Cúm ở phụ nữ mang thai gây nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi

Những người đang mang thai và mới sinh con nhiễm cúm có nhiều khả năng diễn biến bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn so với những người cùng lứa tuổi. Khả năng này được cho là liên quan tới những thay đổi sinh lý trong thai kỳ.

Các triệu chứng khi bị nhiễm cúmbao gồm: sốt (thường là 37,8 đến 40,0°C), nhức đầu, đau cơ, khó thở, ho, chảy nước mũi, đau họng và cảm thấy khó chịu.

Những người đang mang thai khi nhiễm cúm có nhiều khả năng diễn biến bệnh nặng

Những người đang mang thai khi nhiễm cúm có nhiều khả năng diễn biến bệnh nặng

Ảnh hưởng của cúm trên người mang thai và người mẹ mới sinh con

Theo một nghiên cứu tổng quan năm 2009 của đại học y Emory, Atlanta, Mỹ về bệnh cúm A (H1N1) trong thời kỳ mang thai, với 2153 bảng tóm tắt nghiên cứu đã được xem xét và 120 nghiên cứu đã được đưa vào để đánh giá, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận: Phụ nữ mang thai khi nhiễm cúm có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ tử vong và nhập viện cấp cứu; các ca sinh non và mổ lấy thai khẩn cấp đã được báo cáo. Với phụ nữ mang thai có bệnh nền (tiểu đường thai kỳ, bệnh mạn tính…) tỷ lệ này còn tăng cao hơn.

Theo một nghiên cứu khác của khoa y đại học McMaster, Hamilton, ON, Canada về yếu tố nguy cơ diễn biến bệnh nặng khi nhiễm cúm. Trong 234 nghiên cứu với 610.782 người nhiễm cúm đáp ứng tiêu chí nghiên cứu, nhóm phụ nữ sau sinh con dưới 4 tuần có tỷ lệ tử vong tăng cao khi nhiễm cúm.

Ảnh hưởng đến thai nhi

Ảnh hưởng của cúm đến thai nhi chưa được nghiên cứu đầy đủ, sự lây truyền virus cúm qua nhau thai dường như rất hiếm nhưng đã được ghi nhận trong một trường hợp cúm gia cầm (H5N1) gây tử vong ở một phụ nữ mang thai.

Theo một nghiên cứu tại đại học Ulster (Anh Quốc) các nhà khoa học đã chỉ ra rằng: Nhiễm cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ có liên quan đến tăng nguy cơ bất thường bẩm sinh cho thai nhi.

Cũng có những báo cáo liên quan tới việc thai chết lưu, sinh non ở những người mẹ mang thai nhiễm cúm.

Phòng ngừa cúm ở phụ nữ mang thai như thế nào?

Nếu sử dụng vaccine phòng cúm, lợi ích mang lại sẽ là: Giảm tỷ lệ nhiễm cúm, giảm tỷ lệ diễn biến bệnh từ nhẹ sang nặng khi bị nhiễm cúm, giảm nguy cơ với thai nhi, và bảo vệ trẻ sơ sinh: miễn dịch đặc hiệu chống cúm được chuyển tích cực qua nhau thai (khi mang thai) và trong sữa (khi cho con bú).

Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa quan trọng đối với phụ nữ mang thai.

Vaccine phòng cúm

Vaccine phòng cúm có ba loại: loại thứ nhất là vaccine giảm độc lực (còn gọi là vaccine sống), loại thứ hai là vaccine bất hoạt và loại thứ ba là vaccine tái tổ hợp.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) của Hoa Kỳ khuyến cáo: Tất cả phụ nữ dự định mang thai, đang mang thai, sau sinh nên tiêm vaccine bất hoạt hoặc vaccine tái tổ hợp hóa trị 4 trong mùa cúm (kể cả mùa cúm rơi vào 3 tháng đầu của thai kỳ). Phụ nữ đang mang thai không nên tiêm vaccine cúm giảm độc lực (vaccine sống). Phụ nữ mang thai dị ứng với trứng vẫn có thể được tiêm vaccine phòng cúm với những loại đã được cấp phép, khuyến cáo và phù hợp với lứa tuổi. (Các vaccine tái tổ hợp và nuôi cấy tế bào hóa trị bốn không chứa trứng).

Thông thường việc tiêm phòng cúm nên tránh tiêm sớm trước tháng 9 (tháng bắt đầu vào mùa cúm), tuy nhiên với phụ nữ có thai việc tiêm phòng sớm hơn (vào tháng 7 hoặc tháng 8) có thể làm giảm nguy cơ mắc cúm đối với trẻ sơ sinh.

Lưu ý: vaccine phòng cúm ở Việt Nam chủ yếu là vaccine bất hoạt.

Mới tiêm vaccine phòng covid-19 có tiêm được vaccine cúm không?

CDC Hoa Kỳ tuyên bố vaccine Covid-19 có thể được sử dụng và tiêm cùng ngày với bất kể loại vaccine nào khác.

Trước đây khuyến cáo không nên sử dụng các loại vaccine không phải Covid-19 trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiêm vaccine Covid-19, nhưng khuyến cáo đã được sửa đổi vì lo ngại dẫn đến sự chậm trễ trong việc tiêm phòng, việc dùng chung không ảnh hưởng đến tính an toàn hoặc khả năng sinh miễn dịch của cơ thể.

Phụ nữ mang thai nhiễm cúm điều trị như thế nào?

Cần đưa bệnh nhân tới bác sĩ để được điều trị càng sớm càng tốt ngay sau khi xuất hiện triệu chứng (thường dưới 2 ngày).

Bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus: Các nghiên cứu gần đây chỉ ra hệ số an toàn khá cao khi sử dụng đối với phụ nữ mang thai bị cúm.

Trong trường hợp bệnh nhân sốt, phải sử dụng thuốc hạ sốt. Sốt trong 3 tháng đầu của thai kỳ liên quan đến một số dị tật bẩm sinh, sốt khi chuyển dạ là yếu tố rủi ro gây ra tình trạng co giật, bệnh về não, bại não, tử vong ở trẻ.

Một số thuốc điều trị triệu chứng khác sẽ được dùng để làm giảm sự khó chịu của thai phụ.

Để tránh bị lây nhiễm cúm, phụ nữ mang thai cần hết sức cẩn trọng: Phải thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước hoặc khử trùng tay bằng cồn; đồng thời luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh./.

Ths.Bs Nguyễn Xuân Đạt

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/cum-o-phu-nu-mang-thai-gay-nguy-hiem-cho-san-phu-va-thai-nhi-898082.vov