Đàn bà tự làm khổ mình khi gói gọn cuộc đời trong chữ chồng

Người ta bảo, hôn nhân là cuốn tiểu thuyết mà nhân vật chính chết ngay từ trang đầu. Nói tắt là nhạt thếch nhạt thác. Nỗi buồn trong hôn nhân vì thế cũng khó có thể truy ra nguồn gốc, nhưng chẳng có quản lý thị trường nào phát hiện ra mà tịch thu, tiêu hủy.

Không biết có phải do “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” hay không mà bạn bè quanh tôi chẳng có ai hài lòng về chồng mình. Chị em dăm bữa nửa tháng gặp nhau, vui tươi rôm rả tới đâu thì cũng đến hồi khốc liệt, mặt đỏ phừng phừng, ánh nhìn căm hận, tranh nhau trút xả về cái gã đàn ông cùng giường là bố của lũ con mình.

Một chị kết hôn năm 25 tuổi. Chồng chị khi ấy là chủ một doanh nghiệp nhỏ đã bỏ việc 3 tháng trời để trồng cây si trước cửa nhà chị. Chị không rung động nhưng gật đầu. Phụ nữ nên lấy người yêu mình chứ đừng lấy người mình yêu, trên mạng người ta đều dạy vậy. Sau này anh phá sản. Vì tính cách yếu đuối, anh đã không thể đứng lên làm lại, bất đắc chí, phó mặc gánh nặng kinh tế cho vợ. Chị giục anh đi kiếm việc làm thì anh cũng đi, nhưng dăm bữa nửa tháng là nghỉ vì đã quen làm chủ rồi, giờ làm thuê không nổi. Cứ thế 10 năm trôi qua như một cái chớp mắt. Cơm áo gạo tiền bào mòn sức lực và cảm xúc của chị. Chị bảo, nằm bên anh, ngửi mùi của anh thôi đã thấy khó chịu, nhưng chưa bao giờ chị nghĩ đến chuyện ly hôn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đến giờ, những người bạn của tôi, sau mười lăm năm gắn bó với nhau, khóc lóc vật vã với nhau, chửi rủa điên cuồng cùng nhau, giục nhau bỏ chồng như giục nhau ăn cơm, vẫn chưa có ai ly hôn. Chưa có ai ly hôn nhưng cũng chưa có ai hài lòng với cuộc hôn nhân của mình. Chúng tôi kéo lê nhau đi qua những nỗi buồn không thể gọi tên của hôn nhân mà tôi vẫn gọi là buồn lậu - buồn không nhãn mác, không xuất xứ, không rõ thành phần. Dù rằng, vào những lúc tự mình đối mặt với chính mình, chúng tôi đều biết nỗi buồn ấy nảy nòi từ quá nhiều kỳ vọng và bám chấp vào cái người mà ta gọi là “chồng”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong cuốn Hạnh phúc mộng và thực có viết một đoạn rất hay về ảo vọng trong hôn nhân. Rằng, như ông cha ta nói trong ca dao: “Tóc mai sợi vắn sợi dài/ Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”, vì lấy nhau không được nên mới thương hoài ngàn năm, chứ lấy được nhau rồi thì có khi chỉ thương được một năm thôi. Tình yêu, cảm xúc thường chỉ nồng nàn, dịu ngọt khi người ta nghĩ về nhau bằng những tưởng tượng đẹp đẽ, rồi nhanh chóng tan như khói mỏng khi tận mắt nhìn thấy nhau ăn uống ngủ và... bài tiết mỗi ngày. Kỳ vọng nhiều thì thất vọng lắm, bám chấp sâu thì nỗi đau nặng. Đàn bà cứ thế tự làm khổ mình trong tâm thức hiển nhiên rằng cuộc đời họ gói gọn cả vào một chữ chồng.

Ngày này qua tháng nọ, những người đàn bà trong đám chúng tôi vẫn hay hỏi nhau: Làm thế nào để bỏ chồng? Bao giờ thì bỏ được chồng? Thực ra, mỗi chúng tôi đều biết, cái câu hỏi có vẻ như day dứt khắc khoải ấy có nghĩa sâu thẳm là: Bao giờ thì chồng mình thay đổi để cuộc hôn nhân này hạnh phúc hơn? Chúng tôi không ly hôn vì nhiều lẽ khác nhau, mà lẽ nào đưa ra cũng chính đáng cả. Người không thể bỏ vì thương chồng bơ vơ, người không thể bỏ vì thương con bơ vơ, người không thể bỏ vì thương mẹ chồng tử tế, người không thể bỏ vì… cái số nó vậy.

Số mệnh hay duyên nợ chẳng sai, nhưng còn một lý do khác nữa, đó là: Người đàn ông đầu gối tay ấp với mình, người cùng mình sinh ra những đứa con, cho dù có tồi tệ đến đâu, có xấu xí cỡ nào, có đáng nguyền rủa ra sao cũng là máu thịt của đời mình rồi. Phần máu thịt đang rỉ máu ấy, có nguy cơ hoại tử ấy, ta phải chăm sóc cho nó, phải thuốc thang cho nó hay nên cắt phăng ra khỏi cơ thể rồi bơm hóa chất vào xạ trị cho tiệt gốc? Mỗi người đàn bà sẽ có một sự lựa chọn khác nhau và sự lựa chọn nào thì cũng đau đớn cả.

Hồng Hà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dan-ba-tu-lam-kho-minh-khi-goi-gon-cuoc-doi-trong-chu-chong-a480174.html