Dân Bình Phước cất nhà nhờ dự án nuôi trâu

Người xưa có câu 'con trâu là đầu cơ nghiệp', còn với đồng bào S'Tiêng tỉnh Bình Phước, con trâu là cả cơ ngơi, giúp đồng bào vùng biên tạo kế sinh nhai hiệu quả...

Nuôi trâu cất nhà!

Về với các thôn, bản, phum, sóc đồng bào S’Tiêng (Bình Phước) những ngày này, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh từng đàn trâu bụng căng tròn, sau một ngày no cỏ được bà con lùa về chuồng.

Trước đây 10 năm, thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng thuộc thôn đặc biệt khó khăn của huyện Bù Đốp, toàn thôn có gần 200 hộ thì có 2/3 số đó thuộc diện hộ nghèo. Thế nhưng, từ khi Sở NN – PTNT thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển đàn trâu trong vùng đồng bào dân tộc”, đến nay toàn thôn chỉ còn 6 hộ nghèo, số hộ cận nghèo giảm hơn 70%.

 Anh Điểu Wư lùa đàn trâu về chuông. Ảnh: Trần Trung.

Anh Điểu Wư lùa đàn trâu về chuông. Ảnh: Trần Trung.

Chỉ tay về phía đàn trâu gần chục con ở phía cuối cánh đồng hơn 10 ha cạnh dòng kênh thủy lợi nội đồng, anh Điểu Wư (ngụ thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng) phấn khởi cho biết, trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, nhà có 5 khẩu nhưng kinh tế chủ yếu dựa hơn 4 sào điều nên cuộc sống rất khó khăn. Từ khi được nhà nước hỗ trợ 2 con trâu sinh sản vào năm 2003, cuộc sống gia đình anh đã có nhiều thay đổi, từ hộ nghèo nhất thôn, hiện nay anh đã vươn lên khá giả. “Nhờ có trâu mà gia đình tôi đã có của ăn của để, căn nhà khang trang của tôi cũng nhờ trâu cả đấy”, anh Wư khoe.

Cách đó không xa là bà Thị Tuyết (sinh năm 1954) đang tất bật chăm sóc cho 4 con trâu của mình sau một ngày được chăn thả. Bà Tuyết cho biết, nhờ tận dụng nguồn cỏ dồi dào tại địa phương nên việc nuôi trâu rất nhàn. Từ 2 con trâu nhà nước cấp vào năm 2004, sau vài năm nuôi, có thời điểm đàn trâu gia đình bà phát triển lên đến gần 10 con.

Do tuổi cao sức yếu nên bà Tuyết bán bớt và chỉ duy trì 4 trâu sinh sản. “Mỗi năm, 4 con trâu này sinh con giúp tôi thu lãi gần 100 triệu đồng”, bà Tuyết khoe. Gia đình bà Tuyết vốn đông con, nhà chỉ có vài sào ruộng không đủ ăn nên thường xuyên thiếu đói giáp hạt. Nhưng từ khi có trâu nhà nước cho, gia đình bà dần có của ăn của để, giờ con cái trưởng thành ra riêng, bà ở một mình nuôi 4 con trâu, cuộc sống rất thảnh thơi.

Bà Tuyết chăm sóc đàn trâu của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước cho biết, với mục tiêu tạo sinh kế giúp bà con đồng bào thoát nghèo bền vững, dự án “Hỗ trợ phát triển đàn trâu trong vùng đồng bào dân tộc” được Sở NN – PTNT tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện từ năm 2007 tại 2 huyện biên giới Bù Đốp và Bù Gia Mập.

Tham gia dự án mỗi hộ được nhận nuôi 2 con trâu mẹ, sau 2 năm sẽ luân chuyển cho hộ khác. Mặc dù, dự án kết thúc vào năm 2017, thế nhưng, đàn trâu vẫn tiếp tục sinh sôi, nảy nở. Từ 56 con trâu ban đầu, đến nay đã qua 5 giai đoạn luân chuyển trâu, nghé sinh ra được gần 200 con, qua đó, giúp trên 100 hộ đồng bào có cuộc sống ổn định, bền vững.

