Đàm phán hòa bình Taliban - Afghanistan vẫn bế tắc

Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, do quốc gia vùng Vịnh Qatar chủ trì nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc chiến kéo dài 19 năm ở Afghanistan, đình trệ do những bất đồng về cách xây dựng bộ quy tắc ứng xử sẽ định hướng cho các cuộc đàm phán rộng hơn.

Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, do quốc gia vùng Vịnh Qatar chủ trì nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc chiến kéo dài 19 năm ở Afghanistan, đình trệ do những bất đồng về cách xây dựng bộ quy tắc ứng xử sẽ định hướng cho các cuộc đàm phán rộng hơn.

Phái đoàn Taliban tham dự phiên khai mạc cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban tại Doha, Qatar hôm 12-9. Ảnh: AP

Phái đoàn Taliban tham dự phiên khai mạc cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban tại Doha, Qatar hôm 12-9. Ảnh: AP

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban tại Doha bắt đầu từ hôm 12-9 được kỳ vọng sẽ mở đường cho một tiến trình hòa bình thực sự, theo đó các lực lượng quân sự nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan sau gần 2 thập kỷ chiến tranh và xung đột tại đây. Tuy nhiên, cuộc đàm phán này cho đến nay vẫn chưa đạt được tiến triển. Taliban tiếp tục bác bỏ lệnh ngừng bắn cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận cụ thể.

Còn nhiều bất đồng

Ngoại trưởng Afghanistan Muhammad Hanif Atmar ngày 6-10 cho biết hai bên chưa đạt được thỏa thuận nào về quy tắc ứng xử sẽ chi phối các cuộc đàm phán. Một quan chức cấp cao tại Doha theo dõi đàm phán khẳng định các nguyên tắc cơ bản này sẽ là nền tảng để tránh nguy cơ hòa đàm đổ vỡ.

Trong khi các cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban diễn ra ở thủ đô Doha của Qatar, bạo lực vẫn tiếp diễn. Nhiều binh sĩ nước này và dân thường đã thiệt mạng, trong khi nhiều tay súng Taliban cũng đã bị tiêu diệt trong các cuộc đụng độ và tấn công liều chết trong những tuần gần đây. Một vụ tấn công liều chết nhằm vào một tỉnh trưởng ở nước này đã cướp đi sinh mạng ít nhất 8 người hôm 5-10.

Các vấn đề nổi cộm như lệnh ngừng bắn hoặc thể chế chính quyền sẽ định hình tương lai của Afghanistan. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hôm 6-10 đã hối thúc Taliban tuyên bố ngừng bắn trên toàn quốc. Kết thúc chuyến thăm 2 ngày và cũng là chuyến thăm đầu tiên đến Doha kể từ khi các cuộc hòa đàm bắt đầu 3 tuần trước, ông Ghani đã có bài diễn thuyết trước đông đảo các nhà ngoại giao và học giả, trong đó ông nhấn mạnh cuộc xung đột kéo dài tại Afghanistan phải được giải quyết thông qua đàm phán, “không phải dưới nòng súng”. Trong diễn thuyết, ông Ghani tránh xác nhận tình trạng đình trệ trong đàm phán. Phát biểu với các phóng viên trước khi rời đi, ông nhấn mạnh “không thể kết thúc cuộc chiến 20 năm chỉ trong 20 ngày”.

Hiện Chính phủ Afghanistan và Taliban vẫn đang cố gắng tìm tiếng nói chung về hai vấn đề nổi bật trước khi đi đến thiết lập một chương trình nghị sự. Phía Taliban chủ trương thực thi hệ thống luật pháp Hồi giáo dòng Sunni, trong khi các nhà đàm phán của Chính phủ Afghanistan cho rằng hệ thống này có thể dẫn tới phân biệt đối xử với sắc tộc Haraza, chủ yếu gồm những người theo dòng Hồi giáo Shiite, và các sắc tộc thiểu số khác.

Một chủ đề gây tranh cãi khác là thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban ký kết hồi tháng 2. Theo thỏa thuận này, các lực lượng nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan vào tháng 5- 2021, đổi lại Taliban cam kết sẽ tham gia cuộc chiến chống khủng bố, đàm phán ngừng bắn lâu dài và cách thức chia sẻ quyền lực với Chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định các cuộc đàm phán này sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do Taliban không muốn một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện. Taliban cho rằng việc tăng cường các vụ tấn công có thể khiến lực lượng này có lợi thế trên bàn đàm phán. Trong gần 1 tuần qua, hai bên không có một cuộc gặp chính thức nào. Tuy nhiên, cả hai khẳng định sẽ tiếp tục thảo luận không chính thức để tìm ra giải pháp.

Kỳ vọng về tình hình

Ngoại trưởng Afghanistan Atmar hôm 6-10 đã bày tỏ sự lạc quan về việc vượt qua những trở ngại trong các cuộc đàm phán với Taliban. “Thực tế hiện nay chúng tôi đã đàm phán trực tiếp mặt đối mặt, điều này cho thấy tiến bộ đáng hoan nghênh. Vâng, chúng tôi có những trở ngại và đó là lý do tại sao chúng tôi có cuộc đối thoại này, để loại bỏ chúng”, ông Atmar nói với tờ Al Jazeera.

“Chúng tôi đã tham gia vào một chương ngoại giao mới với các đối tác khu vực và quốc tế để những trở ngại đó có thể được giải quyết. Không ai cho rằng cuộc đàm phán này là dễ dàng, mọi người đều dự đoán sẽ có nhiều rào cản”, ông Atmar cho biết, “Nhóm của chúng tôi đã trình bày một số đề xuất phản đối với Taliban để tìm ra điểm chung”, ông nói. Nhưng Ngoại trưởng Afghanistan cũng cảnh báo: “Những người muốn bạo lực sẽ bị gạt ra ngoài lề và sẽ không có bất kỳ tính hợp pháp nào cho mục đích của họ”.

Ông Atmar cũng cho biết chính phủ đang kỳ vọng giảm bạo lực, như hai bên đã hứa khi bắt đầu các cuộc đàm phán. Ông nói: “Chúng tôi đang chờ đợi việc thực hiện cam kết đó”.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_232677_dam-phan-hoa-binh-taliban-afghanistan-van-be-tac.aspx