Đàm phán Trung - Ấn vòng ba thất bại, hai bên tăng cường lực lượng ở biên giới

Cuộc đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn Trung - Ấn ngày 30/6 không đạt bất cứ thỏa thuận gì. Hai bên tiếp tục đưa thêm quân và vũ khí trang bị hiện đại ra biên giới, gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang.

Cuộc đàm phán vòng 3 cấp quân đoàn Trung - Ấn thất bại, hai bên đều tăng cường lực lượng ra biên giới, căng thẳng tiếp tục gia tăng (Ảnh: Đa Chiều).

Cuộc đàm phán vòng 3 cấp quân đoàn Trung - Ấn thất bại, hai bên đều tăng cường lực lượng ra biên giới, căng thẳng tiếp tục gia tăng (Ảnh: Đa Chiều).

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 1/7 dẫn truyền thông Ấn Độ cho biết, phía Trung Quốc thờ ơ với yêu cầu của Ấn Độ về việc rút quân khỏi nhiều địa điểm và tỏ rõ ý định “Tây tiến” xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ.

Theo India Today ngày 1/7, cuộc đàm phán lần thứ ba giữa các chỉ huy cấp quân đoàn Trung Quốc và Ấn Độ vào ngày 30/6 đã kéo dài suốt hơn 12 giờ, hai bên không đạt được tiến triển gì trong việc thỏa thuận việc lui quân để tránh đối đầu.

Vòng đàm phán lần này được tổ chức tại Chusul, bên phía Ấn Độ của Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) ở khu vực phía đông Lacakh. Trung tướng Harinder Singh, Tư lệnh Quân đoàn 14 Ấn Độ và Thiếu tướng Liễu Lâm, Tư lệnh Quân khu Nam Cương tham dự đàm phán.

Theo các nguồn tin, phái đoàn Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại về "Yêu sách đường phân tuyến mới" của Trung Quốc nêu lên tại cuộc họp, yêu cầu phía Trung Quốc khôi phục hiện trạng và rút quân ngay lập tức khỏi Thung lũng Galwan, hồ Pangong và các khu vực khác.

Ấn Độ đưa thêm 3 sư đoàn tới bố trí ở khu vực Ladakh để đối phó với Trung Quốc và Pakistan (Ảnh: Reuters)

Nguồn tin nói, trong cuộc đàm phán, phía Trung Quốc tỏ ra thờ ơ với các yêu cầu của Ấn Độ. Rõ ràng, PLA đã quyết định tập trung nhấn mạnh không khoan nhượng vào điểm "Finger-4" ở khu vực hồ Pangong và quyết không rút quân.

India Today nói rằng PLA cho thấy ý định tiếp tục tiến “Tây tiến” vào lãnh thổ Ấn Độ, nhưng đã bị ngăn chặn bởi việc triển khai lực lượng quy mô lớn của Ấn Độ trong khu vực. Mặt khác, Trung Quốc cũng từ chối rút khỏi Thung lũng Galwan, nơi hai bên đã có một cuộc xung đột gây chết người vào ngày 15/6.

Theo Times of India ngày 1/7, các nguồn tin cho biết Trung Quốc không chỉ từ chối giảm quy mô triển khai quân sự mà còn tiếp tục tập kết quân tại thêm nhiều địa điểm dọc theo Tuyến kiểm soát thực tế LAC (biên giới tạm thời) dài 3.488 km giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Các hoạt động của PLA ở đoạn khu vực Sikkim trên biên giới Trung-Ấn và Arunachal Pradesh do Ấn Độ kiểm soát (Trung Quốc gọi là Tạng Nam) đang ngày càng tấp nập.

Ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Trung Quốc viết chữ "Trung Quốc" và làm hình bản đồ Trung Quốc cỡ lớn trên vùng đất ven hồ Pangong mà Ấn Độ cho là của mình (Ảnh: Đa Chiều).

Theo các nguồn tin, Trung Quốc và Ấn Độ đã không đạt được tiến bộ thực sự nào qua các cuộc đàm phán thoát ly tiếp xúc giữa các lực lượng vũ trang hai bên tại các khu vực xảy ra tình trạng đối đầu. PLA chỉ mới di chuyển hơn một chục xe quân sự; thay vào đó, PLA tiếp tục củng cố các vị trí của mình.

