Đàm phán về Syria: Chưa có tín hiệu lạc quan

GD&TĐ - Cuộc đàm phán về số phận của Syria tại Lausanne được nối lại từ hôm thứ Bảy (15/10).

Các Ngoại trưởng Nga, Mỹ và 7 nước lớn trong khu vực đã ngồi lại với nhau sau những đổ vỡ đáng tiếc, tuy nhiên, cuộc họp kết thúc mà không đưa ra được bất cứ tuyên bố chung nào.

Đàm phán căng thẳng

Trước khi cuộc đàm phán chung tại Lausanne diễn ra, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng nhiệm Mỹ John Kerry đã ngồi vào bàn đàm phán theo kiểu “mặt đối mặt”. Đây là cuộc đàm đạo đầu tiên giữa hai Ngoại trưởng kể từ khi Washington tuyên bố “đóng băng” quan hệ với Nga về Syria.

Cuộc trò chuyện của hai Ngoại trưởng kéo dài khoảng 40 phút và được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby mô tả là hết sức khẩn trương. Sau đó đã diễn ra cuộc thảo luận về tình hình xung quanh Aleppo với sự tham gia của Sergei Lavrov, John Kerry và các Bộ trưởng Ngoại giao của các nước có liên quan trực tiếp đến sự kiện Syria - Iran, Qatar, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iraq và Jordan. Ngoài ra, cuộc đàm phán tại Lausanne cũng có sự hiện diện của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura.

“Tôi cho rằng, một số ý tưởng đã được thảo luận trong vòng đàm phán này bởi đại diện cho các nước có thể ảnh hưởng đến tình hình” - Sau cuộc hội đàm ở Lausanne (Thụy Sĩ), ông Lavrov cho biết. “Chúng tôi nhất trí tiếp tục liên lạc với nhau trong những ngày tới, dựa trên một số thỏa thuận có khả năng thúc đẩy việc giải quyết tình hình” - Sergei Lavrov cho biết thêm. Đây là những ý tưởng đã được đề xuất bởi các Bộ trưởng của khu vực. Nên nhớ rằng, trong bối cảnh leo thang chiến sự xung quanh Aleppo, vòng tiếp theo của cuộc đàm phán về Syria được thiết lập vào cuối mùa hè đã không diễn ra.

Ngoại trưởng Mỹ nói với các phóng viên rằng các đại biểu tham dự cuộc họp ở Lausanne đã đạt được sự đồng thuận trong một số vấn đề có thể dẫn đến một lệnh ngừng bắn, nhưng thừa nhận có những giây phút căng thẳng. “Tôi khắc họa nó như là một ví dụ về những khát khao - Reuters trích lời John Kerry. Đó là một cuộc đấu trí, và lần đầu tiên được thảo luận rất thẳng thắn” - John Kery khẳng định. Theo ông, các cuộc đàm phán như vậy có thể mang lại nhiều kết quả hơn trong việc giải quyết xung đột ở Syria.

Tại sao đàm phán không có kết quả?

Vào thời điểm hiện tại, khi các nước đóng vai trò chính trong cuộc xung đột Syria cáo buộc lẫn nhau, đổ lỗi cho nhau, các Bộ trưởng Ngoại giao (ngoài Nga và Mỹ, như đại diện Ả-rập Xê-út, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Iraq, Jordan, Ai Cập) cùng ngồi vào bàn đàm phán là một tín hiệu tốt lành. So với mấy tuần trước, khi Mỹ tuyên bố rằng các cuộc đàm phán về Syria bị đình chỉ do sự khác biệt ngày càng tăng với Moskva thì đây là tin vui.

Tuy nhiên, kết quả chính của cuộc hội đàm tại Lausanne chỉ là một thỏa thuận rằng trong những ngày tới sẽ tiếp tục thảo luận để đưa ra “những ý tưởng thú vị”.

Theo Boris Dolgov (Viện Phương Đông, Nga), nguyên nhân lớn nhất khiến cuộc đàm phán không có kết quả chính là quan điểm khác nhau giữa Nga và Mỹ. Washington muốn duy trì lệnh ngừng bắn để bảo vệ các nhóm Hồi giáo vũ trang đang chống lại Tổng thống Syria Bashar Assad với mục đích duy nhất - lật đổ Bashar Assad. Trong khi đó, Moskva không ủng hộ đích danh ông Bashar Assad mà ngăn chặn chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan - mối đe dọa đối với sự tồn vong của chính phủ Syria. Bảo vệ Syria như một quốc gia đồng minh thân cận là nghĩa vụ và trách nhiệm của Moskva.

Chừng nào Nga và Mỹ chưa tìm được “tiếng nói chung” trong việc giải quyết xung đột ở Syria, cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn. Nói như thế để thấy việc giải quyết vấn đề Syria không ở chiến trường Syria mà ở ngay trên bàn đàm phán giữa Nga và Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà ngay trước thềm cuộc đàm phán, các nhà phân tích cho rằng không có kết quả mong đợi. Cuộc đàm phán vẫn tiếp tục, dĩ nhiên là như vậy. Tuy nhiên, bao giờ nó mới đạt được kết quả như mong muốn của các bên thì đó còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Khi các bên vẫn khăng khăng giữ quan điểm có lợi cho mình thì mọi cuộc đàm phán chỉ đi vào ngõ cụt.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/dam-phan-ve-syria-chua-co-tin-hieu-lac-quan-2439419-b.html