Đàm phán Trung - Mỹ có tiến triển

Mỹ và Trung Quốc tiếp tục kéo dài đàm phán sang ngày 9-1 giữa lúc hai bên đã đạt được một số tiến triển liên quan đến việc Trung Quốc cam kết tăng mua hàng hóa nông nghiệp của Mỹ.

Phó Đại diện Thương mại Mỹ, Jeffrey Gerrish (giữa), người đứng đầu phái đoàn đàm phán Mỹ rời một khách sạn ở Bắc Kinh để đến dự cuộc đàm phán với phía Trung Quốc hôm 8-1. Ảnh: AFP

Đàm phán tiến triển tốt

Hãng tin Reuters cho biết theo kế hoạch ban đầu, cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tại Bắc Kinh do Phó Đại diện Thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Thụ Văn dẫn đầu sẽ kéo dài trong hai ngày 7 và 8-1. Theo giới phân tích, cuộc đàm phán kéo sang ngày thứ ba cho thấy hai nước quyết tâm thu hẹp các bất đồng thương mại.

Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter hôm 8-1: “Các cuộc thảo luận với Trung Quốc đang tiến triển rất tốt!”.
Steven Winberg, trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, cũng xác nhận với các phóng viên tại Bắc Kinh rằng cuộc đàm phán đã diễn ra rất suôn sẻ. Ông nói: “Tôi xác nhận rằng chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày mai (9-1)”.

Người phát ngôn của Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ cho biết các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong ngày 9-1 và sau đó, có khả năng hai bên sẽ ra một tuyên bố.

Một nguồn tin nắm rõ nội dung cuộc đàm phán nói: “Nhìn chung, cuộc đàm phán diễn ra trên tinh thần xây dựng. Chúng tôi cảm nhận rằng có sự tiến triển tốt ở khía cạnh Trung Quốc tăng mua hàng hóa Mỹ”.

Trong một động thái thiện chí, hôm 9-1, Trung Quốc đồng ý nhập khẩu 5 loại cây trồng biến đổi gen của Mỹ bao gồm ngô và đậu nành, mở đường cho các công ty Mỹ bán hạt giống của những loại cây trồng này sang Trung Quốc.

Hôm trước đó, các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng đặt mua thêm đậu nành Mỹ và đây là đợt đặt mua đậu nành lần thứ ba trong vòng một tháng qua. Tháng trước, Trung Quốc đồng ý tạm ngưng áp thuế trả đũa nhằm vào ô tô Mỹ trong vòng 3 tháng.

Cuộc đàm phán Mỹ - Trung trong tuần này là đợt đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí đình chiến thương mại trong 90 ngày trong cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung ở Argentina hồi tháng 12 năm ngoái. Nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện vào thời hạn chót 2-3-2019, ông Trump cho biết sẽ tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% trên 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.

Vẫn còn chia rẽ

Các nguồn tin nắm rõ diễn tiến cuộc đàm phán cho biết Washington và Bắc Kinh vẫn chưa thống nhất được về các cải cách cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi hỏi để ngăn chặn tình trạng ăn cắp tài sản trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ cũng như cách bảo đảm thực hiện các cam kết nhượng bộ trong các vấn đề này.

Nội bộ chính quyền Tổng thống Trump cũng đang chia rẽ về mức độ thúc ép Trung Quốc mua thêm hàng hóa nông nghiệp và năng lượng của Mỹ cũng như các dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng và môi giới nhằm giảm mức thâm hụt thương mại khổng lồ với nước này. Trước đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin từng đề cập đến thông tin Trung Quốc cam kết mua 1.200 tỉ đô la hàng hóa và dịch vụ của Mỹ nhưng ông không nói rõ khung thời gian mua.

Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói ông sẽ tập trung thúc ép Trung Quốc cam kết giải quyết các vấn đề cấu trúc, chẳng hạn như yêu cầu Trung Quốc chấm dứt trợ cấp cho các công ty trong nước, ngưng cưỡng ép chuyển giao công nghệ và tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ.

Ông đang cân nhắc nhiều phương án để bảo đảm Bắc Kinh giữ lời hứa, chẳng hạn chỉ đồng ý loại bỏ mức thuế nhập khẩu 10% trên 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nếu nước này thực hiện các cam kết. Một phương án khác nữa là Mỹ sẽ tạm ngưng áp thuế đối với một số mặt hàng Trung Quốc nhưng bảo lưu quyền tái áp đặt nếu không tuân thủ các cam kết.

Trung Quốc đã bắn tín hiệu nhượng bộ khi hồi cuối tháng 12 năm ngoái, nước này giới thiệu dự luật đầu tư nước ngoài mới với trọng tâm là bảo đảm các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng sự đối xử công bằng ở nước này. Dự luật yêu cầu các chính quyền địa phương không được đặt vấn đề chuyển giao công nghệ như là một điều kiện cho các công ty nước ngoài.

Ông Michael Wessel, thành viên của Ủy ban Đánh giá An ninh và kinh tế Mỹ - Trung, cho rằng một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung chỉ được xem là thành công nếu bao gồm các cam kết cụ thể của Trung Quốc và các cơ chế tự động thực thi các cam kết một cách hiệu quả.

Đón nhận những thông tin lạc quan về cuộc đàm phán Mỹ - Trung, thị trường chứng khoán Mỹ và giá dầu quốc tế đều tăng điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9-1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 256,1 điểm lên mức 23.787,45 điểm, đánh dấu đà tăng điểm ba ngày liên tiếp lần đầu tiên kể từ cuối tháng 11. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite của thị trường chứng khoán Mỹ lần lượt tăng 0,97% và 1,1%.

Trong khi đó, giá dầu Tây Texas ở thị trường New York tăng 2,6% lên mức 49,78 đô la/thùng, còn giá dầu Brent tại thị trường London tăng 2,4% đạt mức 58,72 đô la/thùng.

Theo WSJ, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283992/dam-phan-trung--my-co-tien-trien-.html