Dân Anh sôi sục đòi trưng cầu dân ý lại về Brexit

Hôm 23-3, khoảng một triệu người đã tuần hành rầm rộ qua các đường phố ở trung tâm London, kêu gọi các nghị sĩ Anh phá vỡ thế bế tắc chính trị bằng cách chấp thuận tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai về Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), theo tờ New York Times.

 Khoảng một triệu người dân tuần hành qua các đường phố ở trung tâm London, Anh để yêu cầu tiến hành trưng cầu dân ý lần hai về Brexit. Ảnh: AP

Khoảng một triệu người dân tuần hành qua các đường phố ở trung tâm London, Anh để yêu cầu tiến hành trưng cầu dân ý lần hai về Brexit. Ảnh: AP

Cuộc biểu tình hôm 23-3 diễn ra giữa lúc ngày càng có nhiều người dân Anh, đặc biệt là những người phản đối Brexit, đang tức giận và mệt mỏi trước thế bế tắc chính trị tại Hạ viện Anh về Brexit. Nhiều người biểu tình cầm cờ EU và các biểu ngữ ca ngợi mối quan hệ lâu đời giữa Anh và lục địa châu Âu.

Năm 2016, trong một cuộc trưng cầu dân ý, cử tri Anh bỏ phiếu đồng ý rút tư cách thành viên của Anh từ Liên minh châu Âu (EU) theo Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu.

Sau đó, Anh và EU đồng ý kích hoạt Điều 50 này để Anh chính thức rút khỏi EU vào 11 giờ đêm ngày 29-3-2019. Trong hơn hai năm qua, Thủ tướng Anh Theresa May đã vất vả đàm phán với EU về dự luật thỏa thuận Brexit nhằm quản lý mối quan hệ Anh và EU sau Brexit.

Tuy nhiên, dự luật này không được Hạ viện Anh ủng hộ vì cho rằng nó gây bất lợi cho Anh. Hạ viện Anh đã hai lần bỏ phiếu bác bỏ dự luật này hồi tháng 1 và mới đây là ngày 12-3. Giờ đây, EU đồng ý gia hạn lùi thời điểm Brexit đến ngày 12-4-2019 trong trường hợp Anh không thông qua được dự luật thỏa thuận Brexit hoặc đến ngày 22-5-2019 nếu Anh phê chuẩn dự luật này.

Jenny Chandler, một nhà văn đến từ Bristol, có mặt trong cuộc biểu tình ở London, bày tỏ: “Tôi cảm thấy chán ngán và thất vọng. Dù hơi mệt mỏi nhưng tôi muốn có mặt ở đây vào ngày hôm nay. Cuộc biểu tình là tia hy vọng cuối cùng để vận động Anh ở lại EU”.

Những người diễn thuyết tại cuộc biểu tình bao gồm Bộ trưởng thứ nhất của Scotland, Nicola Sturgeon và Thị trưởng London, Sadiq Khan.

Bà Nicola Sturgeon nói với người biểu tình trước quảng trường quốc hội Anh rằng, Thủ tướng Theresa May và chính phủ của bà không đủ năng lực để thực hiện kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016, do vậy, cần phải tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.

Ông Sadiq Khan viết trên Twitter: “Dù bạn đã bỏ phiếu như thế nào, tôi chắc chắn bạn sẽ đồng ý rằng Brexit đã biến thành một tình trạng hỗn loạn hoàn toàn. Người Anh không bỏ phiếu cho một thỏa thuận Brexit tệ hại. Đã đến lúc trao lại cho chúng ta, những người dân Anh, tiếng nói quyết định về vấn đề này”.

Những người ủng hộ Brexit bao gồm các cử tri của đảng Độc lập Anh (UKIP) và đảng Bảo thủ của bà Theresa May dự kiến sẽ tham gia cuộc tuần hành ở London vào ngày 29-3 tới.

Tuy nhiên, trong cuộc biểu tình hôm 23-3, có mặt không ít cử tri của đảng Bảo thủ, những người đang hồi tâm chuyển ý, quay sang phản đối Brexit.

Ông Daniel Poser, 52 tuổi, một cử tri của đảng Bảo thủ ở London, nói: “Bạn đang thấy minh chứng rõ ràng rằng Brexit là một bài toán hóc búa, chưa tìm ra được lối thoát. Đất nước chúng ta đang bị kẹt bởi những lời nói dối trong cuộc vận động Brexit của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016”.

Ông cho rằng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác là cách thực tiễn nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy nhiều người Anh, trước đây nghĩ rằng Anh rời EU là hướng đi đúng đắn, giờ đây cho rằng Anh nên lại EU.

Theo tờ Guardian, giờ đây, Chính phủ và Quốc hội Anh vẫn có thể thu hồi Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu và hủy Brexit nhưng khả năng này rất nhỏ. Tính đến chiều 24-3, số người ký tên ủng hộ kiến nghị thu hồi điều 50 trên trang web của Quốc hội Anh đã vượt qua con số 4,8 triệu. Số người truy cập để ký kiến nghị quá lớn khiến trang web của quốc hội Anh bị sập vào sáng 21-3. Theo quy định Chính phủ và Hạ viện Anh phải xem xét tất cả các kiến nghị được hơn 100.000 người ký tên ủng hộ. Tuy nhiên, rất ít khả năng Hạ viện Anh ủng hộ phương án tổ chức trưng cầu dân ý về Brexit lần hai.

Người phát ngôn văn phòng thủ tướng Anh cho biết bà May sẽ không tán thành thu hồi Điều 50 vì bà lo ngại việc không thực thi được Brexit sẽ gây tổn hại không thể bù đắp đối với niềm tin của người dân.

Bà May có thêm hai tuần nữa để tiếp tục sửa đổi dự luật thỏa thuận Brexit. Tuần sau, hạ viện Anh sẽ bỏ phiếu lần 3 về dự luật này. Nếu dự luật tiếp tục bị bác bỏ, Anh có thể phải rời EU vào ngày 12-4 tới mà không có bất cứ thỏa thuận nào quản lý quan hệ Anh và EU sau Brexit. Nếu bà May thuyết phục được hạ viện thông qua dự luật, Anh sẽ rời EU vào ngày 22-5.

Nhiều tờ báo Anh hôm 24-3 cho biết Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt với cuộc nổi loạn của nội các Anh khi có ít nhất 11 bộ trưởng đe dọa từ chức tập thể nếu bà không chấp nhận rút khỏi ghế thủ tướng trong sớm nhất là 10 ngày tới. Trong trường hợp như vậy, Bộ trưởng văn phòng nội các Anh David Lidington hoặc Bộ trưởng Môi trường, thực phẩm và các vấn đề nông thôn Michael Gove hoặc Ngoại trưởng Jeremy Hunt có khả năng sẽ lên làm thủ tướng tạm quyền để quản lý quá trình Brexit.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286585/dan-anh-soi-suc-doi-trung-cau-dan-y-lai-ve-brexit.html