Dân bị đe dọa, chính quyền địa phương ở đâu?

Một cô giáo phải làm đơn xin 'xã hội đen' cho yên ổn để đi dạy học mưu sinh. Một bà mẹ già khản tiếng kêu cứu tới cơ quan chức năng nhiều tháng trời vì con dâu nợ, nhà chồng bị bôi sơn, đe dọa phải đi lánh nạn. Nhưng cơ quan chức năng chỉ làm biên bản ghi nhận vụ việc...

Nhà bà Ảnh bị nhóm đòi nợ bôi sơn đỏ. Chính quyền địa phương chỉ xuống giám sát bảo vệ để gia đình mở khóa.

Phải bỏ nhà đi lánh nạn

Bức xức, bà Nguyễn Thị Lệ Ảnh (69 tuổi, hộ khẩu tại khu phố 13 P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân TPHCM, hiện đã cùng con cháu lánh nạn nơi xa) cho biết: Gia đình đang yên ổn, bỗng từ ngày 2.7.2018 có một nhóm người hung hãn kéo đến nhà… đòi nợ. Liên tục 10 ngày sau, nhóm người trên kéo tới đe dọa, ném mắm tôm khủng bố gia đình. Tới ngày 12.7.2018 thì nhóm người trên kéo tới đổ luôn keo dán sắt vào ổ khóa, phun sơn đỏ lên nhà nội dung “nhà tranh chấp không mua bán”, khiến cả gia đình bà hoảng loạn.

Té ra, cô con dâu bà là Trần Kim Phượng có vay tiền của người ngoài, nhưng chưa trả và đã bỏ nhà đi từ tháng 7. Tìm không được con nợ, nhóm “xã hội đen” trên (có thể được thuê) liên tục kéo tới nhà bà ném mắm tôm, sơn, đổ keo dán sắt khủng bố đòi nợ.

Bà Ảnh vội cùng con gái làm đơn báo chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nhóm người trên vẫn thản nhiên lộng hành. Bản thân bị bệnh tim, con cái lớn lại đi làm tối mịt mới về, sợ xảy chuyện không hay, bà Ảnh cùng với cháu phải đi ở nhờ nhà người thân để lánh nạn.

Tới ngày 10.8.2018, không thể ở nhờ mãi, bà Ảnh cùng con cháu về nhà mình. Chỉ vài ngày sau, nhóm “xã hội đen” lại kéo tới và hung hãn hơn khóa trái cửa nhốt bà trong nhà. Con gái bà là cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (giáo viên một trường tiểu học ở quận Bình Tân - TPHCM) phải kêu tới chính quyền địa phương cử người xuống bảo vệ để thợ mở khóa. Tới ngày 2.9.2018, cháu của bà (con của con dâu) là Nguyễn Trần Thiện Phúc bị 2 tên giang hồ xông tới rút dao định đâm. May mắn người dân phát hiện tri hô, cháu bà mới thoát nạn.

Nỗi khiếp đảm của nữ giáo viên tiểu học

Trao đổi với PV, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hiếu run rẩy cho biết, sau nhiều đơn kêu cứu tới chính quyền nhưng không thấy xoay chuyển, trước khủng bố liên tục của đám người trên, cô đã quyết định rút học bạ hai cháu nhỏ rồi đưa cả gia đình đi khỏi TPHCM để lánh nạn.

“Nhà mình gần đó mà không dám về. Có những đêm làm về khuya, một mình giữa đường vắng, tôi đã bật khóc, không biết mình sống chết khi nào. Do quá quẫn bức, tôi vừa viết xong cái đơn “Kính gửi mấy anh xã hội đen” chỉ mong bọn chúng cho gia đình tôi được yên ổn, để tôi đi dạy học nuôi mẹ già cháu nhỏ. Chị dâu tôi nợ, chứ sao bắt gia đình chồng gánh chịu?”.

Liên quan vụ việc, tìm hiểu của PV, gia đình bà Ảnh đã làm đơn kêu cứu nhiều lần từ tháng 7.2018, tới chính quyền địa phương. Tuy nhiên, người ta chỉ lập biên bản ghi nhận bức xúc của gia đình.

Bảo vệ dân, hứa nhưng làm bằng cách nào?

Theo luật sư Nguyễn Tấn Thi (Trưởng văn phòng luật sư Hoa Sen - TPHCM), hành vi đòi nợ nêu trên hoàn toàn có luật để xử lý. Nhẹ, chiếu theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, có thể xử lý hành chính với mức phạt từ 100.000 đồng tới 5 triệu đồng cho hành vi gây rối trật tự công cộng, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác. Nặng có thể xử theo Luật Hình sự nếu các đối tượng đòi nợ có tổ chức, có hành vi phá phách, gây hậu quả, đe dọa đến tính mạng người khác.

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Thắng - Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM - tại cuộc họp báo 1.10.2018 thì lâu nay ngành chức năng khó xử hình sự do khó xác định đối tượng chủ mưu đứng sau. Công an TPHCM đang chỉ đạo địa phương, đơn vị địa bàn khẩn trương đến địa bàn bảo vệ người dân.

Theo các luật sư, luật quy định xử lý kể cả hình sự không chỉ với đối tượng chủ mưu, mà bao gồm cả “tay chân” chúng có hành vi vi phạm. Mặt khác, công an hoàn toàn có nhiều biện pháp nghiệp vụ để tìm ra kẻ chủ mưu.

Ngô Nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/dan-bi-de-doa-chinh-quyen-dia-phuong-o-dau-635785.ldo