Đàm phán thương mại Mỹ - Trung và bước ngoặt tại Chile

Đại diện Mỹ-Trung sẽ tiếp tục các cuộc điện đàm trong tuần này cũng như tuần tới và xúc tiến gặp mặt để chuẩn bị cho việc ký kết thỏa thuận tại APEC ở Chile vào tháng 11 tới.

Nhiều tín hiệu cho thấy Mỹ - Trung sẽ ký kết thỏa thuận thương mại tại Chile trong tháng 11 tới

Nhiều tín hiệu cho thấy Mỹ - Trung sẽ ký kết thỏa thuận thương mại tại Chile trong tháng 11 tới

Theo đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Robert Lighthizer đang lên kế hoạch điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào tuần tới trong khi các quan chức cấp phó vẫn đang tiếp tục các cuộc thảo luận trong tuần này.

Sau đó, hai bên sẽ xúc tiến gặp mặt để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh APEC ở Chile vào giữa tháng 11, nơi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận bằng văn bản. Bộ trưởng Tài chính Mnuchin kỳ vọng có thể gặp Phó Thủ tướng Lưu Hạc ở Chile trước khi lãnh đạo hai nước gặp nhau để hoàn tất thỏa thuận.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mnuchin cũng cảnh báo, một vòng áp thuế bổ sung mới đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được triển khai nếu vào thời điểm đó Washington không đạt được một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh, song nhấn mạnh kỳ vọng của ông về sự thành công của thỏa thuận.

Trong khi đó, Trung Quốc muốn tiến hành thêm các cuộc đàm phán ngay cuối tháng 10 này để đưa ra chi tiết về thỏa thuận "giai đoạn 1" do Tổng thống Mỹ Donald Trump phác thảo trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí ký văn bản này.

Dự kiến, Bắc Kinh có thể cử một đoàn do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu tham gia đàm phán để hoàn tất một thỏa thuận bằng văn bản, trong đó đề nghị Tổng thống Trump loại bỏ việc tăng thuế dự kiến vào tháng 12 bên cạnh kế hoạch tăng thuế dự kiến trong tuần này.

Hiện nay, gần như một thỏa thuận tạm thời chắc chắn sẽ được ký kết giữa hai quốc gia tại Chile. Nếu chính quyền Mỹ quyết định lùi một bước trong việc xóa bỏ các đợt áp thuế trong thời gian sắp tới, hai bên sẽ chấm dứt giai "đoạn 1" của cuộc chiến thương mại để mở ra giai đoạn mới với các bước tiến đột phá hơn.

Nhận định về vấn đề này, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra thận trọng. Theo đánh giá được đăng tải trên Tân Hoa Xã cho biết, cả hai nước đã đối thoại một cách thành thật, hiệu quả và trên tinh thần xây dựng về các hồ sơ kinh tế và thương mại. Điều này đã dẫn đến những tiến bộ quan trọng về nông nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ, tỷ giá hối đoái, dịch vụ tài chính, mở rộng hợp tác thương mại, chuyển giao công nghệ và những xung khắc gây tranh cãi.

Bài nhận định tránh sử dụng cụm từ “đạt được một thỏa thuận” và cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn giữa hai bên để có thể kí kết một thỏa thuận có giá trị về mặt thương mại. Đồng quan điểm, Ông Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu American Enterprise Institute, cho rằng thỏa thuận này chỉ đơn thuần là tạm nghỉ tranh chấp giữa hai cường quốc.

"Thỏa thuận một phần này sẽ không giảm bớt đi những sự bất định xung quanh chính sách thương mại vốn đã khiến nhiều công ty Mỹ không dám đầu tư mua sắm thiết bị và mở rộng sản xuất. Đối với các doanh nghiệp, thỏa thuận một phần chỉ có ý nghĩa là ít thiệt hại hơn", ông đánh giá.

Vẫn còn nhiều khả năng cho thấy việc thỏa thuận có thể xảy ra trục trặc khiến hai quốc gia khó có thể ký kết vào tháng 11 tới. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là "bước đệm" nâng cấp chiến tranh thương mại lên một nấc cao hơn.

Chính vì vậy, để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư, chắc chắn vẫn còn một chặng đường dài để đi, đặc biệt khi giai đoạn hai sẽ tập trung việc giải quyết loạt cáo buộc của Mỹ về đánh cắp sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc, những điều hai bên vẫn còn nhiều tranh cãi.

Cẩm Anh

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức cùng cơ hội nhận quà tặng hàng tháng.

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/dam-phan-thuong-mai-my-trung-va-buoc-ngoat-tai-chile-159529.html