Dân ca xứ Nghệ giữa lòng Thủ đô

Kể từ khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội thuộc sự quản lý của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã đưa làn điệu ví giặm lan tỏa giữa Thủ đô. Cho đến nay, CLB đã xây dựng và biểu diễn được nhiều tiết mục có chất lượng.

Những thành viên của Câu lạc bộ “Dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội”.

Những thành viên của Câu lạc bộ “Dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội”.

Trong kho tàng văn hóa dân gian, dân ca ví giặm là loại hình tiêu biểu mang sắc thái bản địa rõ nét nhất, được xem như thứ đặc sản văn hóa quý báu của quê hương xứ Nghệ.

Ví, giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Những ca từ ví giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật như lúc ru con, khi làm ruộng, trèo non, xay lúa... Vì vậy các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như: Ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví ghẹo, ví phường nón...

Nếu ví là thể hát tự do thì giặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Giặm cũng có nhiều làn điệu như giặm kể, giặm cửa quyền, giặm ru, giặm vè, giặm nối, giặm xẩm...

Dân ca ví, giặm không chỉ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh mà còn là phương tiện nghệ thuật đặc trưng xứ Nghệ để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.

Vì những đặc trưng trên nên Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại trong phiên họp ngày 27/11/2014 tại Paris, Pháp.

Trong từng điệu hò, câu ví ẩn hiện, thấp thoáng đâu đó sự chân chất, mộc mạc, vừa sâu lắng, vừa trữ tình... tạo lên một sức hút mãnh liệt với người nghe. Đối với những người con xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là món ăn tinh thần góp phần hình thành và nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn bao thế hệ.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Nghệ An, dòng máu Nghệ đã và đang chảy trong huyết quản của bà Trần Thị Mai Nhã. Hiện nay bà đang là Chủ nhiệm CLB Dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội. Bà Mai Nhã tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã được nghe bà nội và mẹ hát ru tôi những làn điệu ví, giặm và bài hát dân ca quê mình. Chính vì thế mà những câu từ, nhịp điệu như một mạch nguồn luôn chảy trong tôi. Những làn điệu ấy đã ngấm vào người tôi lúc nào không biết”.

Bà kể, từ khi đi học lớp một, với lòng đam mê ca hát. Từ bé, bà đã biết hát những bài hát về quê hương, đất nước nhất là làn điệu làn điệu dân ca ví giặm. Lớn lên, thoát ly gia đình đi học, sinh sống và làm việc tại Hà Nội cho đến nay đã hơn 46 năm rồi nhưng bà vẫn không thể quên được những âm hưởng làn điệu ví giặm của quê hương mình. Nhưng thời điểm đó đất nước và gia đình còn nghèo khó, vất vả, văn hóa, văn nghệ chưa phát triển như bây giờ, và bà đang ở độ tuổi đi làm nên chưa có điều kiện, thời gian để thực hiện niềm đam mê ca hát đó.

Bà Mai Nhã chia sẻ thêm: “Sau khi được nghỉ hưu, cũng vì lòng đam mê và tình yêu quê hương nên tôi cùng vài anh chị chủ chốt đã tập hợp được những người con của quê hương Nghệ An-Hà Tĩnh đang làm việc và sinh sống tại Thủ đô Hà Nội có chung niềm đam mê ca hát và lòng yêu thích thể loại dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Cộng với sự hướng dẫn và giúp đỡ của Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, chúng tôi đã cho ra đời được CLB Dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội theo QĐ số 94 ngày 24/10/2017 của Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam.

CLB Dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội là một tổ chức tự nguyện hoạt động theo tiêu chí xã hội hóa và tự chủ kinh tế 100%, với nhiệm vụ sưu tầm, quảng bá, phát triển và bảo tồn những làn điệu dân ca mang bản sắc quê hương Nghệ - Tĩnh tới công chúng thủ đô, vùng phụ cận và các thế hệ trẻ. Đồng thời đó cũng là một sân chơi bổ ích cho các hội viên để nâng cao cuộc sống tinh thần trong hiện tại.

Buổi đầu, khi mới thành lập CLB chỉ có vài người. Sau thời gian sinh hoạt và biểu diễn đã thu hút được số đông hội viên tham gia. Hiện nay đã có gần 30 người. Là một tập thể có tới 99% là người xứ Nghệ và người có gốc gác, liên quan đến xứ Nghệ. Đặc biệt có chung ngôn ngữ vùng miền, có chung tập quán sống và sinh hoạt nên các hội viên rất đoàn kết cùng nhau xây dựng CLB ngày càng phát triển và mong muốn đưa món ăn tinh thần mới lạ đến với khán giả thủ đô và các vùng phụ cận. Từ đó hy vọng khán giả biết đến CLB nhiều hơn và đất diễn được rộng hơn.

Theo quan điểm của bà Mai Nhã, sức sống của ví, giặm phụ thuộc vào giai điệu nhiều hơn so với phần lời (tuy phần ca từ cũng rất sâu sắc và thực tế). Hiện tại ví, giặm là loại hình nghệ thuật thu hút nhiều nghệ sĩ trẻ. Dù các nghệ sĩ trẻ hiện nay có quá nhiều dòng nhạc hấp dẫn nhưng tôi tin rằng với những đặc tính có sức thu hút người nghe của dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh thì dần dần bộ môn nghệ thuật này cũng sẽ được giới trẻ quan tâm và chấp nhận. Hiện tại phần đông khán giả vẫn thích nghe các ca khúc mang âm hưởng dân ca hơn.

Có thể nói, những làn điệu của hai thể loại ví và giặm như một sợi dây kết nối những con người hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ở trong mỗi người con Nghệ An, Hà Tĩnh đều có một tình đồng hương rất lớn. Chỉ cần nghe qua giọng nói, nghe qua đôi ba câu hò ví, giặm là có thể cảm thấy như đã thân quen từ trước đó rồi. Bởi vậy nhạc sĩ Xuân Hòa đã từng sáng tác: Nghe tiếng ai quen giữa dòng người xa lạ/ Một cái bắt tay nì anh người mô đó/ Cái giọng quê ta đậm đà sâu nặng/ Tiếng nói quê mình mộc mạc mà thương/ Tiếng của quê hương về trong nỗi nhớ/ Đã gặp nhau rồi rành dễ làm quen/ Đưa nhau tìm về hai chữ đồng hương...

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-ca-xu-nghe-giua-long-thu-do-5641372.html