Đàm phán Mỹ - EU về Đạo luật Giảm lạm phát: Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung

Căng thẳng giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) liên quan đến Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ đã phủ bóng đen lên cuộc đàm phán của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU. Bất chấp tuyên bố lạc quan, dường như hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành hồi tháng 8/2023, Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) là một gói chi tiêu trị giá 738 tỉ đôla, trong đó phân bổ 391 tỉ đôla cho các dự án công nghiệp thân thiện với khí hậu và năng lượng xanh. Liên minh Châu Âu lo ngại đạo luật này tạo sân chơi bất bình đẳng cho các doanh nghiệp Châu Âu cũng như có thể kích hoạt dòng vốn ồ ạt rút khỏi thị trường EU.

CẠNH TRANH PHẢI BÌNH ĐẲNG

Ngoại trưởng Mỹ ANTONY BLINKEN: "Chúng tôi cam kết cùng nhau tiến về phía trước, không gây thiệt hại cho nhau mà vì lợi ích của nhau. Chúng ta đã thấy những công việc tuyệt vời, thiết thực, tích cực được thực hiện trong phiên họp này. Nhóm chuyên trách của hai bên đang thực hiện công việc của mình. Chúng tôi sẽ thực hiện nhanh chóng và chúng tôi sẽ vượt qua."

BÀ URSULA VON DER LEYEN, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu: "Cạnh tranh giữa Châu Âu và Mỹ có thể thúc đẩy cả hai ngành công nghiệp của EU trở nên vượt trội, đổi mới và chuyển đổi nhanh hơn. Nhưng cuộc cạnh tranh này phải tôn trọng một sân chơi bình đẳng. Vì vậy, EU phải hành động để cân bằng lại sân chơi nơi Đạo luật Giảm lạm phát và các biện pháp khác gây ra sự biến dạng."

Hai bên tuyên bố trái ngược sau cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng lần thứ 3 của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ và EU, cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

EU đã chỉ ra ít nhất 9 điểm trong Đạo luật của Mỹ có thể vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, nhất là các khoản ưu đãi thuế được cấp cho ô tô điện sản xuất tại Bắc Mỹ. Điều này thách thức các nhà sản xuất ô tô Châu Âu đang tập trung vào dòng xe điện, chẳng hạn như Volkswagen.

Để đối phó, EU có khả năng sẽ điều chỉnh các quy tắc viện trợ của nhà nước để cho phép các chính phủ giúp các ngành công nghiệp của họ chống lại tác động tiêu cực từ đạo luật của Mỹ.

Mỹ đã cam kết sẽ xem xét đến lợi ích của “những người bạn Châu Âu”. Nhưng những thách thức về quy trình và thời gian khiến EU quan ngại. Hai bên cần phải chuyển từ lời nói sang hành động cụ thể và cần làm điều này trong năm nay, vì một số điều khoản của đạo luật này sẽ có hiệu lực vào năm tới, tức chỉ khoảng hơn 20 ngày nữa.

Một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương là điều không bên nào mong muốn. Tuy nhiên, trước khi đạt được kết quả đàm phán cụ thể, có lẽ EU vẫn nên tính đến các phương án ứng phó thay thế.

Thực hiện : QT

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dam-phan-my-eu-ve-dao-luat-giam-lam-phat-van-chua-tim-duoc-tieng-noi-chung