Dân bức xúc cò mồi trục lợi dự án nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói gì?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương thanh tra, kiểm tra, rà soát tình trạng mua bán nhà ở xã hội, nếu phát hiện mua bán không đúng đối tượng phải thu hồi.

Đẩy nhanh Đề án 1 triệu nhà ở xã hội

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí liên quan tình trạng một số đối tượng cò mồi trục lợi trong các dự án nhà ở xã hội tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, chiều 3/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, pháp luật đã quy định rất rõ đối tượng được mua nhà ở xã hội, điều kiện mua nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục mua nhà... Các quy định đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ để tránh việc trục lợi chính sách, cũng như đảm bảo bán cho đúng đối tượng thụ hưởng.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số dự án, một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk... cũng có những hiện tượng trung gian, cò mồi lợi dụng sự khan hiếm nhà ở xã hội, rao mua bán nhằm trục lợi. "Chúng tôi xác định đây là hành vi thực hiện chưa đúng các chính sách pháp luật về nhà ở xã hội. Thời gian qua, Bộ Xây dựng có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, thanh tra, rà soát lại, làm rõ việc báo chí nêu, có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Nếu phát hiện sai phải thu hồi lại trường hợp bán không đúng đối tượng được mua", Thứ trưởng Bộ Xây dựng thông tin.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trả lời tại họp báo.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trả lời tại họp báo.

Về lâu dài, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường đầu tư nhà ở xã hội, nhất là Đề án tăng cường đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Hiện các bộ ngành, địa phương rất tích cực triển khai. "Một trong những giải pháp thúc đẩy việc này là khẩn trương triển khai tốt đề án này, làm sao tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội thời gian tới để giảm tình trạng cò mồi, trung gian", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nêu.

Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương công bố công khai các điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng; tổ chức quản lý chặt chẽ, mua bán công khai nhà ở xã hội theo đúng quy định. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, cương quyết có biện pháp xử lý, khắc phục trong trường hợp mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng, buộc thu hồi. Yêu cầu các doanh nghiệp, chủ đầu tư khi thực hiện các dự án cũng phải xác định đúng các đối tượng, điều kiện, tiêu chí mà pháp luật đã đề ra; nắm bắt các thông tin về dự án không đúng để kịp thời ngăn chặn tình trạng này...

Giải đáp thêm vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn khẳng định, tại phiên họp trước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã cung cấp cho phóng viên khá đầy đủ các giải pháp, bao gồm cả những vấn đề khó khăn pháp lý – khó khăn về pháp lý chiếm gần 70%, trong đó có khó khăn về tính giá đất. Vừa rồi, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và công điện của Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là thủ tục khó khăn về pháp lý.

Thiếu điện do nắng nóng kỷ lục, nguồn than nhập khẩu chậm

Trả lời câu hỏi về nguy cơ thiếu điện và giải pháp để bảo đảm điện cho sinh hoạt và sản xuất trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tại thời điểm hiện nay một số nơi đang thiếu điện, kể cả cho sản xuất và đời sống của người dân. "Thay mặt Bộ Công thương, tôi bày tỏ với những khó khăn, sự bất tiện, nỗi khổ của người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày do thiếu điện cục bộ. Tuy nhiên, việc thiếu điện chỉ trong một thời gian nhất định, kể cả ở Hà Nội và khu vực ngoại thành", ông nói.

Về nguyên nhân, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, từ tháng 5 đến nay, tình trạng nắng nóng kỷ lục trên cả nước, diễn biến phức tạp, kéo dài. Điều này làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt, trong khi nước về các hồ thủy điện ở phía Bắc là thấp, gây ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cho mùa khô năm 2023. Ngoài ra, nguồn than nhập khẩu về chậm hơn so với nhu cầu cung ứng cho sản xuất điện.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải.

Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện mức cao nhất, đặc biệt là trong giai đoạn ngắn hạn. Bộ Công Thương thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, với các giải pháp quyết liệt khẩn trương, đảm bảo cung ứng điện trong mùa nắng nóng. Cụ thể, Bộ yêu cầu đảm bảo và tăng cường công tác vận hành hệ thống điện để huy động các nguồn điện sẵn có; đảm bảo nhiên liệu sẵn sàng cho cung ứng điện; rà soát công tác vận hành, chỉ đạo sẵn sàng nhiên liệu, trực ca, ứng trực trong vận hành thường xuyên; khắc phục sự cố để vận hành cung ứng điện.

Bộ Công thương cũng yêu cầu tăng cung ứng than cho sản xuất điện, điều tiết cung cấp than cho phát điện là 300.000 tấn cho tháng 5 và 100.000 tấn các tháng 6 và 7, tăng 18% lượng cấp khí cấp Đông Nam Bộ và 8% khí cấp cho Tây Nam Bộ cho sản xuất điện. Thêm nữa là khẩn trương đưa nhà máy điện tái tạo vào cho phát điện...

Về tiết kiệm điện, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, không phải thiếu điện mới tiết kiệm điện, mà tiết kiệm điện là chính sách xuyên suốt trong nhiều năm nay. Đơn cử như hoạt động tắt đèn tại chương trình giờ trái đất. Trong tình hình hiện nay, việc tiết kiệm điện càng cần được triển khai rộng rãi...

Về giải quyết tình trạng điện gió và mặt trời không nằm trong quy hoạch, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, Thủ tướng đã ban hành Quy hoạch điện VIII, nêu rõ tổng công suất phát triển điện gió, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời và không có tên dự án cụ thể. Với các dự án không nằm trong quy hoạch đã có văn bản hướng dẫn thực hiện vấn đề này, trên cơ sở ban hành Thông tư 15 và Quyết định 21 về khung giá phát điện chuyển tiếp; chỉ đạo EVN và các chủ đầu tư đàm phán và không vượt quá khung giá phát điện.

Theo ông, việc tháo gỡ khó khăn là cần thiết nhưng ngoài cơ chế giá điện các dự án cần tuân thủ quy định khác như quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường. "Với sự thiện chí, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro, tuân thủ pháp luật, chúng ta mong các dự án này sớm khắc phục vướng mắc, khó khăn, thậm chí là vi phạm. Các địa phương hỗ trợ dự này để vượt qua khó khăn và sớm đưa vào huy động nguồn điện đảm bảo cung cấp điện", ông bày tỏ.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng đã có nhiều cuộc họp chỉ đạo. Về giải pháp, các nhà máy nhiệt điện thì phải đảm bảo cung cấp than (trong nước và nhập khẩu); cấp đủ nhiên liệu nhà máy điện khí, điện dầu, điện năng lượng tái tạo. Với việc giải quyết nhà máy điện gió và điện mặt trời ngoài quy hoạch, đã có phương án rõ. "Tổng nguồn thủy điện, nhiệt điện, mặt trời… của hệ thống là hơn 81.000 MW, sử dụng thời điểm cao nhất là 44.000 MW (54,32% tổng công suất nguồn điện), nên chúng ta hoàn toàn yên tâm. Vấn đề là sử dụng và vận hành hệ thống", Bộ trưởng khẳng định.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/dan-buc-xuc-co-moi-truc-loi-du-an-nha-o-xa-hoi-thu-truong-bo-xay-dung-noi-gi--i695718/