh bắt cá mà nay không còn đất. Cơ hội việc làm xây dựng cho các công trình thủy điện hoặc các khu công nghiệp đối với người dân địa phương cũng không nhiều.

Đa số công việc là việc làm nặng nhọc, theo thời vụ, và chỉ dành cho lao động nam giới dưới 40 tuổi".

Bên cạnh đó, theo ông Thiện, khi xét về tác động của một công trình, cần phải xét đủ ba mặt gồm kinh tế, xã hội, và môi trường. Những báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học như thế này sẽ giúp các nhà hoạch định chiến lược năng lượng thấy rõ vấn đề hơn để cân nhắc.

Và cũng chính nhờ sự lên tiếng của các nhà khoa học, các quốc gia trong lưu vực Mekong, và cộng đồng quốc tế trong nhiều năm nay, đến nay Campuchia vẫn còn đang lưỡng lự trong việc xây dựng hai đập trên dòng chính Mekong ở phần lãnh thổ Campuchia.

Chính vì thế, ông Thiện nhấn mạnh: "Chúng ta có thể hy vọng rằng với tác động của những công trình thủy điện hiện nay ở Campuchia thì Campuchia có thể nhận ra tác động to lớn của thủy điện Mekong và lên tiếng mạnh mẽ hơn.

Thủy điện Mekong cũng sẽ tác động rất lớn đối với Campuchia. Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược năm 2010 của Ủy hội Mekong quốc tế cho biết, chỉ tính riêng về thủy sản hồ Tonle Sap, ít nhất khoảng 1,6 triệu người Campuchia sẽ bị ảnh hưởng sinh kế do mất nguồn cá ở hồ này.

Theo Trung tâm cá thế giới (World Fish Center) thì tiêu thụ cá nước ngọt bình quân đầu người của người Campuchia là cao nhất thế giới, vì vậy mất nguồn thủy sản tự nhiên này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến dinh dưỡng và sức khỏe người dân Campuchia mà hiện nay chưa có gì khác có thể thay thế được".

Tình trạng hạn - mặn

Nói về việc miền Tây thời gian qua ngóng đợi lũ từ thượng nguồn về, vị chuyên gia trên phân tích, tác động chính của thủy điện Mekong đối với ĐBSCL gồm tác động về nước, phù sa trầm tích và thủy sản.

Về lượng nước, nhiều người nghĩ rằng tình hình mực nước lũ thấp trong những năm gần đây ở ĐBSCL, đặc biệt là đợt hạn-mặn kỷ lục đầu năm 2016 là do các đập thủy điện phía thượng nguồn, ở Trung Quốc và Lào, chặn nguồn nước.

Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì thủy điện chưa phải là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến mực nước.

ĐBSCL đối diện với việc mất phù sa

Nguyên nhân chính của mực nước lũ thấp kỷ lục năm 2015 dẫn đến tình trạng hạn-mặn gay gắt đầu năm 2016 là do một El Nino cực đoan diễn ra trên toàn lưu vực, làm lượng mưa thấp, không có nước cung cấp cho sông Mekong, làm dòng chảy yếu, không đủ sức đẩy mặn vào mùa khô.

Các đập thủy điện Mekong có thể chia làm hai nhóm: nhóm các đập ở Trung Quốc và các đập ở chi lưu là loại có hồ chứa lớn, vận hành theo mùa, tích nước trong mùa lũ và xả ra phát điện quanh năm và nhóm 11 đập dự kiến trên dòng chính Mekong ở Hạ lưu vực (9 ở Lào và 2 ở Campuchia).

Xét về lượng nước đóng góp vào lưu vực, phần Trung Quốc đóng góp 16%, Myanmar 2%, còn lại 82% là phụ thuộc lượng mưa ở Hạ lưu vực tính từ biên giới Lào-Trung Quốc trở xuống tới bờ biển ĐBSCL. Phần lớn nước đến ĐBSCL là do nguồn nước mưa ở Hạ lưu vực.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/dan-campuchia-dang-long-vi-thuy-dien-tq-xay-moi-nguy-dbscl-3320852/