Đàn bà con lớn mà nhàn rỗi thì sẽ sinh hư, tám chuyện, lô đề, vay nợ...

Giờ cô biết vợ cháu làm gì không, cuối cùng mua xe đẩy bán bánh dạo, các thứ, bánh tằm, bánh bò, bánh cam bánh còng…Không biết được bao lâu, tại vì cái tánh không làm gì bền...

Thưa cô Dạ Hương!

Như mọi thằng đàn ông vào đời ở xứ này, học vấn thấp, năng lực kém, chỉ sức khỏe thì khá. Nhìn quanh ai cũng vậy thôi mà. Thời thanh xuân lăn lóc, đi nghĩa vụ quân sự xong, về nhà làm ruộng, cắm câu, giăng lưới, cô coi làm vậy thì chỉ đủ ăn chớ sao có vốn làm chuyện khác được.

Rồi cưới vợ, một cô trong xã. Nhà vợ giàu hơn, đất đai nhiều hơn nhưng thằng anh vợ mất nết, cờ bạc, cầm cố, bà má khóc lóc hoài. Tụi cháu dắt díu nhau đi làm công nhân, chưa vững chân thì vợ đẻ, vợ ôm con, đòi về nhà ngoại. Bà mẹ vợ cho con trai ra riêng, cắt cho gần hết đất ruộng gã mới chịu yên. Thôi, cháu nghĩ, mẹ góa ở với con gái út có chồng đi xa, hai bên dựa vào nhau cũng tốt.

Thời gian qua mau. Các cháu không dám sanh con thêm nữa đâu cô. Bây giờ cháu đã vào thành phố làm bảo vệ rồi cô. Ở đây chung cư lớn, không mưa nắng nhưng cũng không nhàn. Cháu với bốn đứa bảo vệ mướn nhà ở trong cái hẻm gần chung cư, đi ca, thay nhau đi chợ nấu ăn, như một gia đình. Nhưng ít được về thăm vợ con, bốn đứa một phòng, còn cái gác xép để cho vợ con của cái đứa được lên thăm. Còn một tốp khác ở nhà trọ chỗ khác, có tới 8 bảo vệ mà cô. Cháu quen cuộc sống như vầy rồi, nó như thời đi nghĩa vụ vậy cô.

Điều đáng nói là vợ cháu tưởng khá, ai ngờ quá kém cỏi. Con đi học rồi mà làm cái gì cũng không ra cái gì. Bao nhiêu lần cháu cấp vốn cho làm ăn, làm bánh nướng, cũng thời gian rồi bỏ, nói bây giờ người ta sợ ăn ngọt; gói bánh tét theo đặt hàng, thời gian cũng buông, nói không bằng những người làm từ lâu như nghề gia truyền; làm da bì bỏ mối cho mấy tiệm cơm, mấy xe bánh mì, bán theo đơn đặt hàng tận Cần Thơ, rồi cũng chán, nói giờ người ta sợ ăn da. Bà má nói làm mắm, bán tại nhà, cũng không chịu, nói hôi thúi, cực.

Giờ cô biết vợ cháu làm gì không, cuối cùng mua xe đẩy bán bánh dạo, các thứ, bánh tằm, bánh bò, bánh cam bánh còng…Không biết được bao lâu, tại vì cái tánh không làm gì bền. Nghĩ tới đẩy xe mưa nắng cháu cũng thương nhưng mà để ngồi không sẽ sinh tật lô đề, nhiều chuyện. Đem lên thành phố, thì con phải gởi cho ngoại, chúng cháu phải thuê chỗ khác, biết có kham nổi không, nhưng mà đem lên thì vợ cháu làm việc gì, ô-sin sao? Khổ quá, khó quá cô ơi.

---------------------

Cháu thân mến!

Quả nhiên, sinh nhai là bài toán không dễ cho bất kỳ ai. Đừng nghĩ miền Tây của cháu trũng, khó, kém. Cô thấy ở Sài Gòn, khu vực của cô đây, đầy những người miền Trung, miền Bắc vào rất đông, buôn bán chợ cóc, bán cá, bán rau, bán hoa quả, mua chợ vựa bán chợ xổm, cực nhọc, cũng tiền thuê nhà, tiền đủ thứ trên vai, bấp bênh vô cùng. Bởi vì người đông nhanh quá, nhân lực tay chân dư thừa. Bởi vì đô thị hóa cuốn người ta đi, như cháu chẳng hạn. Bởi vì tệ nạn xã hội quá dày, bủa vây, con người chống đỡ kém.

Dù sao các cháu còn có bà má vợ để dựa dẫm. Có đất đai, có nhà sẵn, bà giúp cả việc nuôi con của cháu nữa, công lao, kinh nghiệm và bày vẽ cho vợ cháu. Con gái một, con gái út, được cưng được bao biện, cũng dễ hiểu thôi. Mẹ góa không lo cho con thì lo cho ai. Cháu làm bảo vệ khá ổn, đúng không, đi ca nhưng không áp lực như làm công nhân, không mưa nắng, chỉ nhắc cháu cẩn thận và lễ phép. Phải tự học kỹ năng xử lý mọi chuyện, cả tiếng Anh cũng không được dẫm chân tại chỗ, để còn nâng mình lên, có uy tín, có vị trí cao hơn khi người ta muốn dề bạc, cất nhắc.

Vợ cháu thuộc loại siêng nhưng không bền chí. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Làm gì chẳng được, miễn mình làm hoài thì sẽ có mối, có khách. Cô từng thấy một nghệ nhân bánh da lợn, họ cực kỳ khéo, mối bánh của họ khắp cả một vùng, Cần Thơ, Rạch Giá, Vị Thanh…hệ thống xe đò lưu thông giúp họ. Xây nhà cấp bốn, rồi xây nhà kiên cố, mua thêm đất, mướn nhiều thợ, cất nhà cho thợ ở…Liên tài với bất kỳ ai có tài, một người sửa xe giỏi, một thợ may khéo, một người bán xôi chè ngon, cô nghiệm ra ông bà mình khuyên câu nào chuẩn câu ấy. Nhắc lại “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”.

Đúng, cháu ở trong mát, hình dung cảnh vợ đẩy xe đi bán bánh dạo, đau lòng quá. Làm gã đàn ông mà không nuôi nổi vợ con, cũng cắn rứt cái lương tâm. Nhưng cũng như cháu nghĩ, đàn bà con lớn mà nhàn rỗi thì sẽ sinh hư, tám chuyện, ăn hàng, lô đề, vay nợ, quen thói. Cứ để cho làm, để biết đồng tiền nó gian nan, để chia sẻ với chồng, ít nhất cũng nuôi được chính bản thân mình. Đem lên gần để cãi nhau à, làm gì ở Sài Gòn ngoài làm ô-sin? Đường sá đông đúc, làm người giúp việc đô thị lớn, không dễ, rồi mẹ xa con, con đang lớn con cần mẹ. Thôi kệ, cháu nên giữ chắc chỗ của mình, thi thoảng vợ chồng gặp nhau, còn hơn đi xuất khẩu lao động, nhé.

DẠ HƯƠNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dan-ba-con-lon-ma-nhan-roi-thi-se-sinh-hu-tam-chuyen-lo-de-vay-no-post225383.html