Đàm phán thương mại: Mỹ ngại Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc

Giới phân tích đang đặt dấu hỏi về sự xuất hiện của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc có tác động như thế nào đến các cuộc đàm phán thương mại.

Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều khác biệt quan trọng và sự ngờ vực vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, khi hai bên sẽ bắt đầu nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp tại Thương Hải vào ngày 31/7 tới, giới phân tích đã đặt ra câu hỏi về sự nổi bật trở lại của một nhà đàm phán thương mại cũ, liệu điều này có tác động như thế nào đến các cuộc đàm phán thương mại.

Vốn không được nhắc đến nhiều trong các cuộc đàm phán trước đây, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc - Zhong Shan - đã tham gia hai cuộc gọi hội nghị với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong những tuần gần đây và dự kiến sẽ có mặt tại bàn đàm phán khi hai bên bắt đầu cuộc họp trực tiếp tại Thượng Hải vào ngày 31/7 tuần tới.

Và đây là lần đầu tiên ông Zhong trở thành một phần của nhóm nhỏ các nhà đàm phán, được giao nhiệm vụ vạch ra một con đường chấm dứt làn sóng áp thuế quan hơn 1 năm qua và một cuộc chiến thương mại, vốn bị cho là nguyên nhân gây ra sự chậm lại trong nền kinh tế toàn cầu.

Ông Zhong không phải là một người xa lạ gì đối với các quan chức Mỹ như Lighthizer, vì họ đã đàm phán với nhau nhiều lần tại các hội nghị quốc tế trong hai năm qua, khi ông Zhong đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, một quan chức chính quyền Mỹ cho hay. Ông được phía Mỹ xem là một nhà đàm phán có khả năng và chuyên nghiệp, vị quan chức này nói với Bloomberg.

Nhưng lý do tại sao Bắc Kinh lại nâng cao vị thế của ông Zhong là điều còn chưa rõ ràng, vị quan chức này cho biết, và giới phân tích đang đặt câu hỏi về liệu ông sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới giai điệu của các cuộc đàm phán. Ông Zhong nổi tiếng là một nhà đàm phán cứng rắn và được một số quan chức Mỹ nhìn là người có thể khiến các cuộc thảo luận trở nên căng thẳng hơn so với trước đây.

Mặc dù không trực tiếp nêu tên ông Zhong, ông Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Trump, đã đôi lần cảnh báo trong những tuần gần đây rằng, việc Trung Quốc đưa các nhân vật có quan điểm cứng rắn có thể làm phức tạp các nỗ lực nhằm chốt lại một thỏa thuận với Trung Quốc, và điều này có thể khiến ông Trump mở rộng việc áp thuế quan như ông đã từng nói.

Xuất thân là một quan chức thương mại của tỉnh Chiết Giang, ông Zhong được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc vào đầu năm 2017, khi căng thẳng thương mại với Mỹ bắt đầu, ông là người thực hiện những đàm phán thương mại ban đầu với chính quyền Trump.

Bộ đôi Lighthizer và Mnuchin sẽ đến Trung Quốc để đàm phán trực tiếp với nhóm của ông Lưu Hạc vào đầu tuần tới. Ảnh: First post.

Trong cuộc họp báo đầu tiên của mình với tư cách là Bộ trưởng Thương mại, ông Zhong đã tâng bốc người đồng cấp Mỹ Wilbur Ross - người từng dẫn dắt phái đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán ban đầu với Trung Quốc - là một nhà kinh doanh và đàm phán xuất sắc. Ông nói rằng ông sẵn sàng giao dịch với những người xuất sắc, bởi vì những người xuất sắc rất giỏi suy nghĩ chiến lược trong dài hạn.

Vai trò của ông Zhong, giống như Ross, đã mờ nhạt dần kề từ sau những nỗ lực ban đầu đó, đặc biệt là sau khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người có vị thế cao hơn ông Zhong trong hệ thống chính trị Trung Quốc, được chỉ định để dẫn dắt nhóm đàm phán Trung Quốc.

Bloomberg trích nguồn thạo tin cho biết, trong khi ông Zhong vẫn tham gia các cuộc họp toàn thể và trong các cuộc gọi thường xuyên, vai trò của vị Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đã trở nên nổi bật hơn khi tên của ông có trong văn bản tóm tắt chính thức về 2 cuộc điện đàm trong tuần này.

Kể từ khi các cuộc đàm phán sụp đổ vào tháng 5, quan điểm của ông Zhong với Mỹ đã trở nên gay gắt hơn và không còn hoa mỹ như trước nữa.

“Những người Mỹ đã bắt đầu những tranh chấp thương mại với chúng tôi. Họ vi phạm các quy tắc của WTO và là dấu hiệu của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ điển hình”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Nhân dân Nhật báo. “Chúng ta cần phải giữ vững tinh thần đấu tranh và bảo vệ lợi ích của quốc gia và nhân dân chúng ta, cũng như hệ thống thương mại đa phương”.

Giới phân tích cũng nhắc đến sự thân cận của ông Zhong với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông từng là Phó Thống đốc tỉnh Chiết Giang năm 2003 và làm việc dưới quyền ông Tập, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, trước khi chuyển sang làm Thứ trưởng Thương mại vào năm 2008. Ông được bổ nhiệm làm đại diện thương mại quốc tế của Trung Quốc vào năm 2013 và tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại tự do song phương. Ông cũng được phái đi để đàm phán với Liên minh châu Âu về xung đột thương mại đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời và thiết bị viễn thông.

Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Điện lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, cho biết, với nhiều kinh nghiệm tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại căng thẳng hơn ông Lưu Hạc và có cấp bậc chính trị thấp hơn, ông Zhong có nhiều khả năng bám sát chi tiết và góp phần trì hoãn các quyết định quan trọng của các quan chức cấp cao hơn.

Zhong có tiếng là một nhà điều hành khó khăn. Khi ông gia nhập Bộ Thương mại Trung Quốc, ông từng nói với các trợ lý chú trọng các cuộc họp giao ban trước khi gặp các đối tác nước ngoài, yêu cầu họ bỏ đi các ghi chú không liên quan về thời tiết và tập trung vào chất, một nguồn thạo tin nói với Bloomberg.

Bất kể là có chòm sao mới nổi nào trong các nhóm đàm phán, ông Clete Willems, người cho đến tháng 4 vẫn còn là phó giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong chính quyền Trump, cảnh báo rằng đừng quá kỳ vọng vào các cuộc đàm phán sắp tới. “Hai bên đã không đàm phán trực tiếp với nhau trong 2 tháng rưỡi và họ sẽ mất một thời gian để lấy lại động lực đã mất”.

Nguồn Bloomberg

Mạnh Đức

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/dam-phan-thuong-mai-my-ngai-bo-truong-thuong-mai-trung-quoc-3329754/