Cách làm hay!

Không phải hiển nhiên dự án “nuôi trâu” ở Bình Phước lại phát huy hiệu quả tích cực đến thế. Theo tìm hiểu của PV, bên cạnh sự quan tâm, thường xuyên kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng, thì còn phải kể đến sự quản lý chặt chẽ của địa phương và nỗ lực của người dân.

Ông Điểu Cần trưởng thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) cho biết: Trước đây ông là tổ trưởng tổ quản lý dự án “nuôi trâu” tại địa phương. Để quản lý tốt đàn trâu, ngay từ khi trâu được đưa về, ban điều hành thôn đã tổ chức họp dân và yêu cầu người thụ hưởng trâu phải ký bản cam kết cam đoan nuôi trâu hiệu quả, nếu thực hiện không đúng cam kết sẽ thu hồi trâu chuyển cho người khác.

Định kỳ hàng tháng, ông Điểu Cần trưởng thôn Thiện Cư kiểm tra lại số lượng đàn trâu thôn đang quản lý. Ảnh: Trần Trung.

Đồng thời, định kỳ hàng tháng, thôn tổ chức họp dân 1 lần để nắm bắt tình hình nuôi trâu, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho bà con. Nhờ vậy, chỉ cần trâu bị bệnh là bà con tự biết mua thuốc về điều trị, trường hợp nào ngoài khả năng sẽ báo cho thôn, thôn đề nghị cơ quan thú y địa phương vào hỗ trợ, chính vì vậy đàn trâu luôn khỏe mạnh.

Ông Trần Chí Công, Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng cho biết thêm, đặc thù khí hậu ở địa phương 2 mùa mưa nắng rõ rệt, bà con lại có tập quán nuôi trâu thả rông, mùa mưa thì thức ăn xanh khá dồi dào, thế nhưng mùa khô thì hầu như không có gì cho trâu ăn nên chúng thường xuyên đói khát, thậm chí bị chết.

Lẽ đó, trước khi giao trâu, các hộ tham gia dự án được địa phương tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ, kỹ thuật chế biến thức ăn khô nhất là rơm rạ sẵn có tại khu dân cư. Nhờ thế, tình trạng thiếu thức ăn không còn xảy ra, đàn trâu sinh trưởng phát triển tốt.

“Nhờ dự án cấp trâu mà đời sống đồng bào ở đây được nâng lên. Không chỉ thoát được nghèo đói mà nhiều hộ như Điểu Ngọc, Điểu Đốc, Điểu Phú,… còn cất được nhà, mua được đất để mở rộng sản xuất”, ông Công chia sẻ.

Vào vùng đồng bào dân tộc S’tiêng Bình Phước dàng bắt gặp hình ảnh từng đàn trâu nối đuôi nhau về chuồng sau một ngày ăn cỏ no nê. Ảnh: Trần Trung.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Bình Phước nhận định, Bình Phước có diện tích đất rất lớn, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 80%, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi trâu. Với việc triển khai thực hiện một cách tích cực, đúng tiêu chí, đối tượng hưởng thụ, dự án “Hỗ trợ phát triển đàn trâu trong vùng đồng bào dân tộc” đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân, tạo tiền đề đối với những hộ nghèo của 2 huyện biên giới Bù Đốp và Bù Gia Mập có cuộc sống ấm no, ổn định theo đúng mục tiêu của dự án đã đề ra.

Thực hiện kế hoạch số 205/KH-UBND về thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, từ hiệu quả dự án mang lại, Sở NN – PTNT tỉnh Bình Phước tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện dự án hỗ trợ trâu cho người đồng bào, tạo sinh kế ổn định cuộc sống cho bà con nghèo nói chung và người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Trần Trung

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dan-binh-phuoc-cat-nha-nho-du-an-nuoi-trau-d264441.html