Đàm phán Mỹ-Triều Tiên thất bại: Tương lai nào cho thượng đỉnh lần 3?

Đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên tại Stockholm, Thụy Điển cuối tuần vừa qua đã thất bại khi cả hai không đạt được bất cứ kết quả nào.

Bất chấp phía Mỹ tuyên bố cuộc gặp diễn ra tích cực, Triều Tiên ngược lại đã cáo buộc Mỹ đã đánh lừa dư luận và tuyên bố không đàm phán nếu Mỹ không có cách tiếp cận mới. Tương lai về một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 3 vẫn còn rất xa vời.

Quốc kỳ Mỹ và Triều Tiên. Ảnh: VectorStock.

Quốc kỳ Mỹ và Triều Tiên. Ảnh: VectorStock.

Ngay sau khi kết thúc cuộc gặp, phía Mỹ tuyên bố, hai bên đã có cuộc thảo luận “tuyệt vời” và Mỹ đưa ra một số sáng kiến mới có thể giúp đạt được tiến triển cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Thế nhưng, trái ngược với những tuyên bố lạc quan của Mỹ, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 6/10 tiết lộ, các nhà ngoại giao của Triều Tiên đã ra về trước khi cuộc đàm phán kết thúc, báo hiệu sự thất bại không thể chối cãi của cuộc gặp.

Ông Kim Myong Gil, trưởng đoàn đàm phán cấp cao của khẳng định: “Cuộc đàm phán đã thất bại, không có bất kỳ kết quả nào. Bởi một thực tế là Mỹ cuối cùng sẽ không bao giờ từ bỏ quan điểm và thái độ cũ của họ. Mỹ đã nâng cao kỳ vọng của họ bằng cách đưa ra các đề xuất với cách tiếp cận linh hoạt, biện pháp mới và các giải pháp sáng tạo, nhưng họ đã khiến chúng tôi thất vọng và giảm nhiệt tình đàm phán khi thực tế không mang theo bất cứ điều gì mới mẻ”.

Thậm chí, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho còn lên tiếng cáo buộc “Mỹ đang đánh lừa dư luận khi khăng khăng rằng họ đã có một cuộc thảo luận tốt với Triều Tiên”. Ông Ri Yong Ho bày tỏ sự nghi ngờ mục đích thực sự của phía Mỹ trong các tuyên bố gần đây và cho rằng Mỹ đang lợi dụng quan hệ song phương để thỏa mãn các lợi ích của mình”.

Báo chí Triều Tiên hôm 7/10 cũng đồng loạt đăng tải các bài viết, trong đó chỉ trích thái độ “hai mặt” của Mỹ trong đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên - KCNA đăng tải quan điểm của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo nếu Washington không từ bỏ "chính sách thù địch", không đề xuất một giải pháp thực tế cho vấn đề phi hạt nhân hóa vào cuối năm nay, Bình Nhưỡng sẽ không tiếp tục các cuộc đàm phán.

Đây được cho là tuyên bố cứng rắn nhất của Triều Tiên kể từ khi hai bên nối lại các cuộc đàm phán về hạt nhân sau cuộc gặp đầu tiên hồi tháng 6/2018 tại Singapore. Nó cũng cho thấy những nỗ lực của nước này để tạo ra một môi trường đàm phán thuận lợi và công bằng hơn với Mỹ và sự “nhẫn nại” của phía Triều Tiên có vẻ như đang đi tới một giới hạn đỏ.

Thế nhưng tuyên bố cứng rắn như vậy cũng không có nghĩa là Triều Tiên đóng sập mọi cánh cửa đàm phán. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 6/10, ông Kim Myong-gil cho biết Triều Tiên có thể tham gia thảo luận về “giai đoạn tiếp theo” của các biện pháp phi hạt nhân hóa, nếu Washington hồi đáp một cách “chân thành” những biện pháp mà Bình Nhưỡng đã chủ động thực hiện như ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Khó có thể định lượng được “hồi đáp một cách chân thành” theo quan điểm của Triều Tiên là như thế nào, song Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus tuyên bố sẽ tiếp tục đàm phán với Triều Tiên trong 2 tuần nữa, đồng thời cho biết nước này đã xem xét một số sáng kiến mới, cho phép đạt được bước tiến trong 4 trụ cột của Tuyên bố chung Mỹ - Triều tại Hội nghị thượng đỉnh Singapore vào tháng 6/2018. Tuy nhiên, bà Morgan cũng thừa nhận, hai bên sẽ không vượt qua được “di sản” 70 năm chiến tranh và thù địch trên Bán đảo Triều Tiên chỉ thông qua một vài cuộc họp./.

Châu Anh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dam-phan-mytrieu-tien-that-bai-tuong-lai-nao-cho-thuong-dinh-lan-3-964245.vov