Đàm phán thương mại Mỹ-Trung đạt tiến bộ về chuyển giao công nghệ bắt buộc và quyền sở hữu trí tuệ

Ngày 10/1, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được tiến bộ về các vấn đề cấu trúc mạng như chuyển giao công nghệ bắt buộc và quyền sở hữu trí tuệ tại vòng đàm phán thương mại cấp thứ trưởng diễn ra đầu tuần này.

Cuộc đàm phán thương mại giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại Bắc Kinh vừa kết thúc vào hôm thứ 4 (9/1) đánh dấu lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa 2 bên kể từ khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí về thỏa thuận “đình chiến thương mại” trong vòng 90 ngày tại thủ đô Buenos Aires của Argentina vào đầu tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, lịch trình cụ thể của các cuộc đàm phán trực tiếp này không được tiết lộ ngay sau đó. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết phái đoàn Mỹ đang trở về Washington để báo cáo tình hình và nhận lệnh tiến hành các bước tiếp theo.

 Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (đeo kính, ở giữa) cùng các thành viên của phái đoàn chính phủ Mỹ rời khách sạn ở Bắc Kinh hôm thứ 5. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (đeo kính, ở giữa) cùng các thành viên của phái đoàn chính phủ Mỹ rời khách sạn ở Bắc Kinh hôm thứ 5. Ảnh: Reuters.

Ban đầu dự kiến diễn ra 2 ngày, từ 7-8/1, tuy nhiên, thời gian cuộc đàm phán bất ngờ kéo dài sang ngày thứ ba. Điều này cho thấy cả 2 bên thực sự rất nghiêm trọng và thiện chí thảo luận, phát ngôn viên Gao Feng (Cao Phong) của Bộ thương mại Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo.

Khi được hỏi về lập trường của Trung Quốc như thế nào đối với chuyển giao công nghệ bắt buộc, quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào thuế quan và tấn công mạng, và liệu Trung Quốc có tự tin có thể đạt được thỏa thuận với Mỹ hay không, ông Gao Feng cho biết những vấn đề đó là một phần quan trọng của cuộc đàm phán thương mại này.

“Có sự tiến bộ trong các lĩnh vực này”, ông Gao Feng nói.

Mỹ đã đưa ra một danh sách dài các vấn đề còn tồn tại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, yêu cầu Trung Quốc viết lại các điều khoản thương mại, bao gồm việc cải thiện bảo vệ sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, hạn chế trợ cấp công nghiệp, ngừng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ có giá trị cho Trung Quốc cũng như các hàng rào phi thuế quan khác, nhưng cũng ghi nhận các hoạt động thiện chí gần đây của Trung Quốc.

Điều này đã được chứng minh qua thông tin từ USTR ngày 9/1. Theo đó, các quan chức của hai bên đã thảo luận về cách thức để đạt được sự công bằng, lợi ích đôi bên, cân bằng trong quan hệ thương mại, và tập trung vào cam kết của Trung Quốc về hoạt động mua một lượng lớn nông sản, năng lượng, sản xuất và các sản phẩm, dịch vụ khác từ Mỹ.

Trước đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ từ các doanh nghiệp nước này và buộc họ phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng bác bỏ.

Bức ảnh hiếm hoi về cuộc họp giữa hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 7/1, trong đó, Phó Thủ tướng Liu He (Lưu Hạc) bất ngờ xuất hiện (đeo cà vạt đỏ, ở giữa, bên phải). Ảnh: SCMP.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, vòng đàm phán thương mại vừa kết thúc với những thảo luận bao quát, sâu rộng về thương mại và các lĩnh vực chung được hai bên quan tâm, từ đó đặt nền tảng cho việc giải quyết các vấn đề của từng bên. Bộ cũng cho biết thêm, cả hai nước đều đồng ý tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ.

Trong một cuộc họp ngắn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ 2, người phát ngôn Lu Kang (Lục Khảng) thông tin Trung Quốc mong muốn cuộc đàm phán đi đúng hướng, giải quyết các xung đột thương mại trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi.

Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ đã đạt thành công to lớn trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, một ngày sau khi các quan chức 2 bên kết thúc 3 ngày đàm phán tại Bắc Kinh.

Thỏa thuận “đình chiến thương mại” đến nay đã trôi qua gần một nửa thời gian nhưng hai bên vẫn chưa đạt được bất kỳ tiến bộ cụ thể nào.

Ông Gao Feng đã không giải đáp hết những thắc mắc của báo chí về nội dung chi tiết cuộc đàm phán hay Mỹ có đồng ý xóa bỏ kế hoạch thực hiện đợt áp thuế mới cao hơn nhằm vào hàng hóa Trung Quốc trước hạn chót ngày 2/3 không.

Trước đó, Tổng thống Donal Trump tuyên bố sẽ nâng mức thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận nào khi hết thời hạn 3 tháng nói trên và đe dọa sẽ đánh thuế tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu không đáp ứng yêu cầu của Mỹ.

Các quan chức Mỹ từ lâu đã phàn nàn rằng Trung Quốc không thực hiện các lời hứa thương mại. Những cam kết tiếp tục tái nhập khẩu thịt bò Mỹ phải mất hơn một thập kỷ mới thực hiện.

Sau sự kiện này, cuộc họp cấp cao thứ hai giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) được tổ chức ở Davos, Thụy Sĩ vào cuối tháng (từ ngày 22 - 25/1). Tại đây, Phó Chủ tịch Trung Quốc Wang Qishan (Vương Kỳ Sơn), “cánh tay phải” đắc lực của Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Trump.

Thiện chí "dập tắt" chiến tranh thương mại của Trung Quốc

Sau cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 giữa ông Trump và ông Tập ở ở Argentina, Trung Quốc đã nối lại việc mua đậu nành của Mỹ. Việc nhập khẩu đã giảm đáng kể sau khi Trung Quốc áp thuế bổ sung 25% lên hàng nhập khẩu của Mỹ vào ngày 6/7, nhằm đáp trả mức thuế quan mà Mỹ đã ban hành đối với hàng hóa Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đã giảm thuế đánh vào ôtô Mỹ từ 40% xuống còn 15%, quay lại triển khai kế hoạch "Made in China 2025" vào năm 2015 nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc quốc sản xuất tiên tiến trong vòng một thập kỷ ở 10 lĩnh vực mới nổi, trong đó có robot, phương tiện năng lượng sạch và công nghệ sinh học để thúc đẩy chuyên môn quốc gia trong việc nghiên cứu, phát triển trong nước và giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Đầu tuần này, Trung Quốc càng gia tăng sự thiện chí khi tuyên bố sẽ phê duyệt 5 loại cây trồng biến đổi gen (GM) để nhập khẩu. Động thái này có thể thúc đẩy hoạt động nhập khẩu nông sản từ Mỹ, bao gồm ngô và đậu nành được sản xuất bởi DowDuPont và BASF.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/dam-phan-thuong-mai-my-trung-dat-tien-bo-ve-chuyen-giao-cong-nghe-bat-buoc-va-quyen-so-huu-tri-tue-154360.html