Đạm Phương nữ sử - người đầu tiên xây dựng quan niệm nữ quyền ở Việt Nam

Đạm Phương nữ sử là nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội luôn 'tiên phong' đi đầu làm gương, can đảm vượt thoát khỏi những lề thói lạc hậu, tinh nhạy nắm bắt những tiến bộ của thế giới và tìm mọi cách 'phổ cập', nâng cao văn hóa cho đồng bào.

Đạm Phương nữ sử (1881-1947) là thứ nữ của Hoằng Hóa Quận vương, con trai thứ 66 của vua Minh Mạng, đồng thời là con dâu cụ Nguyễn Khoa Luận (Viên Giác đại sư), từng làm Bố chánh Thanh Hóa.

Bà là nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội luôn “tiên phong” đi đầu làm gương, can đảm vượt thoát khỏi những lề thói lạc hậu, tinh nhạy nắm bắt những tiến bộ của thế giới và tìm mọi cách “phổ cập”, nâng cao văn hóa cho đồng bào mình.

Những năm giao thời là khoảng thời gian bà hoạt động sôi nổi nhất trên trường văn trận bút, trở thành nữ ký giả có bút lực đáng khâm phục trong nữ giới nước nhà, với việc cộng tác thường xuyên với hàng loạt các báo có tiếng tăm ở cả ba kỳ, như Nam phong, Tiếng dân, Phụ nữ tân văn, thường xuyên viết cho chuyên mục Văn đàn bà trên Hữu thanh, chuyên mục Lời đàn bà trên Trung Bắc tân văn; đồng thời, hoạt động tích cực trong phong trào Nữ công học hội, biên dịch, biên soạn và sáng tác nhiều tác phẩm phục vụ công việc giáo dục nữ giới.

Đạm Phương nữ sử.

Những vấn đề Đạm Phương nữ sử đặt ra là những vấn đề giáo dục thiết thân đối với phụ nữ. Bà giảng giải cho phụ nữ từ việc trong nhà như: nấu ăn, nuôi dạy con cái, quán xuyến gia đình: Bổn phận con gái, Làm sao mà gọi là nội tướng... đến những việc ngoài xã hội: đối nhân xử thế, lập nghiệp lập thân: Bàn về giáo dục con gái, Nên lập học hội chức nghiệp, Chị em ta đã biết ham muốn thực nghiệp...

Bà giúp phụ nữ vừa biết cách làm đẹp, vừa nâng cao đời sống tinh thần như đọc sách báo, văn chương giải trí. Bà cũng là người có tầm nhìn xa, thấy được tính cấp thiết của việc thành lập Nữ công học hội, tờ báo quốc văn, cơ sở thơ xã cho phụ nữ (Mấy lời hoan nghênh về việc sáng lập Phụ nữ tùng san, Đọc báo xem tiểu thuyết cũng là một thú tiêu khiển có ích...).

Những sáng tác văn chương của Đạm Phương nữ sử lồng ghép rất khéo những tư tưởng về vấn đề nữ học của bà, giúp mở rộng nhãn quan của phụ nữ bấy giờ về việc tự do kết hôn, giáo dục gia đình.

Trong khi một số thức giả đương thời quan tâm đến vấn đề nữ học, chủ trương giáo dục học đường cho nữ giới, Đạm Phương đã đề xuất được quan điểm nữ học có thể nói là rất mới mẻ, được biện luận với chủ kiến rõ ràng: sự giáo dục trong gia đình mà bà gọi là “gia đình giáo dục”.

Bởi với bà, tâm tính là cái thứ nhất, là cái nền tảng, học thức là cái bổ trợ vào đó, làm cho sự giáo dục phụ nữ được trở nên hoàn toàn (Gia đình giáo dục cần phải luyện tập tâm tính trước, Người đàn bà là chủ gia đình).

Bên cạnh đó, với việc thành lập Nữ công học hội, Đạm Phương đã chủ trương hoạt động của hội đáp ứng được cả hai cách để thực hiện sự học: một là qua đường sách vở; hai là qua đường thực nghiệm, và đặc biệt chú trọng vào con đường thứ hai (Lễ khánh thành Học hội nữ công ở Huế, Hội nữ công có đặt tằm, Ở Huế sắp có hội nuôi trẻ con...).

Nhà nghiên cứu Bùi Trân Phượng đã đánh giá Đạm Phương nữ sử là nhà hoạt động nữ quyền đầu tiên xây dựng quan niệm nữ quyền của mình một cách có hệ thống và có tính tư tưởng: “Trong chủ nghĩa nữ quyền chánh trị xã hội... người đã để lại số lượng sách báo đồ sộ và những hoạt động thực tiễn không kém ấn tượng là Đạm Phương nữ sử, nhà giáo dục có tính cách tân đáng kinh ngạc; tôi nhận diện ở bà một nhà hoạt động nữ quyền ôn nhu, trầm tĩnh nhưng tâm huyết và quyết đoán trong sứ mạng khai trí của mình.

Là mẹ và là bà của hơn một thế hệ thanh niên trí thức nam và nữ, tất cả đều được bà cho học lấy một nghề để mưu sinh, sống tự lập hay đã dấn thân hoạt động cách mạng, suốt đời bà chuyên tâm đào tạo và tổ chức đào tạo nhiều nhà giáo dục nữ khác, chia sẻ với họ tri thức, năng lực giáo dục và niềm tin rằng "giáo dục không phải là một công trình trói buộc người ta. Giáo dục là một công trình bồi bổ để nảy nở tất cả những năng lực cao quý trong một người".

Vào lúc 18h, ngày 28/2/2018 tại Trung tâm văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội sẽ diễn ra buổi tọa đàm xoay quanh cuốn sách “Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta”.

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, TS Bùi Trân Phượng - nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa và lịch sử phụ nữ Việt Nam, nhà nghiên cứu văn học Đoàn Ánh Dương.

Nguồn VOV: http://nguoiduatin.vn/dam-phuong-nu-su-nha-hoat-dong-nu-quyen-a360345.html