Đàm phán Hiệp định RCEP tiếp tục gặp lực cản từ Ấn Độ

Ấn Độ lo ngại về thỏa thuận của hiệp định có thể dẫn đến tràn ngập hàng hóa giá rẻ từ các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc vào trong nước.

Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực - RCEP bắt đầu được khởi động đàm phán từ tháng 11/2012 với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà hiệp hội này đã ký hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.

Là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, RCEP khi được ký kết sẽ hình thành một khối thương mại chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu, với tổng dân số 3,56 tỷ người và tạo ra giá trị thương mại hơn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ, tương đương 29% giá trị thương mại toàn cầu.

RCEP khi được ký kết sẽ hình thành một khối thương mại chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu. (Ảnh: KT)

RCEP khi được ký kết sẽ hình thành một khối thương mại chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu. (Ảnh: KT)

Trong quá trình đàm phán hiệp định, Ấn Độ tiếp tục nêu thêm nhiều đề nghị thay đổi về nhiệm vụ cơ bản và các quy tắc cụ thể về sản phẩm. Theo nội dung đàm phán của Hiệp định, Ấn Độ sẽ cắt giảm thuế đối với hơn 90% các mặt hàng đối với hầu hết các quốc gia trong RCEP, ngoại trừ Trung Quốc, với một số mặt hàng sẽ giảm dần trong các khung thời gian 10 năm, 15 năm và 20 năm.

Ấn Độ lo ngại về những thỏa thuận của hiệp định này có thể dẫn đến tràn ngập hàng hóa giá rẻ từ các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc vào trong nước. Vì khi đó nền sản xuất nội địa sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất lớn và sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp quy mô nhỏ, công nghệ thấp và ảnh hưởng tới thị trường lao động, nhất tầng lớp người lao động nghèo.

Kể từ khi tái đắc cử Thủ tướng Ấn Độ vào tháng 5 vừa qua, ông Modi đã có những tuyên bố thể hiện cam kết thúc đẩy đàm phán Hiệp định RCEP. Các quan chức Ấn Độ cho biết chính phủ của ông Modi sẽ thúc đẩy các nhượng bộ hơn nữa vì lo ngại rằng Ấn Độ có thể bị loại khỏi thông báo kết thúc đàm phán RCEP và khi đó sẽ buộc phải đàm phán với các nước trên cơ sở song phương.

Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 9 diễn ra từ ngày 11-12/10 vừa qua tại thủ đô Bangkok với sự tham dự của 16 Bộ trưởng, trưởng đoàn phụ trách kinh tế, thương mại và các nhà đàm phán của các nước thành viên RCEP, các đoàn đàm phán đã thống nhất được 21 trong 25 chương của thỏa thuận cuối cùng và cơ bản đã nhất trí được cách thức, nguyên tắc đàm phán 4 chương còn lại.

Hôm 30/10, Cục trưởng Cục đàm phán thương mại, Bộ Thương mại Thái Lan, bà Auramon Supthaweethum phát biểu bày tỏ sự tin tưởng rằng thỏa thuận RCEP sẽ có kết quả trong năm 2019 tại Thái Lan. Theo kế hoạch, các nhà đàm phán Hiệp định RCEP sẽ tham dự một cuộc họp vào ngày 1/11 tại Bangkok và kết quả sẽ được đề xuất lên Hội nghị thượng đỉnh RCEP vào ngày 4/11.

Giới quan sát nhận định các nước có thể sẽ đi đến một tuyên bố kết thúc đàm phán kỹ thuật Hiệp định RCEP ngay tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 ngày cả khi thỏa thuận này chưa hoàn toàn được thống nhất bởi tất cả các quốc gia tham gia đàm phán.

Thái Lan, nước Chủ tịch ASEAN 2019, mong muốn các cuộc đàm phán RCEP, vốn kéo dài gần 7 năm qua với rất nhiều phiên họp, sẽ kết thúc trong năm nay, lý tưởng nhất là trước Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các cấp cao liên quan vào đầu tháng 11 này./.

Quang Trung, Trọng Đạt/VOV-Bangkok

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dam-phan-hiep-dinh-rcep-tiep-tuc-gap-luc-can-tu-an-do-973634.vov