Đạm Phú Mỹ: Kết quả kinh doanh 9 tháng kém khả quan

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) công bố mức doanh thu 9 tháng đầu năm 2016 đạt 6,32 nghìn tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ.

Mặc dù giá khí đầu vào giảm, nhưng giá bán giảm và sản lượng tiêu thụ gần như không đổi, nên lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ là 989,5 tỷ đồng, giảm 16% so với 9 tháng đầu năm 2015.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, DPM đã bán được khoảng 627.000 tấn đạm tự sản xuất, tương đương mức tiêu thụ 628.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2015 với giá bán bình quân giảm 17,5% so với cùng kỳ. Mặt bằng giá đạm ure thế giới yếu cộng với tình trạng dư cung trong nước và sự suy giảm về cầu do hạn hán nghiêm trọng tại Đồng bằng Sông Cửu Long đều là các yếu tố tác động giảm mạnh giá bán bình quân của DPM.

DPM đã trình kế hoạch chiến lược dài hạn đến năm 2020 tập trung vào sản xuất NPK, trong khi công suất sản xuất đạm ure sẽ không đổi. Quá trình xây dựng mở rộng nhà máy NH3 và nhà máy NPK đã bắt đầu trong 6 tháng cuối năm 2015 và sẽ hoàn tất trong năm quý 4/2017. Tổng chi phí cho dự án NH3 –NPK ước tính là 237 triệu USD. DPM dự kiến nhà máy sẽ tạo doanh thu khoảng 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 600-700 tỷ đồng/năm.

Nhà máy Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình, trực thuộc Vinachem đã ghi nhận lỗ trong những năm qua do chi phí sản xuất cao. Vinachem đã đề xuất Chính phủ ban hành các quy định như thuế chống bán phá giá, phân loại ure vào danh mục sản phẩm giảm thuế VAT đầu vào, điều này giúp DPM hưởng lợi cùng với các nhà sản xuất phân bón khác trong nước khi giúp bảo vệ khỏi sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.

Hiền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dam-phu-my-ket-qua-kinh-doanh-9-thang-kem-kha-quan-post212403.info