Dân 'bơ vơ' vì phản đối thu tiền làm đường NTM

Bị trả lại tiền đóng góp ủng hộ làm đường nông thôn mới (NTM) vì không đóng đủ theo quy định của thôn, hộ gia đình ông Ma Văn Then (xã Trung Lương, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) rơi vào cảnh 'bơ vơ' khi bị Trưởng thôn từ chối tiếp nhận sinh hoạt cộng đồng.

Ông Hoàng Thanh Xuất, Chủ tịch UBND xã Trung Lương. Ảnh: Thanh Ngoan

“Bơ vơ” vì phản đối thu tiền làm đường NTM

Trong đơn gửi Báo Thanh tra, ông Ma Văn Then cho biết, nhà ông thuộc thôn Nà Nạn. Năm 2012, HĐND xã ra nghị quyết về quy hoạch xen cư trên địa bàn đã tự ý chuyển sinh hoạt cộng đồng nhà ông từ thôn Nà Nạn sang thôn Vũ Lương 1 mà chưa có sự đồng ý của gia đình. Bị thay đổi địa chỉ thôn, xóm nên trong nhiều năm qua, gia đình ông mất quyền hưởng các chế độ ưu tiên về bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, về hỗ trợ vay vốn sản xuất nông nghiệp… do không khớp về thủ tục giấy tờ.

Về việc này, ông Then cho rằng, chính quyền xã đã vượt thẩm quyền trong quyết định thay đổi quy hoạch xen cư và yêu cầu UBND xã xem xét giải quyết cho gia đình ông trở về sinh hoạt ở thôn cũ Nà Nạn. Tuy nhiên, đơn kiến nghị, khiếu nại của ông nhiều năm nay chưa được xã giải quyết.

Cũng theo ông Then, năm 2017, thôn Vũ Lương 1 tổ chức vận động đóng góp xây dựng 200m đường bê tông nông thôn với mức quy định 2 triệu đồng/người. Nhà ông Then có 4 khẩu nên tổng phải đóng góp là 8 triệu đồng. Nhận thấy việc đóng góp quy định như vậy là trái với tinh thần tự nguyện ủng hộ của nhân dân nên gia đình đã có ý kiến và chỉ xin đóng 600.000 đồng theo khả năng tài chính của gia đình. Nhưng sau đó, ông Đặng Văn Mến, Trưởng thôn Vũ Lương 1 đã đem trả lại vì đóng như vậy không đủ theo quy định và từ chối tiếp nhận gia đình ông vào sinh hoạt cộng đồng của thôn.

Hiện nay, gia đình ông Then bị rơi vào cảnh "bơ vơ" vì thôn cũ đã bị chuyển đi, thôn mới lại không tiếp nhận, cuộc sống gia đình gặp nhiều áp lực, khó khăn.

Chính quyền địa phương nhận sai nhưng chậm chỉ đạo khắc phục

Để làm rõ những kiến nghị của ông Ma Văn Then, phóng viên Báo Thanh tra đã có buổi làm việc với ông Hoàng Thanh Xuất, Chủ tịch UBND xã Trung Lương. Về vấn đề chuyển sinh hoạt gia đình ông Then, ông Hoàng Thanh Xuất cho biết, sau khi xem xét, nhận thấy việc HĐND xã ra Nghị quyết số 21 về quy hoạch xen cư trên địa bàn xã là trái thẩm quyền và việc này đúng là có ảnh hưởng đến một số quyền lợi của gia đình ông Then.

Nêu lý do vì sao UBND xã chậm ra quyết định giải quyết về việc chuyển sinh hoạt lại xóm cũ cho nhà ông Then, ông Xuất phân trần, “vì bận phải đi tập huấn dài ngày nên tôi chưa tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm được”.

Đối với ý kiến của gia đình ông Then về huy động đóng góp quá cao khi làm đường NTM ở thôn Vũ Lương 1, ông Xuất cho biết, UBND xã không quy định mức thu cụ thể bao nhiêu mà do nhân dân trong thôn tự bàn bạc thống nhất, tự nguyện đóng góp. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc Trưởng thôn Vũ Lương 1 trả lại tiền đóng góp của hộ ông Then vì đóng không đủ theo quy định của thôn, như vậy là bắt buộc hay không, thì ông Xuất không trả lời.

Việc thôn tổ chức huy động đóng góp từ các đối tượng hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn, ông Hoàng Thanh Xuất cho biết, ông không nắm được có các đối tượng nêu trên, vì vậy, tới đây ông sẽ cho kiểm tra lại!