Theo Đài truyền hình Ấn Độ New Delhi (NDTV) ngày 29/6, quân đội Trung Quốc đã chiếm giữ các điểm cao ở khu vực hồ Pangong, tiếp tục cản trở các đội tuần tra của Ấn Độ ở phía đông Ladakh.

NDTV nói, sau cuộc đàm phán cấp quân đoàn lần thứ hai giữa Trung Quốc và Ấn Độ được tổ chức tại Moldo vào ngày 22/6, quân đội Trung Quốc đã tăng cường tập kết thêm quân đến hồ Pangong.

Phía Ấn Độ qua phân tích hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao nói rằng trong giai đoạn này, các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc gần khu vực Finger-4 đã tăng thêm nhiều. Ảnh chụp vào ngày 26/6 cho thấy có thêm nhiều lều, thiết bị ngụy trang và xe cộ gần hồ Pangong. Một đặc điểm của việc Trung Quốc thiết lập các cơ sở quân sự tại các khu vực núi cao là họ viết các ký tự Trung Quốc và bản đồ Trung Quốc kích thước lớn bên cạnh các doanh trại quân đội.

Ảnh vệ tinh chụp ngày 22/6 cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng công sự ở khu vực tranh chấp trong Thung lũng Galwan (Ảnh: Đa Chiều).

Theo báo cáo, quân đội Trung Quốc cũng đã xây dựng thêm nhiều chiến hào xung quanh các căn lều và giữa các điểm " Finger-4 " và " Finger-5" ven hồ Pangong. NDTV nói, so sánh các hình ảnh vệ tinh chụp vào các ngày 12/6 và 26/6, có thể thấy rằng Trung Quốc có nhiều căn lều lớn, có thể được sử dụng làm sở chỉ huy của PLA.

Trong khi Ấn Độ tuyên bố đàm phán thất bại, Trung Quốc đã không lên tiếng gì về cuộc đàm phán cấp quân đoàn lần thứ ba giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Trả lời về cuộc xung đột Trung-Ấn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói tại một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 24/6 rằng trách nhiệm đối với cuộc xung đột Trung-Ấn hoàn toàn không phải thuộc về Trung Quốc; mà là lính biên phòng Ấn Độ vượt qua LAC trước, vi phạm nhận thức chung giữa hai bên và khiêu khích trước.

Ông Triệu Lập Kiên chỉ ra rằng từ ngày 22 đến 23/6, Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán cấp quân đoàn thứ hai và đồng ý thực hiện các biện pháp cần thiết để hạ nhiệt tình hình và cùng nhau thúc đẩy hòa bình và an ninh ở khu vực biên giới. Phía Trung Quốc hy vọng rằng phía Ấn Độ sẽ tuân thủ chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc sự đồng thuận nói trên, đi cùng hướng với Trung Quốc và bằng các hành động thiết thực khôi phục hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới.

Máy bay tiếp dầu trên không IL-78 của Trung Quốc tại sân bay Skardu ở Kashmir do Pakistan kiểm soát (Ảnh: Đông Phương).

Đã có các dấu hiệu cho thấy sự phối hợp giữa Trung Quốc và Pakistan để đối phó Ấn Độ. Tờ India Today ngày 30/6 dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Pakistan đã đưa thêm gần 20.000 binh sĩ tới khu vực phía bắc Ladakh để phối hợp với việc triển khai của Trung Quốc.

Nguồn tin cũng chỉ ra rằng Trung Quốc cũng đứng sau hậu trường để thúc đẩy Cục Tình báo quân sự Pakistan (ISI) xúc tiến kế hoạch sử dụng gần một trăm phần tử khủng bố hoạt động phá hoại nội bộ và gây rối Ấn Độ ở khu vực Kashmir Ấn Độ kiểm soát. Nguồn tin này nói Pakistan đang hợp tác với Trung Quốc trong kế hoạch giáp công hai phía với Ấn Độ, vì vậy Lục quân đội Ấn Độ và các đơn vị tình báo đang tổ chức một loạt các cuộc họp để thảo luận về cách đối phó với nguy cơ sắp diễn ra.

Trang tin Đông Phương Hồng Kông ngày 1/7 dẫn tin truyền thông Ấn Độ tiết lộ rằng trinh sát hàng không Ấn Độ đã phát hiện 1 máy bay tiếp dầu trên không Il-78 của Không quân Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay Skardu ở Kashmir do Pakistan kiểm soát vào cuối tuần trước. Phía Ấn Độ lo ngại rằng Pakistan đã cho Không quân Trung Quốc mượn sân bay ở địa phương khi căng thẳng giữa biên giới Trung-Ấn tăng lên.

