Đàm phán Mỹ- Trung thiếu triển vọng: Mỹ nới nút thắt Huawei

Bộ Thương mại Mỹ nới lệnh cấm Huawei không rõ ràng, Washington mang con mồi Huawei dụ Trung Quốc ngồi lại đàm phán.

Ngày 9/7 (giờ địa phương), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố, cơ quan này đã cấp giấy phép cho các công ty muốn bán hàng cho Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc trong những lĩnh vực không có mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross

Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ các mặt hàng có thể được "qua cửa" là gì.

"Để thực thi chỉ thị Tổng thống Donald Trump đưa ra tại hội nghị G20 cách đây 2 tuần, Bộ Thương mại Mỹ sẽ cấp giấy phép nếu thấy không có mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ" - ông Ross cho hay.

"Trong những ranh giới đó, chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo rằng chúng ta không chuyển thu nhập của Mỹ cho các công ty nước ngoài" - Vị Bộ trưởng Mỹ cho biết thêm.

Như vậy, giấy phép liên quan đến Huawei sẽ chỉ được bỏ chế độ tự động từ chối. Huawei vẫn không được xóa khỏi "Danh sách Thực thể" của Bộ Thương mại Mỹ.

Bộ thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào cái gọi là "Danh sách Thực thể" (Entity List) hồi tháng 5 vì quan ngại về an ninh quốc gia. Linh kiện, phụ tùng của Mỹ nói chung bị cấm bán cho những bên có tên trong danh sách này, nếu không có giấy phép đặc biệt.

Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ đã nói về khả năng nới lỏng lệnh cấm Huawei, cho phép công ty công nghệ viễn thông Trung Quốc được bán nhiều hàng hóa hơn sang Mỹ.

Sau khi Huawei được đưa vào "Danh sách Thực thể", ngành sản xuất chip đã vận động chính phủ Mỹ để được cho phép bán các mặt hàng không nhạy cảm mà Huawei có thể dễ dàng mua ở nơi khác, cho rằng một lệnh cấm toàn diện sẽ gây hại cho các công ty Mỹ.

Việc nới lỏng lệnh cấm cho Huawei có thể coi là tín hiệu tích cực của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực hiện thực hóa các tuyên bố đã đưa ra sau Hội nghị G20 ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, động thái này của Bộ Thương mại Mỹ thực chất không hề gỡ rối cho Huawei được tiếp cận trở lại thị trường Mỹ.

Giới quan sát cho rằng phát biểu của ông Ross thiếu sự rõ ràng cũng như không thể giải tỏa mà nhiều người đã kỳ vọng về lệnh cấm của Huawei sau tuyên bố của Tổng thống Trump.

Luật sư thương mại Doug Jacobson tại Washington nhận định: "Chính sách thực tế, về những gì sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh Mỹ, là không rõ ràng... Cách duy nhất để ngành có thể xác định ranh giới đó là đăng ký xin giấy phép và biết loại nào sẽ được chấp thuận và loại nào không".

Tuyên bố của ông Wilbur Ross mới chỉ cho thấy có động tĩnh của Mỹ về lệnh cấm Huawei, được cho là cái cớ để tiếp tục kéo Trung Quốc trở lại cuộc đàm phán trực tiếp sau Thượng đỉnh G20 và điện đàm giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với đại diện thương mại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ ngày 9/7.

Đã có ít lạc quan để từ khi Mỹ và Trung Quốc kết thúc cuộc gặp ở Nhật Bản với nhiều cảm xúc.

Trung Quốc bày tỏ mong chờ quyết định của ông Donald Trump về việc nới lỏng lệnh cấm với Huawei trong khi phía Mỹ ca ngợi đây là một cuộc gặp tốt đẹp: Trung Quốc sẽ mua nhiều nông sản hơn và Mỹ cũng sẽ xem xét nới lỏng trừng phạt Huawei hơn nữa.

Tuy nhiên, cuộc điện đàm ngày 9/7 giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã không cho thấy nhiều tiến bộ nhanh đến vậy.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dam-phan-my-trung-thieu-trien-vong-my-noi-nut-that-huawei-3383541/