Đem các vấn đề khiếu nại của gia đình ông Then tới lãnh đạo UBND huyện Định Hóa, ông Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện nói: “UBND xã Trung Lương chuyển sinh hoạt gia đình ông Then mà chưa có sự nhất trí của gia đình họ là trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến một số quyền lợi của gia đình ông Then. Việc này, UBND huyện đã chỉ đạo Chủ tịch UBND xã Trung Lương giải quyết, nhưng không hiểu vì sao xã chưa xử lý dứt điểm được”. Do UBND xã báo cáo không cụ thể nên UBND huyện không nắm rõ tình hình. Vì vậy, “tới đây tôi sẽ cho tổ chức buổi gặp gỡ đối thoại trực tiếp với gia đình ông Then để nắm rõ vấn đề và sẽ chỉ đạo xã giải quyết ngay việc chuyển sinh hoạt về xóm cũ cho nhà ông Then”, ông Đối khẳng định.

Về công tác huy động đóng góp làm đường NTM, ông Đối cho biết: “Quan điểm chỉ đạo của huyện là không bắt buộc, còn việc tổ chức huy động thế nào là việc của thôn, của xã, huyện không tham gia. Trường hợp thôn có huy động sai là trách nhiệm của UBND xã”.

Khi được hỏi về việc thôn Vũ Lương 1 tổ chức huy động đóng góp các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách với mức đóng cao nhất 17 triệu đồng/hộ có hợp lý, có đúng quy định? Ông Đối cho biết, “thôn huy động như vậy là cao quá”, còn việc huy động các hộ nghèo đóng góp cũng là bình thường nếu như họ “có điều kiện”.

Để chỉ đạo giải quyết vấn đề này, ông Đối nói: “Ngay lúc này tôi chưa thể kết luận gì, tới đây sẽ chỉ đạo cho thanh tra huyện, lập đoàn thanh tra lại sự việc cụ thể rồi mới đưa ra quyết định xử lý”.

Huy động đóng góp sức dân trong xây dựng NTM thế nào là hợp lý?

Cuộc vận động cả nước chung tay xây dựng NTM đã bước vào năm thứ 8, góp phần nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân cả nước đã tích cực tham gia hưởng ứng xây dựng NTM vì cảm nhận được những lợi ích thiết thực của chương trình đem lại. Tuy nhiên, bên cạnh những điển hình NTM thì cũng có nhiều bất cập, nhiều hệ lụy đáng buồn xảy ra, từ việc chạy đua thành tích trong huy động xây dựng NTM. Vì thế, trong thời gian qua, các cơ quan Nhà nước đã liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để các địa phương trong cả nước làm căn cứ thực hiện.

Về nội dung chỉ đạo huy động đóng góp sức dân, tại Khoản 3, Mục V, Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 nêu rõ: "Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án, nội dung cụ thể, do hội đồng nhân dân xã thông qua”.

Tại mục 2, Công văn số 2003/TTg-KTN, ngày 5/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM nêu rõ: “Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ; phải được sự đồng tình và nhất trí của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc, quá sức dân; không huy động đối với hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội”.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tại Quyết định 47/2016/QĐ-HĐND, ngày 8/12/2016 của HĐND tỉnh cũng quy định tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, ngân sách xã) đối với các xã thuộc khu vực II: “Tối đa 90% tổng dự toán công trình (hoặc tổng mức đầu tư) được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Các văn bản chỉ đạo trên đã nêu rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp cũng như cách thức và mức độ huy động đóng góp của nhân dân trong xây dựng NTM. Chính quyền tỉnh, huyện, xã không quy định bắt buộc nhân dân đóng góp, nhưng phải tăng cường chỉ đạo, giám sát việc thực hiện từng dự án cụ thể ở các địa phương. Từ đó, nếu địa phương nào để xảy ra việc huy động quá sức dân sẽ phải xử lý nghiêm người đứng đầu: “Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng NTM. Nơi nào, cấp nào để xảy ra tình trạng đọng nợ xây dựng cơ bản kéo dài hoặc huy động quá sức dân, gây bất bình trong nhân dân, hoặc đánh giá xuề xòa khi xét công nhận đạt chuẩn NTM dẫn đến hạ thấp chất lượng các tiêu chí thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải được kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm khắc”, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Vì vậy, với những bất cập đang diễn ra theo phản ánh của người dân tại xã Trung Lương, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Báo Thanh tra kiến nghị lãnh đạo địa phương cần sớm chỉ đạo các phòng, ban chức năng thanh tra, kiểm tra làm rõ để xử lý dứt điểm đơn khiếu nại của hộ ông Ma Văn Then.

Thanh Ngoan

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/dan-bo-vo-vi-phan-doi-thu-tien-lam-duong-ntm_t114c39n140047