Đằm thắm rực rỡ những ngày thu Stok

Từ phố núi Manali, Himachal Pradesh tôi đi Leh những ngày thu đã cuối. Con đường đó chỉ vài bữa nữa thôi là đóng cửa cho đến hạ năm sau vì băng giá trơn trợt quanh co khúc khuỷu nguy hiểm.

Nhất là ở con đèo cao thứ hai thế giới và mấy đèo khác tuy không trong Top xếp hạng độ cao nhưng chẳng kém phần hiểm trở. Đông cứng trên chuyến xe đêm dù đã tròng thêm đồ ấm mới mua ở Manali, tôi cứ ngỡ là sẽ bị giá băng bó chân lang bạt những ngày sắp tới ở Leh. Nào ngờ ở miền thung lũng tốt tươi dưới chân Himalaya, nắng thu chỉ mới thực thi lưng chừng cái nghĩa vụ phải nhuộm úa đồng đất nương đồi, vẫn còn nhiều mảng xanh chấm phá giữa thênh thang vàng, nên tha hồ tung tẩy trong cái nắng mênh mang chan hòa gió mát.

Hương xưa ở miền xa xa quá

 Một góc Leh những ngày thu đi đã nửa sắc lá xanh đã chuyển vàng, xa xa là núi tuyết trắng ôm quanh phố.

Một góc Leh những ngày thu đi đã nửa sắc lá xanh đã chuyển vàng, xa xa là núi tuyết trắng ôm quanh phố.

Leh từng là kinh đô của vương triều Ladakh với các dấu lưu của cố cung, pháo đài và thiền viện. Tuy nằm ở bang Jammu và Kashmir thường hay nghe nhắc trong các bản tin thời sự, binh biến biên giới, bất ổn tôn giáo… nhưng Leh lại rất bình yên. Bang cực bắc Ấn này rất lạ khi có 3 miền đất với 3 tôn giáo đan xen. Jammu là Hindu, Kashmir là của Islam, lọt thỏm Ladakh là Phật giáo. Không chỉ độc đáo vì nhánh Mật tông huyền bí, việc còn giữ gìn được nhiều giá trị tôn giáo xưa cổ càng thêm thu hút. Nhất là khi ở miền cội nguồn Phật giáo Mật tông bên kia Himalaya đã phai phôi khá nhiều vì các biến động lịch sử, chính sách tôn giáo, văn hóa.

Được sử Trung Quốc nhắc đến thời đế quốc Quý Sương của người Nguyệt Chi tung hoành miền Trung Á hồi thế kỷ 1- 3 Tây lịch, rồi ở thời nhà Đường… Leh được biết nhiều hơn từ thế kỷ 10 do liên quan tới cuộc chiến tôn giáo đẫm máu của người Tạng.

Vương triều mới thành lập hồi đó nằm trên trục giao thương nối các miền phồn hoa Ca Thập (Kashgar), Tân Cương, Tây Tạng, Kashmir. Nhiều công trình tôn giáo, văn hóa, cả quân sự được xây dựng. Phồn thịnh, giàu có do nằm trong thung lũng màu mỡ tưới tiêu bởi Indus lam ngọc. Nhưng cách trở, núi non trùng điệp vây quanh, hầu hết kiến trúc thời xưa xây dựng từ đất, bùn thay vì đá cứng, thiết mộc.

Sắc màu đậm đà của Phật giáo Mật tông trong một ngôi chùa ở Leh.

Đó lại là nét quyến rũ của Leh khi lạ thay các công trình xưa bằng vật liệu dễ hư hủy đó vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt qua bao sương gió thời gian. Trong đó rất tò mò khi đọc về Stok, khi là cố cung, cũng là thiền viện, dù không to đẹp, tiện đường thăm viếng như hoàng cung Leh nằm ngay phố thị. Nên tôi lặn lội tìm đến, dù khá bất tiện tàu xe do đi một mình không theo tour hay thuê xe.

Stok những ngày thu

Con đường đất dẫn đến cố cung Stok, ngang qua những bảo tháp bằng đất mộc mạc.

Trước tiên, xin nhắc là đừng chủ quan việc đi đứng ở Leh. Độ cao trung bình 3.524m xấp xỉ Lasha bên Tibet mà không ít khách Tây, Việt đã xỉu lên xỉu xuống phải cấp cứu vì sốc độ cao. Phải lang thang ở Leh cả tuần quen dần, đến hôm đó tôi mới đi bộ các đoạn đường dài đi về với Stok.

Đến Leh, mọi người cứ trầm trồ về cố cung trong phố nhưng đó không phải là hoàng cung cuối cùng mà chính là Stok. Năm 1846 người Anh chuyển giao quyền lực vùng này cho vua Drogra, Stok trở thành hoàng cung cuối của triều đại Namgyal, Ladakh. Theo truyền thống miệt này, trị vì đất nước là Lạt Ma. Hoàng cung cũng là nơi ngài tu tập, là thiền viện, pha lẫn hai nét duyên. Khá lạ khi tòa kiến trúc chủ yếu bùn đất từ thế kỷ 14, với đợt sửa sang chính cuối cùng vào năm 1820 giờ vẫn sừng sững.

Chiều đã muộn, một mình lang thang trên con đường đẹp tuyệt vời ở Stok chẳng muốn về.

Không hoành tráng và đương nhiên khó thể tinh xảo với bùn đất. Nhưng những khung cửa, từ chính, phụ đến cửa sổ, từ thanh đà, giằng, mặt cửa… được chạm khắc chi tiết, tinh xảo, sơn phết màu đậm, tương phản kiểu Tạng, cùng phối nét tôn dáng trang trọng hoàng cung. Thanh khiết ở các góc được phủ vôi trắng, ấm áp vài nơi vẫn mộc mạc vàng đất. Bình dị, Stok vẫn rất rạng rỡ, nhất là trong đám lá khi vàng lúc xanh.

Ngoài mộc mạc, trong kha khá ngọc ngà vàng bạc vẫn nét đơn sơ. Dễ thấy qua các cổ vật trưng bày và lưu ảnh công chúa, hoàng tử xưa, vật dụng gia đình giản đơn... Tôn thêm giá trị cố cung là 108 bộ kinh Phật Kangyur bằng tiếng Phạn cùng bảo vật tôn giáo khác. Rất ấn tượng và làm giựt mình nhiều người là những pháp khí bí hiểm sáo xương người, chén sọ người… mà tôi đã lê lết, kiếm tìm khá lâu giờ mới thấy.

Trên đồi cao, cố cung Stok mộc mạc đẹp, nhấn nhá bởi khung cửa đậm màu Tạng, được tôn thêm duyên bởi bầu trời thu xanh ngắt.

Chiều muộn, lại lội bộ hơn 7km từ Stok tới chợ Choglamsar tôi mới đón được xe về Leh. Con đường thênh thang hầu như chỉ mình tôi với buổi chiều không gian vàng rực nắng thu và lá thu.

Xa nhau đã lâu lắm rồi, những ngày Sài Gòn chuyển màu vẫn nhớ hoài buổi chiều hạnh phúc lang thang đó.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/dam-tham-ruc-ro-nhung-ngay-thu-stok-164762.html