Đàm phán TPP có nhiều triển vọng tại Tuần lễ Cấp cao APEC?

Sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mọi chú ý đều đổ dồn về 11 quốc gia còn lại. Trong tuần này, phiên đàm phán TPP sẽ diễn ra bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Chiều tối 7/11, tại Trung tâm báo chí quốc tế Đà Nẵng (IMC), Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Toshihide ANDO đã tổ chức họp báo thông tin về cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.

Theo đó, đại diện Nhật Bản cho biết, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono mong muốn đạt được đồng thuận về mặt nguyên tắc tại cuộc họp TPP sắp tới.

Nhật Bản là quốc gia rất tích cực trong quá trình đàm phán TPP, và theo Phó Phát ngôn viên Toshihide ANDO, Tokyo không thay đổi quan điểm về TPP. “Đây là lý do vì sao chúng tôi đang làm việc để thúc đẩy TPP, tiếp tục đàm phán về TPP trong tuần này”, ông ANDO khẳng định.

Ông Toshihide ANDO, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam hoan nghênh sự đóng góp của Nhật Bản cho TPP và sẽ tiếp tục hợp tác với Nhật Bản.

Trước đó, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã xác nhận trưởng đoàn tham dự phiên đàm phán TPP của Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. Hiện các trưởng đoàn vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Cũng trong ngày 7/11, tại buổi họp báo tổng kết CSOM trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017, nhận định: “Việc tham gia TPP là thể hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa quan hệ, đa dạng hóa thị trường, cũng là một ưu tiên của Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ phối hợp tích cực với các nền kinh tế khác để thu hẹp các khoảng cách, tạo ra cân bằng lợi ích cao nhất sau khi Mỹ rút khỏi TPP. Chuyện Hoa Kỳ quay trở lại như thế nào, vẫn còn bỏ ngỏ”.

Theo kênh Radio NZ, tân Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm 6/11 nhận định làm việc về TPP sẽ là ưu tiên khi bà tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng vào ngày 10 và 11/11. Theo bà Ardern, New Zealand đồng ý chỉnh sửa luật cấm người nước ngoài mua nhà hiện có để ngăn tình trạng đầu cơ khiến giá nhà tăng cao.

Tại hội nghị thúc đẩy đàm phán TPP tổ chức ở Nhật hồi tháng 10 vừa qua, 11 thành viên còn lại của TPP đã bàn về việc giảm bớt một số quy định của TPP "gốc". Ngay sau hội nghị, trưởng đoàn đàm phán TPP Nhật Bản, ông Kuzuyoshi Umemoto, nhận định: “Khả năng tiến tới một hiệp định tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Đà Nẵng đã tăng lên đáng kể dù vẫn chưa có gì chắc chắn”.

Theo ông Umemoto, TPP-11 có hiệu lực không chỉ đem lại cho chúng ta một hệ thống thương mại mở và tự do xuyên Thái Bình Dương mà còn là thông điệp mạnh nhắn gửi Mỹ quay lại với hiệp định.

Theo tờ The Australian, đây cũng là mong muốn của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier cuối tuần trước, Thủ tướng Australia nhấn mạnh duy trì sự năng động của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là một nhiệm vụ sống còn và bảo đảm hiệu lực của TPP là trung tâm của nhiệm vụ đó.

“Nếu chúng ta đạt được TPP-11, thỏa thuận đó cần bảo đảm đường quay lại cho Mỹ. Mục tiêu của chúng ta là tạo ra một cơ chế mở cho phép bất cứ nước nào, kể cả Trung Quốc, tham gia miễn họ đáp ứng những tiêu chuẩn cao của hiệp định”, ông Malcolm Turnbull nhấn mạnh.

Sau khi Tổng thống Donald Trump ký quyết định đưa Hoa Kỳ ra khỏi TPP hồi tháng 1 ngay khi mới nhậm chức, 11 quốc gia còn lại gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, vẫn tích cực thúc đẩy hoàn thành tiến trình đàm phán hiệp định này.

Tuệ Minh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dam-phan-tpp-co-nhieu-trien-vong-tai-tuan-le-cap-cao-apec-post243824.info