Đàm phán thương mại Mỹ - Trung bế tắc khi hai phía đều cứng rắn

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong tình trạng bế tắc, khi Washington yêu cầu những cam kết thay đổi cụ thể trong luật pháp Trung Quốc.

 Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái, phía trước) trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ 2, phải) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) tại Washington DC., ngày 10/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái, phía trước) trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ 2, phải) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) tại Washington DC., ngày 10/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước các yêu cầu của Washington, Bắc Kinh cho hay họ sẽ không nuốt bất kỳ "trái đắng" nào làm tổn hại đến lợi ích của mình.

Trả lời phỏng vấn trên chương trình "Fox News Sunday" ngày 12/5, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng Trung Quốc cần phải chấp nhận các điều khoản thi hành “cứng rắn” để đạt được một thỏa thuận cuối cùng với Mỹ.

Ông cũng đề cập rằng vấn đề nằm ở sự miễn cưỡng của Bắc Kinh trong việc sửa đổi luật đã được thỏa thuận trước đó.

Ngoài ra, Cố vấn Kudlow cho biết các mức thuế quan của Washington sẽ được giữ nguyên khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục.

Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn tỏ ra khá cứng rắn trước sức ép từ Washington. Tờ Nhân dân Nhật Báo ngày 13/5 có đăng bài với nội dung chính khẳng định Trung Quốc sẽ không bao giờ đánh mất đi sự tự tôn của quốc gia và không nên hy vọng rằng nước này sẽ “nuốt trái đắng” gây hại cho lợi ích cốt lõi của họ.

Bài báo cho hay Bắc Kinh rất cởi mở đối với việc đàm phán, nhưng sẽ không lùi bước trong những vấn đề nguyên tắc quan trọng.

Tờ Thời báo Hoàn cầu trong một bài xã luận cùng ngày cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc không có lý do gì để sợ một cuộc chiến thương mại. Tờ này khẳng định một khi bị ép buộc, Trung Quốc “không có gì là không thể chịu đựng được” để bảo vệ chủ quyền và tự tôn cũng như sự phát triển lâu dài của người dân nước này.

Cho đến tuần trước, vẫn có những kỳ vọng rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ ký một thỏa thuận thương mại tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản vào tháng Sáu.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán thương mại đã gặp trở ngại lớn vào tuần trước, khi Trung Quốc muốn xóa các cam kết trước đó rằng luật pháp nước này sẽ được sửa đổi để ban hành các chính sách mới về các vấn đề từ bảo vệ sở hữu trí tuệ đến chuyển giao công nghệ.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người đứng đầu đoàn đàm phán Trung Quốc, đã tìm cách bảo vệ những thay đổi trên trước các quan chức cấp cao của Mỹ trong cuộc họp tại Washington vào thứ Năm và thứ Sáu tuần qua. Ông cho rằng Trung Quốc có thể thực hiện các thay đổi chính sách thông qua các nghị định do Quốc vụ viện ban hành.

Mỹ đã không chấp nhận đề xuất này. Ông Kudlow cho hay Washington muốn thấy những sửa đổi trong thỏa thuận được luật hóa ở Trung Quốc chứ không chỉ là một thông báo của Quốc vụ viện.

Cho đến khi chúng thành sự thực, Nhà Trắng sẽ tiếp tục duy trì việc áp thuế quan. Song, ông Kudlow cho biết “có nhiều khả năng” Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn sẽ có cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng Sáu tới tại Nhật Bản.

Ngày 10/5, Mỹ thông báo chính thức áp đặt mức thuế mới tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, Chính quyền Mỹ cũng tuyên bố sẽ xúc tiến việc áp thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại.

Phản ứng ngay sau quyết định trên, Trung Quốc nói rằng tăng thuế không phải là một giải pháp cho mọi vấn đề và điều này sẽ có hại không chỉ đối với Trung Quốc, Mỹ mà với toàn thế giới. Bắc Kinh cho rằng đoàn Trung Quốc tới Mỹ đàm phán trong bối cảnh hiện nay thể hiện thiện chí rất lớn của Bắc Kinh và mong muốn giải quyết các khác biệt giữa hai bên một cách chân thành, tin cậy và hợp lý.

H.Thủy (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/dam-phan-thuong-mai-my-trung-be-tac-khi-hai-phia-deu-cung-ran/122139.html