Trung Quốc đưa thêm nhiều quân đến đóng trong Thung lũng Galwan đang tranh chấp (Ảnh: Reuters).

Quân đội Ấn Độ cho biết kể từ khi phát hiện máy bay Trung Quốc, họ đã theo dõi chặt chẽ sân bay Skardu. Không quân Ấn Độ đã ở trong tình trạng báo động cao độ vài tuần qua và Không quân Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh triển khai.

Theo phân tích, nếu các máy bay chiến đấu của Không quân Trung Quốc cất cánh từ các căn cứ ở Tây Tạng và Tân Cương, chúng phải bay qua cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng và dãy Hymalaya trước khi có thể đến được biên giới Trung-Ấn; điều này sẽ làm giảm hiệu quả của các máy bay chiến đấu. Do đó, Trung Quốc có thể mượn các căn cứ không quân ở Kashmir thuộc Pakistan. Năm ngoái, các máy bay chiến đấu của Không quân Pakistan đóng tại Skardu đã bay tới Hotan, Tân Cương để tổ chức các cuộc tập trận chung với Không quân Trung Quốc.

Hindustan Times ngày 30/6 đưa tin, để đáp trả Trung Quốc và Pakistan tăng quân tại Ladakh, quân đội Ấn Độ đã đưa thêm 3 sư đoàn và một số xe tăng, cùng nhiều bộ binh cơ giới và pháo binh đến vùng Ladakh. Nhiều binh sĩ đã được triển khai tới Ladakh bằng đường bộ và đường hàng không, bao gồm các máy bay vận tải hạng nặng để đưa các binh sĩ, xe tăng và các thiết bị khác từ Chandigarh đến thành phố Leh, thủ phủ của Ladakh.

Trang tin Đông Phương ngày 1/7 dẫn nguồn truyền thông Ấn Độ nói quân đội Ấn đã đưa 6 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 được trang bị tên lửa và các hệ thống tên lửa chống tăng vác vai đến bố trí tại tiền tuyến ở khu vực Thung lũng Galwan và cho biết "Ấn Độ đã chuẩn bị đầy đủ cho tình huống tồi tệ nhất". Tuy nhiên, ông Doval, Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ cho biết, miễn là hai bên không nổ súng ở khu vực biên giới, tình hình sẽ không leo thang.

Trung Quốc đã triển khai xe tăng hiện đại T-90 tới thung lũng Galwan (Ảnh: Đông Phương).

Ông Doval nói việc bố trí này để thể hiện lập trường cứng rắn trong thời gian diễn ra đàm phán và tỏ rõ quyết tâm giải quyết cục diện đối đầu. Ông nói, các hiệp định biên giới hiện có giữa Trung Quốc và Ấn Độ đều đảm bảo rằng sau một cuộc đối đầu, sẽ không tiếp tục leo thang thành chiến tranh. Vì vậy, trong mọi trường hợp, hai bên sẽ cố gắng đảm bảo rằng không có nổ súng; nhấn mạnh biên giới Trung-Ấn và Ấn Độ-Pakistan có sự khác biệt cơ bản.

Trang tin Đa Chiều ngày cũng 1/7 đưa tin, Hải quân Ấn Độ đang đưa thêm hàng chục tàu được trang bị thiết bị giám sát tối tân, công suất lớn và trọng tải lớn hơn tới Ladakh để có thể tuần tra trên hồ Pangong, đương đầu với hạm đội tàu Type 928 B hạng nặng của Trung Quốc trên hồ.

Phía Ấn Độ đã quyết định trong tuần này sẽ vận chuyển các tàu thép đến khu vực hồ Pangong. Hải quân yêu cầu được ưu tiên vận chuyển các tàu này đến Leh bằng máy bay vận tải hạng nặng C-17. Động thái này nhằm cho thấy Ấn Độ có ý định kiên quyết chống lại mọi hành động khiêu khích của Trung Quốc. Mặc dù có một số vấn đề hậu cần khi vận chuyển các tàu thủy trên máy bay, nhưng Hải quân và Lục quân Ấn Độ đang đề ra các giải pháp.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/dam-phan-trung-an-vong-ba-that-bai-hai-ben-tang-cuong-luc-luong-o-bien-gioi-486892.html